Bạo lực mạng còn đáng sợ hơn Covid-19
Mọi chuyện bắt đầu khi cô gái trẻ Kim Ji-seon, 29 tuổi, một nhân viên văn phòng, chuyển đến sống tại một căn hộ chung cư cạnh bãi biển. Tại đây, cô gặp mặt một số thành viên trong nhà thờ để họp bàn tổ chức chương trình tuổi trẻ vào tháng 2 vừa qua. Được biết, Kim dự định sẽ lên xe hoa cùng bạn trai vào tháng 6.
Nhà nghỉ nơi giáo đoàn của Kim lưu trú trước khi họ bị chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Sau đó, cô Kim có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và thế là toàn bộ chi tiết của cuộc đời cô trở thành đề tài để mọi người bàn tàn, một hệ lụy chẳng có gì xa lạ với văn hóa bắt nạt online đang rất phổ biến ở Hàn Quốc, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Việc này kéo theo hệ lụy là tin đồn thất thiệt được lan truyền khiến chính phủ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình xác định người nhiễm và nguồn lây bệnh.
Nhiều thông tin cá nhân của Kim, bao gồm tuổi tác, giới tính, nhà thờ và những nơi cô lui tới thời gian gần đây được công khai và lan truyền một cách chóng mặt. Không ít dân mạng dựa vào đó và cho rằng Kim là thành viên của giáo phái, họ tự ghép lịch trình di chuyển của cô với một thành viên nhà thờ khác, người cũng nhiễm Covid-19, và kết luận rằng Kim lừa dối vị hôn phu.
"Tôi đã rất ngạc nhiên. Làm sao mà họ có thể đem những người đang phải vật lộn với cuộc sống này ra làm trò đùa được nhỉ? Khi đó, tôi không thể làm được gì ngoài việc nằm trên giường bệnh" - Kim chia sẻ.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn lan truyền tin đồn sai lệch về Covid-19 và ở Hàn Quốc, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi nó trở thành cuộc đấu tranh của mỗi cá nhân.
Các nhà chức trách Hàn Quốc gặt hái được nhiều thành công trong việc tìm ra bệnh nhân Covid-19 cũng như lịch trình của họ nhờ vào sự hỗ trợ của các đoạn clip camera an ninh, dữ liệu điện thoại và lịch sử giao dịch tín dụng.
Nhưng chính những sự hỗ trợ ấy đã vô tình tiếp thêm sức mạnh cho kẻ xấu, những kẻ quấy rối và các trò khinh miệt khác của thế kỷ 21. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ vậy.
"Tôi không cho rằng việc này là thiếu tôn trọng sự riêng tư ở Hàn Quốc. Thay vào đó, mọi người nên nghĩ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì chúng ta có thể hy sinh sự riêng tư của bản thân một chút vì sức khỏe cộng đồng" - giáo sư tại Trường Luật Đại học Hàn Quốc và một chuyên gia về quyền riêng tư, ông Park Kyung-sin, cho biết.
Cũng giống như Kim, một nữ bệnh nhân Covid-19 khác đã bị cộng đồng mạng dán mác là "gái bán dâm" chuyên dụ dỗ quan hệ tình dục với các chàng trai trẻ. Những người khác còn buông lời cay độc, rằng nếu cô mang thai thì đứa trẻ nên được đưa đi xét nghiệm ADN để xem bố em là ai. Dù các nhà chức trách ở Busan đã lên tiếng phản bác tin đồn nhưng không có nghĩa là sự bắt nạt trên mạng dừng lại.
Khi được xuất viện, cô gái này đã gửi khiếu nại lên một trang web lớn và vài blog để yêu cầu loại bỏ nội dung sai lệch nhưng cuối cùng, cô đã phải từ bỏ vì tin đồn được lan truyền đi qua xa.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát dữ dội, trang web của chính phủ Hàn Quốc đã đăng tải phác thảo chi tiết về sinh hoạt hàng ngày của những người nghi nhiễm Covid-19 trước khi họ được xác định mắc bệnh và đưa đi điều trị cách ly. Dù danh tính của bệnh nhân được giữ kín nhưng các thông tin khác như địa chỉ, nơi làm việc lại được công khai.
Việc công khai các dữ liệu ấy đã thúc đẩy sự phát triển của vấn nạn bắt nạt trên mạng. Tại Hàn Quốc, vấn nạn doxxing, đào bới và công bố thông tin cá nhân, đang trở nên vô cùng nhức nhối, thường được nhắc đến trong các vụ tự tử của những người nổi tiếng.
Các nhà hàng từng có bệnh nhân Covid-19 ghé qua bị chỉ trích như thể họ bị nguyền rủa, một nữ bệnh nhân Covid-19 thường xuyên lui tới quán karaoke lại bị cho là gái mại dâm. Người đồng tính ở Hàn Quốc bắt đầu lo sợ họ sẽ bị kì thị đến nỗi chính phủ nơi đây phải hứa rằng sẽ giữ kín danh tính của họ khi tiến hành xét nghiệm Covid-19 tại một quán bar dành cho người đồng tính tại Seoul hồi tháng 5 vừa qua.
Tin đồn vô căn cứ thường rất dai dẳng. Bằng chứng là cho đến nay, những điều sai lệch về Kim và phái đoàn của cô vẫn được lan truyền từ tháng 2 đến nay. Kim Dong-hyun, người bị đồn là nhân tình của Kim, cho biết dạo gần đây, bạn gái của anh thường bị quấy rầy bởi những câu hỏi kém duyên về "gã đàn ông vô đạo đức nổi tiếng" ở nhà thờ của anh.
"Thật không thể tin nổi những tin đồn thất thiệt thế này không có dấu hiệu ngừng lại. Tôi chưa từng hiểu vì sao các ngôi sao nổi tiếng phải tự kết liễu đời mình sau khi trở thành đối tượng bị bắt nạt trên mạng. Nhưng giờ có lẽ tôi đã hiểu rất rõ" - Kim Dong-hyun nói.
Kim Dong-hyun, người bị đồn là nhân tình của Kim.
Để mọi chuyện không bị đẩy đi xa hơn, chính phủ Hàn Quốc sau này không công khai các thông tin bao gồm tuổi tác, giới tính, quốc tịch hay nơi làm việc của bệnh nhân nữa. Đồng thời, họ cũng không tiết lộ những nơi mà bệnh nhân Covid-19 từng ghé qua trong trường hợp những người tiếp xúc gần đã được xác định.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, nạn nhân bị bắt nạt online vẫn phải vật lộn với những hậu quả mà tin đồn thất thiệt gây ra cho họ. Vấn nạn này không chỉ xuất hiện ở mùa dịch mà nó còn được xem là sát thủ vô hình đã tước đi sinh mạng của không ít người Hàn Quốc.
Những cái chết gây ra bởi bạo lực mạng
Theo thống kê vào năm 2018, Hàn Quốc đã ghi nhận 150.000 vụ bắt nạt trên mạng nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nhiều nạn nhân không tìm được công lý hay truy đến cùng những kẻ bắt nạt mình ở một đất nước có tỷ lệ người dân kết nối với Internet nhiều nhất thế giới.
"Hầu hết mọi người đều muốn sự tồn tại của bản thân được người khác công nhận. Khi không thể thu hút được sự chú ý ngoài đời thực, họ cố gắng thực hiện mong muốn của mình trên mạng. Họ bắt đầu tương tác với người mà họ không thực sự biết rõ ngoài đời, hầu hết là những người nổi tiếng.
Từ đó, họ sẽ có cảm giác như thể bản thân và người nổi tiếng có một mối quan hệ riêng tư. Khi bị ngó lơ, không nhận được trả lời dù đã để lại bình luận gây chú ý, họ sẽ bị trở nên tức giận và kéo theo những hành vi bắt nạt đối với người nổi tiếng" - giáo sư Lee Soo-jung nói. Bà cũng tin rằng tất cả mọi người đều có thể trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng và đôi khi trở thành kẻ bắt nạt.
Lee Sung-jin là một Youtuber rất thích tương tác với người hâm mộ trên mạng xã hội. Có một lần, anh vô tình nhìn thấy một bình luận mạng tính đe dọa khiến anh bị sốc. Thế là Lee quyết định xóa bình luận và block luôn người viết. Không lâu sau đó, anh nhận được một tin nhắn chứa một bức ảnh chụp con mèo giống hệt như thú cưng của anh thông qua Instagram.
Bức ảnh ấy khiến Lee cảm thấy bất an. Những ngày sau đó, anh bị mất ngủ và dần dần ngã bệnh. Lee sợ rằng bản thân mình sẽ nóng giận, muốn tìm kiếm kẻ xấu kia mà làm cho ra lẽ.
Lee chỉ mới nhận được 1 tin nhắn tiêu cực đã khiến anh mất ăn mất ngủ. Nếu con số lên đến hàng trăm, hàng nghìn, anh nghĩ bản thân sẽ cảm thấy như muốn chết đi. Sau đó, Lee quyết định đệ đơn kiện chống lại kẻ xấu trong bóng tối kia. Sau 6 tháng điều tra, cơ quan chức năng đã tìm ra được danh tính của kẻ ấy, một cô gái trẻ thuộc độ tuổi 20. Cô thừa nhận hành vi bắt nạt của mình với lý do rằng cô cảm thấy ghen tị với Lee, anh luôn trông vô cùng hạnh phúc trong các clip đăng trên mạng.
Một nữ sinh họ Lee, 16 tuổi đã thành công trong việc giảm cân từ 87kg xuống còn 47kg trong vòng 3 tháng. Cô đã nhận lời mời tham gia một chương trình tạp kỹ và được chụp ảnh với người nổi tiếng. Trên thực tế, bức ảnh không hề gây hại cho bất cứ ai, cũng chẳng có vấn đề gì. Ấy vậy mà sau khi chương trình được phát sóng, cô Lee đã nhận được nhiều bình luận tiêu cực không lý do: “Trông mặt ghét thế không biết”, “Cô ta hút mỡ đúng không”,...
Chưa ngừng ở đó, Lee đã từng nhận được hơn 10 cuộc gọi quấy rối trong một ngày chỉ vì bức ảnh với người nổi tiếng. Đến mức, cô Lee đã lên mạng và cầu cứu: “Tôi đã bị tra tấn bởi những bình luận tiêu cực này”, “Tôi phải làm gì đây”, “Tôi muốn chết thật”,...
Cuối cùng, chẳng một ai nghe cô nói và Lee đã quyết định kết liễu cuộc đời trong chính căn phòng của mình, kết thúc tuổi thanh xuân đang nở hoa. Cô để lại bức di thư cho bố mẹ: “Con xin lỗi vì để lại cho bố mẹ nhiều đau thương”. Ngay khi Lee tự vẫn, nhiều bình luận xấu đã biến mất và thay vào đó là những lời nói như: “Cầu nguyện cho cô ấy”, “Mong cô ấy yên nghỉ”,...
Sự thiện chí của cư dân mạng luôn đến quá muộn.
Câu chuyện của Lee cũng tương tự với trường hợp của 2 nữ ngôi sao đình đám, Sulli và Goo Hara. Cả hai đã lần lượt qua đời vào tháng 10/2019 và 11/2019. Thuở sinh thời, Sulli và Goo Hara đều là những thần tượng Kpop được mến mộ bởi tài năng và nhan sắc. Thế nhưng, càng tiến gần đến đỉnh cao danh vọng, họ lại càng dễ trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích.
Những lời ác ý nhắm vào Sulli từ sau khi cô công khai hẹn hò với bạn trai lớn tuổi. Sulli có vẻ như sống trái ngược hoàn toàn với quy tắc đối với một nữ idol vốn được rập khuôn là luôn phải xuất hiện hoàn hảo, lúc nào cũng cười nói. Có lần Sulli ra đường không mặc áo ngực đã nhận về không ít những lời gièm pha. Cố thần tượng từng khẩn thiết nói trong livestream rằng cô không phải người xấu, nhưng chẳng ai để tâm.
"Em nói rằng bản thân kiệt sức rồi, nhưng không một ai lắng nghe cả" - Sulli từng nói thế này trong thời điểm cô liên tục trở thành tâm điểm bị "ném đá" đến nỗi rơi vào trầm cảm và có vẻ như đúng là thời điểm đó, chẳng ai chịu nghe và cũng chẳng ai muốn nghe lời cô nói.
Goo Hara là một người chị thân thiết của Sulli. Cả hai từng gây tranh cãi với bộ ảnh chụp bị cho là gợi dục, không phù hợp với chuẩn mực của một idol Hàn Quốc. Cái chết của Sulli được cho là tác động rất lớn đến Goo Hara, nữ thần tượng vốn đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt dộng và đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.
Trong một livestream sau khi Sulli qua đời, Goo Hara đã liên tục khóc lóc và gửi lời xin lỗi đến người em thân thiết. Khi đó, ai cũng lo sợ cựu thành viên Kara nghĩ quẫn nhưng chuyện gì đến cũng đến, Goo Hara đã tự kết liễu cuộc đời mình vào ngày 24/11/2019 tại nhà riêng.
Cái chết của Sulli và Goo Hara chính là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người về nạn bạo lực mạng. Hiệp hội quản lý nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố rằng, việc xử lý các bình luận tiêu cực không còn nằm trong yêu cầu xin lỗi và phản ánh nữa, mà sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn để những tên sát thủ sau bàn phím bị trừng phạt nghiêm khắc. Ngoài ra, các nhà lập pháp còn kêu gọi ban hành “Đạo luật Sulli” với hy vọng loại bỏ những thông điệp độc hại.
Dân mạng khi đó cũng bảo nhau rằng hãy bình luận văn minh, đừng công kích hay chỉ trích ai khác để đẩy lùi vấn nạn bạo lực mạng cũng như ngăn chặn những cái chết bị dồn đến đường cùng như Sulli, Goo Hara. Thế nhưng, đẩy lùi bạo lực mạng là cuộc chiến dai dẳng, không thể thực hiện trong một sớm một chiều và làm được hay không thì câu trả lời nằm ở mỗi người chúng ta.
(Nguồn: Tổng hợp)
Pháp luật và bạn đọc