Cách đây gần một thập niên, Heymann, lúc này ngoài 30 tuổi, lần đầu bắt gặp Jonathan Agassi ở một quán bar LGBT náo nhiệt, khi đang quay tài liệu tại thành phố biển Tel Aviv (Israel). Qua lời giới thiệu từ người bạn đi cùng, đạo diễn gốc Do Thái mới biết, Agassi là diễn viên phim đen bấy giờ đã rất nổi danh. Về sau, đối với kỉ niệm lần đầu trông thấy ngôi sao đồng tính, nhiều người vẫn nghĩ câu chuyện Heymann kể hệt như một tiểu thuyết hư cấu.
Cảm thấy sức hút kỳ lạ nơi Agassi, nhà làm phim gửi tin nhắn thông qua Facebook để hẹn gặp anh, trong lần kế tiếp ông quay lại Tel Aviv. Khi Agassi lầm tưởng người đàn ông lạ là fan hâm mộ đơn thuần muốn một đêm ‘mua vui’ cùng thần tượng, Heymann lý giải, ông tìm gặp nam diễn viên vì muốn thực hiện phim tài liệu về cuộc đời anh.
Nhận được sự đồng ý từ mẹ ruột Agassi, Anna, vị đạo diễn bắt đầu chuyến hành trình nghệ thuật khó tin, làm nên ‘Jonathan Agassi Saved My Life’ - bộ phim tài liệu mất 8 năm để hoàn tất.
Kết quả sau cùng là một dự án lôi cuốn đến choáng ngợp, phản ánh nhiều khía cạnh chân thật, nhạy cảm bên trong thị trường giải trí người lớn, vốn thường bị ví như chốn nhiễu nhương - ‘tăm tối’.
Một ngôi sao phim đen được săn đón, ‘vụt sáng’ và nổi tiếng quá nhanh. Thế nhưng để vươn tới danh hiệu ấy, Agassi phải đánh đổi những gì? Tác phẩm rung động của Heymann lột tả sức ép danh vọng đôi khi khó chống cự, song song đó là sự mất mát những người trong cuộc câm lặng ‘nếm trải’.
Dựa trên bối cảnh ngành công nghiệp phim người lớn nhưng bộ phim không hề mang tính dung tục hoặc phán xét. ‘Jonathan Agassi Saved My Life’ hội tụ đa tầng xúc cảm đáng suy ngẫm: nỗi cô độc, lạc lõng và đau thương. Từng ‘mảng tối’ cuộc sống tin chắc mỗi người xem đều có thể cảm thông, chia sẻ.
Đạo diễn Heymann
Cuối tháng 3 vừa qua, nhân sự kiện ra mắt phim ở BFI Flare (LHP chủ đề LGBT lớn nhất châu Âu, tổ chức thường niên tại Anh), Heymann có buổi phỏng vấn trên tạp chí văn hóa HuckMag. Ông đưa ra hàng loạt chia sẻ thú vị về dự án tài liệu được đánh giá như một trong những đề cử phim LGBT xuất sắc nhất của năm.
Ông dành hẳn 8 năm cho bộ phim. Suốt thời gian đó, ông và gia đình Agassi hẳn đã tạo được mối thâm tình?
Dĩ nhiên. Phim có thể hoàn thành nhờ sự tin tưởng và tình bạn giữa chúng tôi. Tôi đã cùng họ trải qua vô số biến cố, cảm xúc. Tôi cảm thông sâu sắc với Anna và Jonathan vì thế. Đây không phải một dự án điện ảnh với lịch quay kéo dài vài tháng, để khi kết thúc, mỗi người trong ekip lại ‘đường ai nấy đi’. Bộ phim là sản phẩm tâm huyết với tôi. Suốt chặng đường, chúng tôi đối diện bao thăng trầm cùng nhau, lo lắng, mệt mỏi, lẫn hạnh phúc và hy vọng. Dẫu phim truyền tải một số góc khuất xã hội phức tạp, tôi mong khán giả vẫn cảm nhận được tình người, tình thân giữa Jonathan và mẹ, thông qua tác phẩm.
Xây dựng tác phẩm tài liệu ghi lại cuộc đời một cá nhân với không ít biến động, có lúc nào vị thế ‘nhà làm phim’ trong ông nhường chỗ cho vai trò một người bạn?
Ngay từ đầu, tôi đã nói với Anna và Jonathan, họ là người quyết định giới hạn bộ phim. Chính họ quyết định tác phẩm được phép tiến xa đến đâu. Jonathan chưa từng buộc tôi ngừng quay trong bất kì tình huống nào. Ngay cả khi đã đủ tư liệu, tại phòng biên tập, cậu ấy yêu cầu tôi đừng bỏ đi những chi tiết gai góc trong phim.
Lần đầu tôi chứng kiến cảnh Jonathan dùng thuốc phiện, tôi đã rất kinh ngạc. Nhưng sau cùng, tôi nhận ra, chi tiết đó là một phần chân thật giúp định hình nên nhân vật tôi đang muốn ‘theo chân’. Nếu loại hết những thứ gai góc ấy, bộ phim sẽ trở nên đạo đức giả.
Jonathan từng có sự bốc đồng tuổi trẻ, phản xạ của một người chịu tổn thương và muốn tự làm tổn thương chính mình. Là bạn, đã có lúc tôi lo lắng cho cậu ấy. Nhưng cùng lúc đó, dưới tư cách một người làm phim, tôi không muốn làm một tác phẩm giả tạo. Tôi cố gắng cân bằng cả hai vai trò.
Từ ‘cứu rỗi’ trong tựa đề tác phẩm, ông nghĩ Jonathan Agassi muốn cứu ai? Bản thân? Hay mẹ anh ấy?
Đây là câu hỏi lớn dành cho khán giả, cũng như tôi. Ở một góc độ nào đó, hình ảnh một ngôi sao Jonathan Agassi là hiện thân để ‘che chở’ Jonathan, một đứa trẻ từng lớn lên trong cô độc, bị đánh đập, chịu cảnh nghèo túng, khổ sở. Cậu ấy có cuộc đời khốn khó, nơi một xã hội hiện đại vẫn đè nặng tư tưởng phụ hệ, trong khi bản thân Jonathan là người đồng tính.
Nhưng tôi nghĩ, ‘phiên bản’ ngôi sao phim đen chỉ có thể giải cứu cậu ấy trong vài năm ngắn ngủi. Thế giới đen tối của thứ ngành nghề đặc thù này, về lâu dài, phải chăng sẽ trở thành ‘ngục tù’? Tôi không chắc chúng ta đủ sức trả lời câu hỏi này. Sex có thể biểu trưng cho tự do. Với diễn viên phim người lớn, họ được trao cơ hội tự do khám phá tính dục lẫn có được nguồn thu nhập lớn. Jonathan tự chủ trước những điều này. Mặt khác, đây đồng thời là một kiểu ‘nhà tù’. Bạn không thể tháo xuống ‘chiếc mặt nạ’ một tài tử phim khiêu dâm.
Bộ phim cũng đem đến nỗi trăn trở về ngành giải trí người lớn: công chúng nên nghĩ gì về mại dâm? ‘Mua bán’ khoái cảm thể xác rốt cuộc là tốt hay xấu?
Có điều tôi không quay tác phẩm này để gieo vào sự phán xét, quy chụp nào. Tôi không xét đoán người khác qua đôi mắt người làm nghệ thuật. Tôi đơn giản muốn đem lại cái nhìn về cuộc đời những cá nhân thường bị chôn vùi, thờ ơ.
Ông có cho rằng khán giả sẽ hình dung khác đi về phim người lớn, sau khi xem bộ phim này?
Tôi nghĩ phần nào đó, tác phẩm sẽ khiến nhiều người ‘quay lưng’ với phim đen. Nhưng tôi không cố tình tạo ra hiệu ứng đó.
Dự án này gợi mở một số góc tối còn chưa thật sáng tỏ về ngành công nghiệp phim người lớn. Chúng kéo theo những ‘ảo ảnh’ về sex có thể buộc người xem thấy ngán ngẩm khi nhận ra.
Vậy ông có lo ngại bộ phim sẽ tạo thêm định kiến tiêu cực về ngành giải trí người lớn?
Tác phẩm này hoàn toàn xoay quanh Jonathan, là câu chuyện của riêng cậu ấy. Tôi từng gặp một số sao phim người lớn là sinh viên đại học, vài người trong số họ có đời sống tĩnh lặng. Có một diễn viên phim đen tôi gặp làm nghề vật lý trị liệu.
Bộ phim của tôi nói về một người đàn ông đồng tính, vật lộn với cuộc đời trong khi dùng sex và thuốc phiện để khỏa lắp sự trống trải tâm hồn. Phim, do đó, không chủ trương lột tả hình ảnh một ‘ngôi sao khiêu dâm’.
Đương nhiên đây không phải tác phẩm nhẹ nhàng, dễ xem, vì Jonathan là nhân vật không dễ đón nhận. Dẫu vậy nếu bạn xem phim, nhìn vào thế giới của cậu ấy theo cách tôi đã nhìn, sẽ rất khó để hình dung đến thị trường phim người lớn và không nghĩ, còn đó vô số sự thật tương phản khác xa những thứ họ thể hiện trước ống kính.
Như Ý (theo HuckMag)