Trong mỗi cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp của mình, Kim Dung đều tạo ra một bậc thầy võ thuật vô song. Ví dụ như Vô Danh thần tăng trong Thiên long bát bộ, Độc Cô Cầu Bại trong Thần điêu hiệp lữ, Phong Thanh Dương của Tiếu ngạo giang hồ hay Trương Tam Phong trong Thần điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long kiếm.
Trương Tam Phong xuất hiện trong Thần điêu hiệp lữ khi mới 14 tuổi.Khi đó, ông được mẹ gửi đi học võ tại chùa Thiếu Lâm. Khi cùng sư phụ là Giác Viễn đại sư đuổi theo bắt tên trộm bí kíp Cửu dương thần công của Thiếu Lâm, Trương Tam Phong đã gặp nhiều cao thủ như Dương Quá, Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư trên núi Hoa Sơn. Tại đây, Trương Tam Phong được Dương Quá chỉ dạy một số võ công. Tuy nhiên, Trương Tam Phong và Giác Viễn đại sư không thể thu hồi Cửu dương thần công do tên trộm đã giấu sách trong bụng một con vượn trắng.
Vì để mất bí kíp, Trương Tam Phong và Giác Viễn đại sư phải về Thiếu Lâm chịu phạt. Lúc này, Hà Túc Đạo tới Thiếu Lâm đòi tỉ thí với Giác Viễn đại sư. Tuy nhiên, do bị xích chân tay, Giác Viễn bị thất thế, thấy vậy, Trương Tam Phong thi triển võ công được Dương Quá dạy đánh Hà Túc Đạo phải nhận thua. Dù đã lập công nhưng Trương Tam Phong lại bị Thiếu Lâm xử phạt do học võ công bên ngoài. Sợ Trương Tam Phong khó sống nổi nếu phải chịu 100 gậy của võ tăng Thiếu Lâm, Giác Viễn đại sư liều chết bảo vệ đồ đệ chạy thoát ra ngoài. Do sức cùng lực kiệt, Giác Viễn đại sư qua đời ngay sau đó. Trước khi chết, ông còn kịp truyền cho Trương Tam Phong bí kíp luyện Cửu dương thần công.
Trương Tam Phong phải lang thang khắp nơi, tình cờ, ông biết tới cái tên núi Võ Đang nên đã lên đó chăm chỉ luyện tập Cửu dương thần công. Sau đó, ông lĩnh hội được triết lý âm dương của Đạo gia, rồi sáng tạo ra Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm, trở thành vô địch thiên hạ, được tôn làm Bắc Đẩu trong võ lâm.
Còn trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Trương Tam Phong đã hơn 100 tuổi, lúc này thực lực của ông đã không thể so sánh với những cao thủ khác. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ các tác phẩm của Kim Dung lại đặt ra giả thuyết nếu Trương Tam Phong tỉ thí với Dương Quá thì ai sẽ là người chiến thắng?
Từ những câu chữ trong tiểu thuyết, họ đã đưa ra câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ. Đó là Dương Quá chỉ cần 10 chiêu để hạ gục Trương Tam Phong vì 2 lý do:
Thứ nhất là do thực lực của Trương Tam Phong. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung đã gián tiếp công bố về thực lực của Trương Tam Phong. Lúc Trương Vô Kỵ trợ giúp truyền chân khí khi bị Cương Tướng đánh trọng thương, Trương Tam Phong bỗng cảm thấy một luồng lực đạo vô cùng mạnh mẽ theo lòng bàn tay đi vào mình, tuy còn kém xa nội lực của ông về mặt tinh thuần chuyên nhất nhưng lại hàng hàng lớp lớp, liên miên bất tuyệt. Trương Tam Phong khi ấy kinh hoảng, định thần nhìn sắc mặt Trương Vô Kỵ, thấy mắt chàng không lộ quang hoa, hiển nhiên đã đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh, bình sinh ông gặp chỉ có vài ba người như Giác Viễn Đại Sư, Quách Tĩnh hay Dương Quá. Còn đương thời, ngoại trừ chính ông ra không tìm ra được người thứ hai có mức độ tương đương.
Qua chi tiết này, có thể thấy tu vi trăm năm của Trương Tam Phong có thể ngang hoặc hơn Quách Tĩnh một chút.
Thứ hai, từ lý do kể trên, ta có thể dùng thực lực của Quách Tĩnh làm thước đo võ công của Trương Tam Phong và Dương Quá. Như ta đã biết, trong Thần điêu hiệp lữ, lần đầu tiên Kim Luân Pháp vương xuất hiện là tại Anh hùng đại yến, Quách Tĩnh có thực lực ngang với Kim Luân pháp vương. 16 năm sau, Kim Luân pháp vương trở lại Trung Nguyên. Lúc này lão đã luyện thành Long Tượng Ban Nhược Công, môn công phu bí truyền của phái Mật Tông ở Tây Tạng. Còn Quách Tĩnh do bận việc quân sự nên thực lực đã kém hơn Kim Luân pháp vương. Tuy nhiên trong trận đánh ở thành Tương Dương, Dương Quá chỉ cần 5 chiêu liên tiếp đã đánh bại ông ta.
Kết hợp 2 lý do trên, thực lực của Trương Tam Phong cao hơn Quách Tĩnh và sánh ngang Kim Luân pháp vương. Thế nhưng, Dương Quá trong 5 chiêu đã hạ gục Kim Luân pháp vương thì đối với Trương Tam Phong chắc chắn chỉ cần không quá 10 chiêu.
Như vậy, kết quả đã rõ, nếu Trương Tam Phong và Dương Quá tỉ thí thì phần thắng sẽ nghiêng về Tây Cuồng của Thiên hạ ngũ tuyệt.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp từ trang tin Sina, Sohu.