Cùng là 24 giờ một ngày, cùng là làm việc chăm chỉ, nhưng giá trị và sự giàu có mà người giàu và người nghèo tạo ra thì lại khác nhau một trời một vực. Bạn nghĩ điều đó là không công bằng?
3 điểm chung được rút ra từ cuộc đời của những người thành đạt dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự nỗ lực khác biệt của họ.
Cách đây không lâu, có một người bạn đã nhận được một khoảng tài trợ cho dự án khởi nghiệp, do đạt được thắng lợi bước đầu nên anh ấy đã mời chúng tôi ăn tối.
Anh ấy kể lúc trước, sáng 9 giờ đi làm, chiều 5 giờ về nhà cứ lặp lại liên tục trong 2 năm khiến anh cảm thấy không hạnh phúc. Tuy nhiên, vì nó cho anh đồng lương ổn định hằng tháng nên anh cũng rất sợ phải chuyển sang một thứ gì đó mới. Nhưng cuối cùng anh đã chọn nghỉ việc và thực hiện điều mình muốn, vì anh biết anh chỉ sống có 1 lần trong đời.
Ổn định là vùng an toàn khó vượt qua nhất của mọi người. Nhưng hai chữ này cũng là gốc rễ của sự nghèo khó.
Đôi khi bạn không thể không tin rằng khoảng cách giữa người và người chính là nằm trong một lúc kích động như thế này.
Năm 1984, Phan Thạch Ngật (Chủ tịch của SOHO Trung Quốc) 21 tuổi vẫn đang làm việc trong văn phòng nghiên cứu cải cách của bộ dầu mỏ ở tỉnh Hà Bắc, lương tháng 100 tệ (15 USD), thời đó cũng được tính là cao rồi.
Tuy được các lãnh đạo của cục đánh giá cao nhưng ông lại không hài lòng với cuộc sống nhàn nhã này. Ở tuổi 24, ông từ bỏ công việc người người ngưỡng mộ, bán hết tài sản và đi đến Thâm Quyến, lúc đó ông nghèo đến nỗi chỉ còn lại một cái quần, nhưng lại có thể dùng 80 tệ (12,5 USD) đổi lấy được khối tài sản 30 tỷ nhân dân tệ (hơn 4 tỷ USD).
Năm 1991, Pony Ma (CEO của Tencent) 20 tuổi vẫn còn là một lập trình viên hướng nội. Anh luôn muốn sáng tạo ra một sản phẩm thu hút nhiều người dùng. Tuy nhiên, công ty khi đó không ủng hộ ý tưởng của anh, nên anh đành phải tự mình khởi nghiệp, vì thế sau đó mới có Tencent của chúng ta hiện nay.
Năm 2008, Trương Nhất Minh 25 tuổi vào làm việc cho Microsoft, nhưng lại chỉ làm được nửa năm, lý do là một ngày chỉ làm việc có 4 tiếng, đối với anh là quá nhàm chán. Sau khi rời Microsoft, Trương Nhất Minh đã từ chối rất nhiều lời mời và từng bước xây dựng lên đế chế hàng đầu như ngày nay, ByteDance.
Ngày nay người ta luôn nói rằng họ nghèo, nhưng khi bạn cho họ cơ hội để giàu có, thì rất ít người sẵn sàng nắm bắt lấy nó. Suy cho cùng, bên ngoài vùng an toàn vẫn có quá nhiều điều không thể xác định.
Trong bài phát biểu khai giảng Đại học Hupan năm 2019, Jack Ma đã nói: "Mọi người đến Hupan, đừng nên vì mục đích giao thiệp hay tạo mối quan hệ mà đến. Tôi luôn nói rằng không được phát sinh chuyện kinh doanh giữa các bạn học, vì đây là nơi để học tập và giao lưu."
Nhưng tôi lại nghĩ giao thiệp chính là tính quan trọng của một cộng đồng.
Thật ra có rất nhiều người hiểu sai ý nghĩa của "giao thiệp".
Đối với những người ưu tú, ý nghĩa của "giao thiệp" là học hỏi, không phải trao đổi hay trục lợi. Thứ quan trọng nhất mà bạn nên vơ vét từ một người giàu có chính là cách họ nhìn nhận về sự giàu có.
Tôi từng có một đồng nghiệp trẻ đầy tham vọng. Khi còn là một nhân viên bình thường, anh ta chơi với trưởng nhóm, khi trở thành nhân viên trung cấp thì anh ta chơi với lãnh đạo cấp cao.
Sau khi làm việc với anh ấy được vài năm, tôi thật sự cảm thấy cách nhìn nhận vấn đề của anh rất khác trước, anh ấy có được thêm tư duy của một ông chủ, khi tán gẫu với sếp cũng luôn nói trúng trọng điểm.
Anh ấy nói với tôi: "Thật ra khi trò chuyện với những người thành đạt tôi nói rất ít, chủ yếu là lắng nghe họ nói mà thôi, điều đó khiến tôi rất mở mang kiến thức."
Sự giao thiệp của người thường chỉ đơn thuần là xã giao, còn sự giao thiệp của người ưu tú thì luôn có tri thức trong các cuộc trò chuyện. Đây chính là điểm khác biệt.
Người Do Thái có một câu nói nổi tiếng rằng "dù nghèo đến đâu cũng phải đứng giữa những người giàu", đây là sự thật.
Khi bạn đến bên một người ưu tú, cho dù chỉ là đứng ở phía sau, thì tầm nhìn và nhận thức của bạn cũng nhất định sẽ được thay đổi khá nhiều.
Cách đây không lâu, một người bạn cùng lớp đại học bắt đầu phát triển ngoại thương, đồng thời khởi động trạng thái "người bay" khiến không ít bạn bè phải hâm mộ.
Nhưng có những khó khăn của cô ấy mà ít ai hiểu được.
Cô ấy nói rằng ban đầu muốn kiếm tiền là vì muốn sớm được tự do tài chính, nhưng khi thực sự điều hành một công ty rồi, thì cô ấy mới nhận ra rằng ngay cả thời gian để tiêu tiền và tận hưởng một cuộc sống xa hoa cũng không có.
Lý do mà nhiều người khao khát tự do tài chính là vì họ nghĩ rằng nếu họ có một lượng của cải lớn thì sau này sẽ được tự do và không cần phải đi làm nữa.
Nhưng khi bạn nắm giữ của cải trong tay, cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm trên vai bạn cũng càng nặng nề hơn.
Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc khảo sát về sức khỏe tâm lý cho 242 doanh nhân, và phát hiện ra rằng 49% CEO đều từng mắc các bệnh tâm lý ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là quà tặng kèm của việc khởi nghiệp.
Nhà sáng lập Xiaomi, Lôi Quân cho biết bắt đầu từ năm 1999, ông thường xuyên bị mất ngủ. Sau khi thành lập Xiaomi thì càng bận rộn hơn, ông chỉ có ba phút để ăn trưa và trung bình ông có 11 cuộc họp mỗi ngày.
Năm ngoái, tập đoàn Wanda chính thức đăng lịch trình một ngày của chủ tịch Vương Kiện Lâm. Từ khi thức dậy lúc 4 giờ sáng thì ông liên tục di chuyển làm việc cho đến 7 giờ tối mới về văn phòng công ty Wanda ở Bắc Kinh, ông ấy đã làm việc không ngừng nghỉ trong gần 16 tiếng đồng hồ, nhưng sau đó thay vì được về nhà thì ông lại phải đến công ty.
Thời gian của ông ấy vốn không phải của riêng ông ấy, cho nên không thể điều chỉnh tùy tiện được.
Cuối cùng thì khởi nghiệp khó khăn đến mức nào? Đồng Triết, người sáng lập Đại học One-Man, từng phát biểu như thế này:
"Tôi từng bận đến mức không có thời gian nghĩ xem nên ăn gì, vì vậy tôi đã ăn gà xào đậu phộng liên tục trong 3 tháng. Tôi cũng từng bị đổ mồ hôi tay nhiều đến nổi mờ cả đường vân tay và kèm theo đau nhức do cầm bút viết quá lâu và đứng lớp 8 tiếng một ngày trong liên tục 30 ngày.
Năm 2015, công ty liên tục thua lỗ, không tạo được doanh thu, tưởng chừng phải đóng cửa, do áp lực tâm lý quá lớn mà đã bị bệnh rụng tóc cấp tính, mãi đến khi công ty sinh lãi thì bệnh mới không chữa mà khỏi.
Muốn mức lương hàng tháng được chục triệu chỉ cần tìm một công việc tương đối tốt là được. Nhưng nếu bạn muốn sở hữu khối tài sản bạc tỷ thì bạn phải cần rất nhiều thứ như chiến thuật tuyệt đối chính xác, năng lực điều hành, ý chí và sức chịu đựng kiên cường, thậm chí thể chất cũng phải ưu tú về mọi mặt thì mới có thể đạt được."
Nhiều người nghĩ rằng những CEO "bạc tỷ" là những người sung sướng nhất quả đất, nhưng họ không biết rằng sự nỗ lực của người thành đạt khủng khiếp hơn họ tưởng gấp trăm lần.
Cho nên, thay vì phàn nàn rằng cuộc đời không công bằng, tốt hơn chúng ta nên tập trung học hỏi từ những người thành đạt, dành thời gian cho những việc quan trọng hơn, khiến cho sự nỗ lực của bạn có giá trị hơn.
(Ảnh: Internet)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị