Chuyện kể rằng, một vị lão doanh nhân đang có dự định nghỉ hưu, tuy nhiên vì có đến tận 3 người con trai nên ông không biết trao quyền quản lý cơ ngơi đồ sộ của mình lại cho ai. Suy nghĩ trong một thời gian dài cuối cùng ông quyết định đưa ra một thử thách nhỏ dành cho các con, ai vượt qua tất nhiên sẽ được ông trao cho cả gia tài.
Theo đó, nhân một hôm cuối tuần gia đình sum họp, ông nói với các con rằng: “Bây giờ bố sẽ đưa cho các con 2000 USD, ai có thể dùng số tiền này để lấp đầy một gian nhà trống sẽ được bố chọn làm người kế thừa công ty”.
Các con ông nghe xong hào hứng lắm, họ nhanh chóng dùng số tiền ấy để thực hiện yêu cầu của bố.
Người con cả dùng 2000 USD để mua một cây cổ thụ to lớn xum xuê di chuyển để vào gian nhà trống, anh nghĩ bụng bản thân mình quá sáng tạo khi nghĩ ra cách này.
Người con thứ 2 thay vì mua cây cổ thụ thì lại chọn mua cỏ, anh chàng mua cả một thảm cỏ to đùng để lấp đầy gian nhà trống. Về phần mình, anh cũng cho rằng bản thân sẽ chiến thắng tuyệt đối thử thách của bố.
Người con út thì gây bất ngờ hơn cả, anh chàng chẳng những không dùng hết số tiền 2000 USD mà chỉ trích ra một phần rất nhỏ để mua một cây nến với giá 3 USD. Thế thôi và chẳng còn gì khác.
Cuối cùng, các bạn đã biết ai là người chiến thắng không? Đó chính là cậu con trai út. Cụ thể, khi mua xong cây nến về đặt giữa gian nhà trống, đêm đến cậu thắp nến sáng lên và gọi bố cùng 2 anh đến xem. Ánh sáng ngọn nến lấp đầy gian nhà khiến hai anh tâm phục khẩu phục, người bố cũng rất lấy làm hài lòng nên quyết định trao quyền quản lý công ty lại cho cậu.
Quả thật, câu chuyện này đã để lại cho chúng ta mà nhất là dân công sở một bài học rằng: Trên con đường sự nghiệp, khả năng sáng tạo đôi khi lại là chiếc chìa khóa giúp chúng ta mở ra cánh cửa thành công.
Tuy nhiên, sáng tạo không nhất thiết là phải bứt phá trong suy nghĩ để đưa ra những phát kiến điên rồ, vừa tốn kém lại vừa chẳng mang lại hiệu quả cao như người con trai cả trong câu chuyện trên. Cũng không phải bắt chước theo cách thức của người đi trước, biến đổi chút ít thành của mình để rồi cho ra thành quả chẳng khác đi là bao, hoàn toàn vô ích hệt như cách của cậu con trai thứ 2.
Thay vào đó, hãy như cậu con trai út: thay đổi góc nhìn, thay đổi lối tư duy cố hữu, khéo léo ứng dụng để thứ mình sáng tạo ra khả thi không tốn nhiều công sức tiền tài và hoàn toàn chinh phục người khác.
Với dân công sở mà nói, ai ai cũng muốn mình thật khác biệt để trở nên nổi bật trong công ty bằng sự sáng tạo của bản thân - một sự sáng tạo hữu dụng để sếp quý, đồng nghiệp nể và dễ bề dọn đường thăng tiến trong tương lai. Đáng tiếc, sáng tạo thế nào thì không phải ai cũng biết. Hy vọng 3 điều nhắn nhủ dưới đây sẽ giúp cho dân công sở bộc lộ tối đa khả năng sáng tạo của mình:
Nhiều dân công sở dù thích nghĩ ra điều mới, cái mới để phục vụ cho công ty, công việc nhưng tâm hồn lúc nào cũng ở trên mây, lơ lơ lửng lưng, toàn nghĩ ra những thứ viển vông, đao to búa lớn, hoàn toàn không khả thi. Vì thế không ít người sinh ra chán nản, chẳng thèm nghĩ gì nữa, cứ dung dị sống cuộc đời “làm công ăn lương”.
Cho nên, điều cần làm nhất để kích thích khả năng sáng tạo của mỗi dân công sở đó chính là hãy thực tế hơn, đừng xa vời quá khi chỉ hướng suy nghĩ của mình về những thứ trong tầm mắt ngoài tầm tay.
Ai nói phải sáng tạo thứ gì đó “kinh khủng” mới chứng minh được bản thân mình trong công ty? Trái lại, hãy bắt đầu từ những sáng tạo nho nhỏ nhưng tiệm cận phục vụ cho bản thân mình trước tiên như nghĩ ra một cách làm việc mới hiệu quả hơn hoặc phương án tiếp cận tốt hơn với khách hàng tiềm năng. Mà đã làm việc hiệu quả thì đã phần nào chứng minh được năng lực trong mắt sếp và đồng nghiệp xung quanh rồi còn gì.
Sáng tạo cho đã vào cuối cùng lại ngậm đắng ôm quả thất bại, thế là chẳng ai dám sáng tạo gì nữa vì sợ “lịch sử lặp lại”. Nói ngắn gọn thì đó chính là hình ảnh kiểu mẫu của những người sống lâu năm trong vòng an toàn, thi thoảng bước chân ra khỏi thì gặp ngay sóng dữ, lật đật quay đầu và kể từ đó không dám rời khỏi, không dám đương đầu với thử thách nữa.
Nhưng có con đường thành công nào mà chẳng có bất trắc đâu, nếu có thì xác suất cũng rất nhỏ và người đó hẳn là một cá nhân may mắn được “trời thương” dữ dội. Cho nên, hãy cho phép bản thân mình thất bại đi, những thất bại đó sẽ là liều thuốc kích thích mạnh mẽ để bạn sáng tạo không ngừng đấy!
Sáng tạo 10 lần hết 9 lần thất bại, 1 lần thành công. Vậy bạn chọn sáng tạo 10 lần để được thành công 1 lần hay là chẳng có gì hết?
Trí thức trẻ