Nhưng giới chuyên gia lại tin rằng đây là tranh của Lucian Freud. Đằng sau đó còn có một câu chuyện dài...
Gần 25 năm trước, một nhà sưu tầm nghệ thuật người Thụy Sĩ đã mua một bức tranh được giới thiệu là do danh họa người Anh Lucian Freud thực hiện tại một cuộc đấu giá, tác phẩm khắc họa một người đàn ông khỏa thân trong tư thế đứng.
Sau đó, nhà sưu tầm người Thụy Sĩ nhận được cuộc gọi từ họa sĩ người Anh Lucian Freud đề nghị để ông Freud được mua lại bức tranh này.
Trước đó, nhà sưu tầm và họa sĩ không hề quen biết nhau, nhà sưu tầm từ chối lời đề nghị bởi ông cảm thấy thích bức tranh này. Câu chuyện về sau do nhà sưu tầm kể lại...
3 ngày sau, nhà sưu tầm lại nhận được thêm cuộc gọi từ họa sĩ Lucian Freud, lúc này với thái độ khá giận dữ, danh họa đe dọa rằng nếu nhà sưu tầm không bán lại tranh, ông sẽ lên tiếng phủ nhận rằng mình là người thực hiện bức tranh này, và như thế tác phẩm sẽ trở thành vô giá trị.
Cho tới hôm nay, nhà sưu tầm vẫn ẩn danh, câu chuyện về tác phẩm bị chối bỏ vẫn tiếp tục là một câu chuyện hy hữu, lạ lùng trong giới hội họa.
Nhà sưu tầm người Thụy Sĩ chia sẻ ẩn danh với tờ tin tức Observer (Anh) rằng: "Ông Lucian Freud đã nói rằng ông ấy sẽ trả cho tôi nhiều hơn số tiền tôi đã chi ra để mua tranh, thậm chí nhiều gấp đôi, nhưng tôi từ chối, ông ấy liền trở nên giận dữ và ngôn từ không còn lịch sự. Ông ấy đe dọa rằng vì tôi cứ ngoan cố như vậy, nên tôi sẽ không bao giờ có thể bán được bức tranh đó cho ai nữa".
Trước sự thảng thốt của nhà sưu tầm, sau đó, quả thực phía danh họa đã lên tiếng phủ nhận việc Lucian Freud từng thực hiện bức "Người đàn ông đứng khỏa thân".
Kể từ sau sự việc đó, bức tranh vẫn ở lại với nhà sưu tầm, sau nhiều năm nhờ các chuyên gia hội họa nghiên cứu tác phẩm, giờ đây, ông này có cơ hội lật ngược tình thế. Một số bên nghiên cứu độc lập có chuyên môn trong lĩnh vực hội họa hiện đã đưa ra kết luận rằng bức "Người đàn ông đứng khỏa thân" thực sự là tác phẩm của danh họa người Anh - Lucian Freud (1922 - 2011).
Không những thế, giới chuyên môn còn tin rằng đây có thể là một bức tranh tự họa của Freud.
Ông Freud đã qua đời hồi năm 2011, giới hội họa ngưỡng mộ ông với tư cách một bậc thầy trong khắc họa làn da và cơ thể khỏa thân.
Cách khắc họa của Lucian Freud đặc trưng với sự chân thực và tạo xúc cảm dữ dội. Bức tranh khỏa thân "Benefits Supervisor Sleeping" khắc họa nàng thơ Sue Tilley của ông đã được bán ra hồi năm 2008 với giá 17,2 triệu bảng, khi ấy, mức giá trả cho tác phẩm đã xác lập kỷ lục về giá trả cho tác phẩm của một họa sĩ còn đang sống.
Nguyên nhân khiến "Người đàn ông đứng khỏa thân" bị chối bỏ
Bức "Standing Male Nude" (Người đàn ông đứng khỏa thân) bị ông chối bỏ là một bức tranh sơn dầu chưa thực sự hoàn tất, tác phẩm có kích thước 43 cm x 65 cm. Nhà sưu tầm ẩn danh sống tại Geneva, Thụy Sĩ, từng mua tác phẩm này tại một cuộc đấu giá hồi năm 1997.
Bức tranh khi ấy được giới thiệu là tác phẩm của Lucian Freud. Nhưng khi họa sĩ lên tiếng chối bỏ tác phẩm, sau đó, các nhà đấu giá sẽ không thể bán bức tranh này được nữa.
Sau quá trình nghiên cứu, chuyên gia hội họa người Thụy Sĩ - ông Thierry Navarro tin rằng việc danh họa Lucian Freud mong muốn mua lại bức tranh là bởi ông cảm thấy ngượng ngùng, bởi nhân vật nam giới xuất hiện trong tranh chính là ông Freud.
Theo điều tra của ông Navarro, bức họa này từng được treo trong căn hộ tại Geneva của danh họa Francis Bacon, một người bạn trong giới hội họa của ông Lucian Freud.
Lý giải về việc tại sao Bacon về sau không còn gìn giữ bức tranh này, ông Navarro cho rằng có thể mối quan hệ giữa Bacon và Freud về sau không còn thân mật, vì vậy, Bacon không còn tha thiết với bức họa này nữa.
Tiến sĩ Nicholas Eastaught, một chuyên gia người Anh trong việc phân tích các tác phẩm nghệ thuật cũng đưa ra kết luận tương tự: "Chúng tôi tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy đây là tác phẩm của Freud và không tìm thấy bằng chứng nào để phủ nhận điều đó".
Chuyên gia lịch sử nghệ thuật Hector Obalk cũng đã nghiên cứu về bức tranh bị chối bỏ và nhận thấy rằng cách khắc họa làn da trong bức "Người đàn ông đứng khỏa thân" chính là phong cách đặc trưng của Feud.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi tiến sĩ Carina Popovici, một nhà khoa học kiêm người đồng sáng lập ra tổ chức Art Recognition (một công ty có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ, chuyên phân tích các tác phẩm nghệ thuật bằng phương pháp khoa học), cũng tin rằng đây là tác phẩm của Freud.
Hồi năm 2016, một bức tranh khác cũng từng bị Lucian Freud chối bỏ, nhưng tác phẩm cũng đã được giới chuyên gia hội họa tại Anh đánh giá đây đích thực là tác phẩm của Freud.
Lý do khiến ông Freud chối bỏ tác phẩm này là bởi tác phẩm từng thuộc quyền sở hữu của họa sĩ Denis Wirth-Miller, một họa sĩ mà Freud vốn có mối bất hòa lâu năm.
Bích Ngọc
Theo The Guardian