Bạn đang cầm trên tay Biến tiềm năng thành tài năng (Hidden Potentinal) – tác phẩm mới nhất của Adam Grant. Với cá nhân tôi, mỗi tác phẩm của vị giáo sư trẻ và xuất sắc hàng đầu của Trường kinh doanh Wharton này đều là một cuộc đối thoại về tri thức, về cách tư duy, phát triển con người đầy khác biệt, táo bạo và thú vị.
Tôi ấn tượng với Grant từ khi đọc "Dám nghĩ lại" (Think Again). Trong gần hai năm qua, dường như ở mỗi lớp học, mỗi buổi giảng dạy, đào tạo và chia sẻ với các doanh nhân, nhà lãnh đạo, nhà giáo hay các bạn trẻ, tôi đều nói về Dám nghĩ lại. Khi lên được đỉnh thành công, chúng ta có xu hướng cho rằng mọi quyết định của mình là đúng – đó là lúc thảm họa chực chờ trước mắt. Mỗi nhà lãnh đạo khi thấy doanh nghiệp, tổ chức mình trở nên xơ cứng, thiếu sự sáng tạo, dường như không phát triển nữa, hãy đọc Dám nghĩ lại.
Tôi vốn nghĩ rằng Dám nghĩ lại xuất sắc lắm rồi, nhưng tôi lại được một lần nữa bất ngờ và tâm đắc với trí tuệ sáng suốt của nhà tâm lý học tổ chức này khi cầm trên tay cuốn sách mới nhất của anh – "Biến tiềm năng thành tài năng".
Trước hết phải nói thêm rằng tôi sinh ra tại Hà Nội, là thế hệ học sinh đầu tiên của trường chuyên Hà Nội Amsterdam, tôi lại là lớp trưởng lớp chuyên Toán. Một cách chủ quan, suốt thời tuổi trẻ chúng tôi thường tự cho mình thuộc nhóm những người giỏi nhất của thế hệ. Cho đến khi trưởng thành, bước ra cuộc đời tôi mới hiểu ra niềm kiêu hãnh đó đôi khi thật ngớ ngẩn, càng ngớ ngẩn hơn nếu lấy tiêu chí giỏi toán hay giỏi văn để đánh giá toàn bộ năng lực một con người.
Khi làm việc, bước vào vị trí quản lý, quản trị rồi lãnh đạo, tôi mới nhận thức sâu sắc việc nhìn ra tiềm năng về năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân quan trọng như thế nào đối với việc phát triển tổ chức, và mình cần làm gì, hỗ trợ họ ra sao để tổ chức liên tục tăng trưởng. Tôi buộc phải trang bị cho mình một tư duy và góc nhìn khác về năng lực con người. Điểm số không phải là tất cả.
Đọc Biến tiềm năng thành tài năng, tôi được dịp chiêm nghiệm lại kiến thức và trải nghiệm của mình, đồng thời có rất nhiều khám phá mới. Tôi đã hiểu sâu sắc hơn về việc mỗi cá nhân đều sở hữu các tiềm năng phát triển riêng. Tiềm năng phát triển của chúng ta phần nhiều đều ở dạng “đầu chờ”, thường không hiển lộ ra thành những kết quả rõ ràng, tựa như những viên ngọc ẩn trong đá đang chờ được phát lộ. Chính vì vậy, chúng ta thường không nhận ra tiềm năng của rất nhiều người, và của cả chính chúng ta. Cùng với đó, nếu muốn tiềm năng trở thành năng lực rồi thành tài năng thì bắt buộc chúng ta phải trải qua quá trình kiên trì rèn luyện, nỗ lực vượt qua cảm giác khó chịu một cách có chủ đích, cộng với việc gặp những người hướng dẫn tận tâm và có hệ thống hỗ trợ phù hợp.
Nước Mỹ có bức tượng "Self made man", còn phương Đông có câu "Ngọc bất trác bất thành khí" chính là nói đến quá trình tự rèn luyện, nuôi dưỡng tiềm năng này. Tác phẩm này của Adam Grant đóng góp một kiến thức quan trọng cho chúng ta – tác giả chỉ ra làm thế nào để nhận ra tiềm năng của mỗi người và cách biến tiềm năng trở thành tài năng bằng hệ thống kiến thức khoa học và lập luận thuyết phục. Tôi tin rằng đó là một kiến thức nền quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần có để tự vạch ra hành trình phát triển bản thân.
Cuốn sách khiến tôi nhớ lại ngày bé chúng tôi đã bị đối xử thiên lệch như thế nào. Mỗi đứa chúng tôi đều có những thế mạnh riêng, có đứa rất giỏi đá bóng, đứa thì đặc biệt có khả năng cảm thụ âm thanh, màu sắc, có thể hát rất hay, vẽ rất đẹp, thậm chí viết tay trái tốt… Thế nhưng rất đáng tiếc chúng tôi lại được đánh giá theo tiêu chí phải giỏi văn, giỏi toán. Đã có rất nhiều đứa trẻ bước vào đời với sự thua thiệt như vậy.
Trong sách, Grant trích dẫn một nghiên cứu cho thấy nếu bạn được học với thầy cô có năng lực sư phạm tốt và hỗ trợ bạn tận lực ngay từ những năm đầu đời, bạn sẽ có sự phát triển vượt bậc trong sự nghiệp và thu nhập. Đọc đến đó tôi thật sự tâm đắc. Tôi nhớ hồi mới học cấp 1, khi xét học bạ vào các lớp chuyên của trường Trưng Vương, cô Phương – cô giáo dạy Toán ngày ấy, một cách rất cá nhân, đã giúp đỡ tôi vào lớp chọn Toán, dù khi ấy tôi đã vào diện “suýt trượt”. Sau này tôi có hỏi vì sao cô làm vậy? Cô nói rằng cô nhìn ra năng lực học tập và tố chất của tôi, và việc mất đi một học sinh tốt chỉ vì chưa đủ điểm thì thật đáng tiếc.
Quyết định của cô ngày hôm ấy đã tạo ra sự thay đổi lớn với cuộc đời tôi sau này, khi tôi được học đúng môn học sở trường, có tuổi thơ đầy kỷ niệm với trường lớp, bè bạn và tạo đà cho sự nghiệp của mình sau này. Tôi tin rằng các bạn sẽ tìm ra nhiều điểm bất ngờ và thú vị như vậy cho chính mình, vì học tập luôn là việc ta sẽ làm suốt đời, dù ta có làm việc ở lĩnh vực nào, sống ở giai đoạn nào trong đời.
Một điểm sáng nữa của tác phẩm này là Grant đã lập luận rất thuyết phục về việc các nguồn lực bên ngoài sẽ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của học tập của cá nhân ra sao. Grant tin rằng chúng ta không phát triển một mình. Tiềm năng cần môi trường hỗ trợ phù hợp để trở thành tài năng, vì vậy, việc tạo ra các cấu trúc hỗ trợ để duy trì động lực và vượt qua trở ngại là rất quan trọng.
Hình ảnh “giàn giáo” hỗ trợ quá trình học tập là một minh họa dễ hiểu và hữu ích. Grant chỉ ra các hệ thống trong trường học, đội nhóm và tổ chức có thể được thiết kế tối ưu để mở ra những cơ hội và nuôi dưỡng tiềm năng của người học và người làm việc ra sao. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường cởi mở, tôn trọng cá nhân và khuyến khích việc học – một môi trường thuận lợi để những tài năng được phát triển. Biến tiềm năng thành tài năng cũng nhấn mạnh vai trò của một người hướng dẫn, một huấn luyện viên (coach) trong sự phát triển của mỗi cá nhân.
Cuốn sách này sẽ khiến bạn phải nghĩ lại về cách học tập và phát triển năng lực, dù bạn đang là một người học, đã đi làm, một giáo viên hay một phụ huynh. Tôi cũng tin rằng không chỉ các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp mà cả những người làm giáo dục, người làm chính sách đều nên đọc cuốn sách này.
Ở vai trò một nhà quản trị giáo dục, tôi trân trọng hệ thống tri thức mà Grant chia sẻ, chúng có giá trị áp dụng cao vào việc phát triển tổ chức và doanh nghiệp. Tôi cũng nhận ra nhiều điều Grant nghiên cứu và tổng hợp đã được FPT hiểu và áp dụng từ lâu. Với giá trị cốt lõi là “ Tôn, Đổi, Đồng – Chí, Gương, Sáng”, chúng tôi xem con người là tài sản quan trọng nhất. Đặt chữ “Tôn” lên hàng đầu tức là tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và tạo ra không gian làm việc cởi mở nhất, thoải mái nhất để mọi người cùng phát triển.
Không chỉ tại FPT mà ở bất kỳ tổ chức nào, khi giá trị, bản sắc riêng được tôn trọng, khi năng lực của mỗi cá nhân công nhận, được tạo điều kiện để phát triển thì chúng ta sẽ có một tập thể rất đặc biệt, liên tục có sự phát triển ấn tượng, đột phá. Khi ấy những từ ngữ đẹp đẽ như “bay cao”, “vươn xa”, “tỏa sáng” sẽ không còn là khẩu hiệu mà thực sự trở thành hiện thực.
Tôi cũng hân hạnh chia sẻ rằng trường Wharton nơi Adam Grant đang giảng dạy chính là nơi tôi đã theo học khóa Quản trị Kinh doanh Cao cấp vào năm 2010 – lúc đó Grant có lẽ vẫn đang miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu tâm lý học tổ chức của mình. Wharton cũng chính là nơi tôi học được quan điểm “Life-long learning” – học tập suốt đời, vào năm 2017. Từ đó, tôi mang tinh thần học tập suốt đời chia sẻ tại nhiều diễn đàn và cụ thể hóa tại FPT. Với tiêu chí "Company is campus" (Công ty là trường học) chúng tôi là đã và đang thành công xây dựng một tổ chức học tập luôn thích ứng với những đổi thay của thời cuộc.
Tôi nghĩ rằng chúng ta thật may mắn khi được đọc những cuốn sách của Adam Grant, từ Phương án B (Plan B), Cho và nhận (Give and Take), Tư duy ngược dịch chuyển thế giới (Original) cho đến Dám nghĩ lại (Think Again) và mới nhất là Biến tiềm năng thành tài năng (Hidden Potential), tất cả đều thực sự đáng đọc và đáng suy ngẫm.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Hoàng Nam Tiến
Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, trường Đại học FPT