Chàng trai "không thể vỡ" với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố

01/12/2020 13:00
Chàng trai "không thể vỡ" với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố

Vũ Ngọc Anh là hiện thân của ý chí và bản lĩnh "không thể vỡ" dù anh mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh. 30 năm cuộc đời, 150 lần gãy xương, anh vẫn lần lượt chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành trên cả nước. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của anh!

1

"Tôi là một giọt sương, mong manh và dễ vỡ"

Tôi là Vũ Ngọc Anh, 33 tuổi, sinh ra ở Hải Phòng. Hiện tôi đang sinh sống tại Hà Nội và làm việc trong lĩnh vực du lịch và vận chuyển.

Sinh ra, tôi hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác. Lên 1 tuổi, tôi bắt đầu tập đi và vận động nhiều hơn. Trong một lần ở nhà trẻ, tôi trèo lên cũi, muốn vùng vẫy thoát ra ngoài, nhưng không ngờ tay và chân bị mắc vào khe cũi. Tôi ngã xuống, gãy chân tay. Từ đó, mỗi lần ngã, cơ thể tôi lại yếu dần đi, dần phát triển thành bệnh.

Không ai có thể gọi tên chính xác của căn bệnh. Bố mẹ đưa tôi đến nhiều bệnh viện, hỏi han khắp nơi. Thời xưa, người ta gọi là bệnh "giòn xương", chẩn đoán thiếu canxi, chỉ cần về nhà bổ sung. Sau này, y học tiến bộ, các bác sĩ tìm hiểu bản chất căn bệnh, thực chất là sự thiếu hụt thành phần collagen của mô liên kết khiến xương dễ gãy và mất đi độ dẻo dai.

Có lần, tôi hỏi mẹ: "Sao con sinh ra lại khác biệt như thế này, không thể chạy nhảy như các bạn?".

Mẹ nói rằng đây không phải khác biệt, chỉ là "con đặc biệt hơn mọi người một chút thôi".

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 1.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 2.

Vũ Ngọc Anh, từng là một "giọt sương" mong manh, vì lên 1 tuổi mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh

Lời động viên của mẹ tiếp thêm sức mạnh cho cậu bé lớp 2, để tôi vô tư và hồn nhiên đến lớp. Tôi sống với căn bệnh "lạ" từ bé nên dần quen với nó. Một phần nào đấy trong tôi chấp nhận bản thân mình như thế. Sau này, tôi không hỏi mẹ bất cứ câu hỏi nào tương tự nữa.

Lên lớp 7, gãy 2 chân, không thể đứng, tôi bắt đầu tập đi lại bằng đầu gối. Giới y học lúc này bắt đầu gọi tên của căn bệnh mà tôi đang mang là xương thuỷ tinh. Nếu không nhầm, tôi là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện mắc chứng bệnh hiếm gặp này.

Nhiều phụ huynh trong lớp dặn dò con em mình không được tiếp xúc gần với tôi. Họ thường doạ "động vào nó, nhỡ đâu lại gãy tay gãy chân thì bán đất mà đền". Người bạn ngồi bên cạnh mà giáo viên sắp xếp cũng phải là nữ, vì đỡ nghịch ngợm.

Lớp 9, tôi nhận được xe lăn từ một tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng mãi hết lớp 12, tôi mới sử dụng nó, bởi khi đó, tôi mới chấp nhận bản thân là một người khuyết tật, phải nhờ cậy vào xe lăn. Trước đây, tôi vô cùng mặc cảm và tự ti, không dám đi xe lăn ra ngoài vì sợ mọi người đi qua chỉ trỏ.

Xương thuỷ tinh chưa có thuốc đặc trị, tôi cũng không cần uống thuốc, thỉnh thoảng dùng thực phẩm chức năng để phát triển cơ tay, chân. Chỉ cần giữ mình, không va chạm mạnh tránh gãy xương, chính là "liều thuốc" quan trọng nhất.

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 3.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 4.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 5.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 6.

Làm quen với xe lăn, tự chủ với cuộc sống của chính mình, anh chứng minh cho mọi người rằng người khuyết tật vẫn có thể chinh phục những giấc mơ

2

"Có chắc làm được không?" - "Con làm được, bố ạ!"

Xong lớp 12, tôi thi Đại học, chỉ để... bố mẹ vui. Tôi đã xác định sẽ học nghề, đi làm và kiếm tiền.

Mẹ là giáo viên trường làng, nếu tôi theo học ĐH, bố sẽ phải đi theo để chăm sóc. Tôi thực sự không muốn gia đình mất đi một sức lao động chỉ để chăm mình. Hơn nữa, học xong, theo định hướng của bố mẹ, tôi sẽ về dạy ở Hải Phòng. Công việc này thu nhập không cao, trong khi đam mê của tôi là kinh doanh.

Đỗ Đại học, tôi bỏ dở để học nghề sửa điện thoại. Mẹ không muốn tôi vội bươn chải ngoài xã hội. Bố không ủng hộ, cũng không ngăn cấm, chỉ hỏi: "Có chắc làm được không?". Tôi quả quyết: "Con làm được bố ạ!". Vậy là bố đồng ý. Mẹ lúc đó dù không muốn nhưng vẫn phải để tôi đi.

Sau này hỏi lại, mẹ nói: "Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công, nhưng con chân yếu tay mềm, đi như vậy bố mẹ lo chứ. Lúc đó, tao chỉ mong mày không làm được để về nhà thôi".

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 7.

Sự tin tưởng của bố mẹ chính là động lực to lớn để có được một Vũ Ngọc Anh thành công như hiện nay.

Về sau, tôi mở một cửa hàng be bé để buôn bán, sửa chữa điện thoại và máy tính. Mỗi bước đi chập chững tôi biết đều có dấu chân dõi theo của bố. Bố kể: "Ngày đó không phải không tin con, nhưng để một thằng yếu ớt ra đời như vậy cũng lo, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì làm sao, nên bố tính theo dõi mày vài tháng".

Những năm tháng, tôi trình bày ý định được đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều bằng cách cố gắng vừa đi vừa làm ở những nơi mình đặt chân đến. Mẹ vẫn là người phản đối đầu tiên, nhưng bố luôn ôn tồn và hỏi "Có làm được không?". Tôi lại quả quyết "Con làm được".

Suy nghĩ con người phần nào đó được định hình bằng sự tin tưởng. Đến bây giờ nếu ai hỏi có điều gì cảm thấy tự hào về bố mẹ nhất thì tôi có thể dõng dạc tuyên bố là sự tin tưởng.

3

30 năm cuộc đời, gãy xương 150 lần, chinh phục 4 cực và 45 tỉnh/thành phố

Tôi phải ngồi một chỗ, nhưng thích dịch chuyển. Ngày bé, tôi thường xem những chương trình du lịch trên tivi, ước rằng một ngày nào đó có thể đặt chân đến những vùng đất mới lạ, để trông nó có hình thù như thế nào. Ngoài công việc sửa chữa điện thoại, tôi duy trì việc làm online khác, để nếu như đi ra ngoài, tôi vẫn có thu nhập.

Thế là, tôi xin phép bố mẹ lên Hà Nội! "Con muốn lên Hà Nội, con muốn làm việc ở đấy".

Không ai đồng ý.

Đương nhiên rồi, thằng con dễ gãy xương như thế, ai cho đi? Hơn thế, ở nhà, mọi sinh hoạt của tôi, trừ tắm, đều được bố mẹ giúp đỡ. Vậy nếu lên Hà Nội, liệu tôi có thể xoay sở?

Tôi mất 3 tháng để xin xỏ và giải thích với bố mẹ những kế hoạch đã định sẵn, rằng tôi vẫn sẽ ổn khi học cách tự lập. Nếu gặp khó khăn, tôi sẽ "cầu cứu" bố mẹ.

Rồi sự kiên trì của tôi cũng có thành quả. Lên Hà Nội, có những công việc lần đầu tiên tôi làm trong đời, như giặt quần áo, đi chợ,... nói chung tự lo cho cuộc sống riêng của mình. Tôi tự nhủ với bản thân: "Ok, tuy hơi mệt nhưng mình làm được!". Tôi cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể, để hạn chế việc gãy xương.

... Nhưng xương vẫn gãy.

Hơn 30 năm cuộc đời, tôi gãy xương 150 lần. Tôi sẽ tự sơ cứu ban đầu, tự đi taxi đến bệnh viện hoặc nhờ người giúp đỡ. Hồi bé, bác sĩ ở Bệnh viện Việt Tiệp đã quá quen mặt, khi mà cứ trung bình 2 tháng tôi gãy xương 1 lần. Mọi người trong bệnh viện khi thấy tôi, đều ngán ngẩm: "lại nữa à?".

Thời điểm gãy xương nhiều nhất là đầu những năm cấp 2. Bản tính nghịch ngợm, dù ngồi một chỗ, tôi vẫn nghịch điện, bị giật, gãy cả 2 chân. Tôi thì không nghĩ nhiều, nhưng bố mẹ rất chán nản. Bạn thử nghĩ, một món đồ, nếu sửa đi sửa lại nhiều lần mà nó vẫn hỏng, thì thà ném đi mua cái mới còn hơn. Nhưng đây là con người, gãy xương liên tục, liệu bố mẹ có thể bình tĩnh?

Nhiều lúc tôi nghĩ, "Ngày xưa đỡ nghịch thì có khi bây giờ vẫn đứng được!".

Sống ở Hà Nội, biết thân biết phận, tôi ít khi gãy xương, nên thành ra... nhớ. Đôi khi tôi muốn "tận hưởng" lại cảm giác... gãy xương.

2 tháng đầu khám phá cuộc sống mới, tôi rất hào hứng. Sang tháng thứ 3, tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải lo quá nhiều thứ. Tôi đã từng nghĩ hay là về quê, nhưng về thì "quê" lắm. Tôi đã nài nỉ bố mẹ hẳn 3 tháng, mới 2 tháng đã mò về thì có phải là "không ra gì" không?

Tôi cố gắng tự an ủi bản thân, dần hình thành thói quen và nền nếp. Cứ như thế, tôi bươn chải ngoài đời chục năm nay.

Mục tiêu to lớn nhất của cuộc đời, là chinh phục 4 cực Đông - Tây - Nam - Bắc và đỉnh Fansipan. Đến nay, tôi đã hoàn thành tất cả. Tôi cũng đã đặt chân tới 45 tỉnh/thành phố dọc đất nước, khám phá các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 8.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 9.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 10.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 11.

Dù xương dễ gãy, nhưng không thể ngăn bước chân mỏi mệt của Vũ Ngọc Anh. Trong vòng nhiều năm, anh chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan bằng chính đôi chân nhỏ bé của mình

Trước mỗi chuyến đi, tôi đều chuẩn bị rất kĩ, cả kinh tế lẫn sức khỏe. Tôi tập thể dục để rèn sức bền, dành nguyên một năm làm việc chỉ để tiết kiệm tiền.

Mỗi lần, tôi đều lầm lũi đi một mình, nhưng không phải đi theo kiểu liều. Có những điểm, tôi đi 3-4 lần mới hoàn thành. Lần đầu tiên dành để xem xét, lần thứ 2 kiểm tra sức khoẻ liệu có đáp ứng không. Nếu không thành công, sẽ là lần thứ 3, thứ 4... Không sao hết, không quan trọng bao nhiêu lần, quan trọng là tôi đã chinh phục được mục tiêu đó!

Trừ cực Nam, tôi có thể đi thẳng xe lăn vào tận nơi. Thì 3 cực còn lại, tôi thường phải leo bậc thang bằng đầu gối, xe lăn hoặc để lại phía dưới, hoặc được một người bạn mang lên hộ. Người bình thường chỉ cần nửa tiếng, thì tôi mất khoảng tiếng rưỡi để đến được bậc thang cuối cùng.

Dọc đường, biết tôi đi một mình, nhiều người thốt lên: "Sao anh liều thế?". Bây giờ ngẫm lại tôi cũng thấy mình liều. Trong một lần đến Thanh Hoá, tôi suýt chết!

Tôi mon men ra biển bằng đầu gối, chỉ đứng gần bờ. Từ từ, tôi đi xa dần, nước dâng đến thắt lưng. Đây là lần đầu tiên tôi tắm biển.

Khó khăn lắm tôi mới trụ được từng đợt sóng. Trong lúc sơ suất, bất ngờ tôi bị sóng đánh ngã, nằm vật ra và sặc nước. Cảm giác nước tràn vào phổi kiểu "khé" hết cổ, không có không khí và mọi thứ như sắp mất dần. Tôi chỉ kịp vung tay vài cái rồi chìm nghỉm.

Trong lúc hoảng loạn, tôi nhìn thấy đôi chân nào đó đang chạy đến gần, và nâng mình lên khỏi mặt nước. Người đó kéo tôi lên bờ, cho nằm ngửa và vỗ vào lưng, bao nhiêu nước trong cổ họng trào ra khỏi mũi và miệng. Tôi thoát chết, không nói được gì, chỉ ho và ho.

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 12.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 13.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 14.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 15.

Không chỉ dừng lại trong nước, Vũ Ngọc Anh vươn ra thế giới bằng bản lĩnh "không thể vỡ" của mình

4

"Không thể vỡ" và "Vết nứt"

Năm 2015, tôi thành lập hội xương thuỷ tinh, đào tạo và hướng nghiệp cho các bạn mắc bệnh xương thuỷ tinh. Tôi mong muốn giúp các bạn sẽ là một Vũ Ngọc Anh thứ 2, thứ 3, thứ 4... Song song, tôi cũng tặng xe lăn cho những ai thực sự cần thiết.

Tôi đã xuất bản 2 cuốn sách kể về cuộc đời mình, lần lượt có tên "Không thể vỡ" và "Vết nứt".

Tôi là một người dễ gãy xương, nhưng tinh thần thì "không thể vỡ", nếu không thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu. Tôi có thể làm được, đương nhiên những bạn khuyết tật khác cũng vậy. Hãy bỏ đi mặc cảm, tự tin hơn, bởi không có gì là không thể! Nếu cứ đứng yên một chỗ, nghĩa là các bạn đã thua rồi.

Người khuyết tật đều muốn vươn lên, nhưng đôi khi tư tưởng "khuyết tật" của gia đình khiến họ bị kìm hãm. Họ đã từng nghĩ, nếu là người khuyết tật, thì sẽ theo học trường chuyên biệt, rồi làm những công việc chỉ dành cho người khuyết tật. Mỗi tháng nhận một khoản trợ cấp, hoặc trông đợi vào các tổ chức thiện nguyện. Đó là 1 vòng luẩn quẩn, người ta phó thác cho xã hội mà không nghĩ tới sự thay đổi.

Nhờ bố mẹ không coi tôi là người khuyết tật, tôi được đi ra ngoài, học hỏi để có được Vũ Ngọc Anh của ngày hôm nay: có nhà Hà Nội, có công ty riêng, đã phải đánh đổi nhiều đêm khóc thầm, nhiều ngày ăn mì, cơm trắng, nhiều ngày không có tiền tiêu.

Còn "Vết nứt" luôn ẩn sâu trong mỗi con người. Ngay cả những người hoàn hảo nhất, thì khoảng tối trong họ cũng sẽ có một vết nứt nào đấy dễ quật ngã chính mình. Vết nứt của tôi, chính là về tình cảm.

Tôi vẫn đặt mục tiêu có một gia đình nhỏ, 1 người đồng hành cùng tôi làm những điều đang ấp ủ. Sau những mối tình cũ, tôi thấy thật khó để kiếm tìm một người thích hợp đến với mình. Vì tôi sợ người ấy không chịu được áp lực từ gia đình và xã hội. Bởi vậy, tôi tự nhủ mình cần mạnh mẽ, luôn bên cạnh là chỗ dựa thì người con gái tôi yêu sẽ cùng tôi vượt qua được tất cả.

Tôi luôn tự tin với mọi điều mình làm. Nhưng đến chuyện tình cảm, tôi bất giác tự ti cho người ấy. Nếu đến với tôi, người ta sẽ thiếu thốn nhiều điều. Việc đơn giản như chở người yêu đi dạo một vòng Hồ Tây, tôi cũng không làm được. Tôi biết, mình không thể trao cho người ta những điều bình thường nhất.

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 16.

Vũ Ngọc Anh không khác biệt, anh chỉ đặc biệt hơn người khác

Năm 2012, tôi vào Sài Gòn sống 2 năm. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với chính mình khi cả thế giới khi đó chống lại tôi. Tôi bị gãy xương, công việc đứt đoạn, bị người yêu... đá. Tôi đã buồn rất nhiều, đêm nào cũng khóc, thương thân trách phận, thậm chí đã nghĩ đến cái chết. Tôi không dám nói chuyện với bố mẹ, chỉ sợ họ lo lắng.

Những lúc tuyệt vọng, nếu đóng cửa ở nhà, tôi sẽ bị miên man mà không thể thoát ra. Thường tôi sẽ ra ngoài, ngồi một mình, nhìn mọi người đi lại và khi đó dòng suy nghĩ tập trung hơn.

Tôi nghĩ đến việc nếu mình không còn trên cuộc đời này nữa, thì gia đình sẽ như thế nào. Tôi nghĩ nhiều đến mức quên mất cả lý do phải từ bỏ cuộc sống này. Tôi nhận ra, xung quanh còn nhiều thứ hay ho!

Buồn rồi, chán rồi, thì phải tiếp tục thôi. Tôi vực dậy sau 1 tháng rơi vào trạng thái hỗn loạn, trưởng thành và chín chắn hơn. Bạn biết đấy, đằng sau thành công là những vết nứt, đằng sau những vết nứt chính là ý chí và bản lĩnh không thể vỡ.

Từ đó, tôi như tổng đài viên, lắng nghe nỗi niềm giãi bày của mọi người, cả người bình thường lẫn khuyết tật. Thường tôi không cho lời khuyên, mà chỉ lắng nghe, giống như "ăn cắp" mỗi người một chút tự tin, một chút lạc quan để "đắp vào chính mình.

Tôi không bao giờ chối bỏ mình là người khuyết tật. Tôi biết rằng nỗi buồn là do người khác mang lại, còn niềm vui tự mình tạo ra. Vậy tại sao tôi và các bạn, không cùng nhau hạnh phúc và chia sẻ điều này tới người xung quanh?

Đến bây giờ, mỗi khi có dịp ngồi lại, nghĩ về hành trình cuộc đời đầy tự tin, pha chút ngạo mạn và bất cần, tôi đều bất giác mỉm cười một cái. Cuộc sống mà, đơn giản lắm khi bạn có thể làm những điều mình thích!

 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 17.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 18.
 Chàng trai không thể vỡ với 150 lần gãy xương vẫn chinh phục 4 cực và đỉnh Fansipan, đặt chân đến 45 tỉnh/thành phố  - Ảnh 19.

"Cuộc sống mà, đơn giản lắm khi bạn có thể làm những điều mình thích!"

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024