Khi bắt đầu ghi hình mùa đầu tiên của Game of Thrones vào năm 2010, không có bất kỳ ai trong ê kíp dự đoán được một thành công quá lớn sẽ đến với họ. Cùng lắm, nó sẽ chỉ ngang tầm ảnh hưởng của Spartacus hay The Sopranos mà thôi.
Poster mùa đầu tiên của Game of Thrones
Tuy nhiên, chỉ sau vài mùa với vài chục tập phim, Game of Thrones đã trở thành loạt phim truyền hình nổi tiếng nhất thế giới với rating chỉ tăng không giảm. Đây gần như là một điều kỳ diệu trong bối cảnh các kênh trực tuyến như Netflix, Amazon Prime đang thống trị và trở thành xu hướng mang tính tất yếu.
Game of Thrones còn dựng nên một đế chế trị giá hàng trăm triệu USD cho đài HBO trải dài từ tiểu thuyết, trò chơi điện tử cho đến hàng loạt sản phẩm ăn theo khác. Cơn sốt cuồng nhiệt mang tên Game of Thrones diễn ra ở khắp mọi nơi và có thể so sánh sức hút của nó với vũ trụ điện ảnh Marvel, loạt phim The Lord of the Rings hay thương hiệu Harry Potter.
Dàn diễn viên chính của Game of Thrones cũng biến thành những ngôi sao được săn đón nhất với cát sê tăng theo cấp số nhân. Trong đó, Kit Harrington, Emilla Clarke, Lena Headey, Peter Dicklage và Nikolaj Coster-Waldau được trả đến 1 triệu USD cho mỗi tập của hai mùa cuối.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công của Game of Thrones? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp giữa tài năng, tầm nhìn của nhà sản xuất, thời điểm ra mắt phù hợp và cả sự may mắn.
Fan của bộ tiểu thuyết gốc
George R.R Martin
Nội dung của Game of Thrones dựa trên bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire (1991-nay) của nhà văn người Mỹ George R.R Martin. Tuy số lượng xuất bản không quá lớn nhưng nó đã giúp cho loạt phim có được lượng khán giả ban đầu lý tưởng. Đây là bước đệm cực kỳ quan trọng.
Điều thú vị là Game of Thrones hiện đã vượt qua nội dung của các tiểu thuyết từng được ra mắt. George R.R Martin thì chắc chắn không thể hoàn thành bộ tiểu thuyết của mình trước khi loạt phim kết thúc vào tháng 5 năm nay cho nên người hâm mộ không tài nào đoán được chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Không lạm dụng yếu tố ma thuật
Rồng là sinh vật hùng mạnh nhất trong thế giới giả tưởng Game of Thrones
Game of Thrones là phim giả tưởng nhưng có bối cảnh tương tự như châu Âu thời Trung cổ với giai cấp thống trị có hệ thống cấp bậc phong kiến như vua chúa, hiệp sĩ, lãnh chúa... Loạt phim có hệ thống nhân vật đông đảo và phức tạp với nhiều câu chuyện diễn ra cùng lúc nhưng chung quy vẫn xoay quanh cuộc chiến tranh giành Ngai sắt - vị trí thống trị 7 vương quốc tại lục địa Westeros.
Đội quân người chết
Bên cạnh yếu tố chính trị, George R.R Martin còn thêm vào yếu tố ma thuật giúp bộ tiểu thuyết cũng như loạt phim thêm phần huyền bí và bi tráng. Điểm hay là ông không hề lạm dụng nó mà nhẫn nại phát triển câu chuyện qua nhiều năm. Sau khi các nhân vật đã đấu đá nhau tới mức kẻ chột người què thì ở mùa cuối, họ phải đối mặt với thế lực hùng mạnh nhất toàn cõi Westeros: Chúa tể bóng đêm và đoàn quân xác sống.
Cách dẫn dắt này của George R.R Martin được nhận xét là tài tình và hợp lý. Nếu không, Game of Thrones sẽ dễ bị lẫn lộn với The Lord of the Rings của nhà văn Tolkien và khó mà bì kịp về độ đồ sộ.
Đầu tư tiền tỉ
Nhiều người cho rằng thời đại của truyền hình đã qua. Khán giả bây giờ không muốn phải chờ hằng tuần để xem một tập phim trong khi họ có thể thưởng thức kho phim đa dạng và phong phú của Netflix bất cứ lúc nào. Game of Thrones đã chứng minh điều ngược lại. Chính vì thế, HBO luôn xem đây là tài sản quý giá nhất của mình và không ngần ngại đầu tư tiền tỉ cho khâu sản xuất.
Trận chiến Blackwater ở mùa 2
Theo CNBC, con số trung bình HBO phải bỏ ra cho mỗi tập tăng từ 6 triệu USD cho những mùa đầu lên đến 15 triệu cho mùa cuối. Vị chi là khoảng 60-100 triệu USD cho một mùa, tương đương với một phim bom tấn Hollywood. Phần lớn số tiền này được chi cho phần kỹ xão, dựng phối cảnh, đạo cụ và tất nhiên là lương của diễn viên.
Thỉnh thoảng, một vài trận đại chiến như Blackwater (mùa 2 tập 9) đòi hỏi nhiều hơn mức bình thường do phải dựng một con thuyền giống như thật. “Chi phí ban đầu cho Blackwater là 6 triệu USD nhưng sau đó chúng tôi đã đòi hỏi thêm 2,5 triệu USD để rồi cái kết là nhận được 2 triệu USD hơn. Đó là một con số quá lớn trong lĩnh vực truyền hình”, nhà sản xuất Dan Weiss nói.
Trận chiến con hoang ở phần 6
HBO hiểu rõ việc tăng tiền là cần thiết nên luôn thoải mái với ê kíp. Kết quả, Blackwater được đánh giá là một trong những tập phim hay nhất của Game of Thrones và mang về thêm nhiều fan trung thành cho loạt phim.
Bên cạnh Blackwater, Game of Thrones còn nhiều trận đại chiến khác như Battle of Bastards, Battle of Castle Black, Battle Beyond the Wall và sắp tới là Battle of Winterfell.
Âm nhạc
Liveshow nhạc Game of Thrones
Thật khó tưởng tượng The Lords of the Ring và Titanic sẽ như thế nào nếu thiếu âm nhạc của Howard Shore và James Horner. Trong trường hợp của Game of Thrones, Ramin Djawadi chính là người đã tô điểm cho loạt phim bằng thứ âm nhạc mang đến nhiều sắc thái cảm xúc, từ lãng mạn, bi tráng cho đến đau thương.
Sự yêu mến nồng nhiệt của khán giả đã được chứng minh bằng việc Ramin Djawadi từng tự tin tổ chức liveshow chỉ trình diễn những bài hát từ Game of Thrones và bán sạch vé mọi đêm. Đây là điều xưa nay hiếm.
Hệ thống nhân vật thú vị, nửa chính nửa tà
Thông thường, mọi câu chuyện được kể lại tồn tại hai tuyến nhân vật tốt và xấu, chính trực và gian tà. Tuy nhiên, đây không phải là những gì George R.R Martin đã xây dựng. Theo đó, mọi nhân vật trong Game of Thrones đều có 2 mặt tốt lẫn xấu, ưu điểm lẫn khuyết điểm.
Cersei Lannister từng bị xem là kẻ ác và bị fan kêu gọi khai tử nhưng sang đến những mùa sau, góc khuất của nhân vật này dần được hé lộ và khán giả bắt đầu cảm thấy đồng cảm. Trường hợp tương tự cũng diễn ra với Jamie Lannister hay Ramsey Bolton.
Cersei Lannister là một trong những nhân vật bị ghét nhất
Bên cạnh đó, khả năng hóa thân tuyệt vời của dàn diễn viên chính cũng được đánh giá rất cao. Bằng chứng là hầu hết đều đã nhận được đề cử Emmy danh giá. Trong đó, Peter Dicklage (vai Tyrion Lannister) đã 2 lần chiến thắng.
Kịch bản khó dự đoán
Cảnh chặt đầu Ned Stark
Trong Game of Thrones, không có bất kỳ nhân vật nào là nằm trong vùng an toàn. Cho tới tận hôm nay, nhiều fan cho rằng họ vẫn không thể chấp nhận sự thật là Ned Stark bị xử tử vào cuối phần 1 hay nhiều nhân vật chính đã ngã xuống trong “Đám cưới đỏ” ở cuối phần 3. Bởi vì họ luôn nghĩ rằng đó là những nhân vật sẽ sống tới đoạn kết!
Có vẻ như việc có quá nhiều nhân vật đã tạo cơ hội cho George R.R Martin “thẳng tay tàn sát”.
Nhiều tình tiết gây sốc
Cảnh âu yếm đồng tính trong Game of Thrones
Không ít khán giả thừa nhận lúc đầu họ tìm đến Game of Thrones là vì nghe đồn loạt phim này có nhiều cảnh nóng, loạn luân, đồng tính hay cảnh giết người đẫm máu nhưng sau đó lại bị quyến rũ bởi độ lôi cuốn của câu chuyện. Trên thực tế, đây rất có thể là chiêu trò câu khách của HBO, thế nhưng các nhà biên kịch đã lồng ghép những chi tiết gây sốc vào Game of Thrones khéo léo đến mức khiến cho khán giả tin rằng điều này là hoàn toàn cần thiết.
Nếu ai đã theo dõi Game of Thrones từ đầu, thiết nghĩ sẽ khó quên được cảnh Jamie và Cersei - anh em sinh đôi - làm tình, cảnh Catlyn Stark bị cắt cổ hay cảnh quan hệ đồng tính giữa Renly Baratheon và Loras Tyrell.
Mạng xã hội
Các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Pinterest, Tumblr... chính là công cụ truyền bá hữu hiệu nhất của Game of Thrones chứ không phải những mẩu quảng cáo trên TV hay billboard. Cứ sau mỗi tập phim được phát sóng là cộng đồng fan lại đăng tải hàng loạt ảnh chế lên mạng xã hội khiến cho những người không quan tâm cũng phải chú ý đến.
Nổi bật nhất có thể kể đến website giải trí 9GAG. Kênh này đăng ảnh chế Game of Thrones liên tục lên Facebook và nhận được hàng chục ngàn lượt “thích” cho mỗi bài viết. Tới nỗi, từ khóa “9GAG Game of Thrones” đã trở nên phổ biến trên thanh công cụ tìm kiếm Google.
Mai Thảo