Đã bao giờ bạn gặp một người từng hát karaoke cực dở, những người thậm chí không thể hát đúng tông của một bài hát nào cả? Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, khi họ cầm mic lên và cất tiếng hát, bạn lại phải trầm trồ thán phục vì sự tiến bộ vượt bậc của họ hay không?
Người bạn hoặc người hàng xóm này đột nhiên có thể hát đúng tông của cả bài hát, mà không rớt nửa cung nào so với bản thu gốc của ca sĩ – khả năng cao nhất mà một người hát không chuyên có thể đạt tới.
Thì đó, có khả năng là người này đã tìm ra được cách "mở khóa" năng lực tiềm ẩn của họ, một năng lực mà các nhà khoa học cho biết có thể giúp gần như bất kỳ ai hát karaoke chuẩn như ca sĩ.
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Attention, Perception & Psychophysics, các nhà khoa học cho biết có tới gần 70% dân số cũng sở hữu thứ mà họ gọi là "năng lực tiềm ẩn" nói trên.
Vấn đề chỉ là tìm cách phát hiện và mở khóa được năng lực đó mà thôi. Vì vậy, nếu bạn có một người hàng xóm hát karaoke quá dở và bao nhiêu năm rồi vẫn dở, hãy thử đưa bài viết này cho anh ấy đọc thử xem sao.
Biết đâu, anh ấy không thuộc vào 30% dân số còn lại, và cũng có thể mở khóa khả năng tiềm ẩn của mình.
Để bắt đầu hiểu năng lực tiềm ẩn mà các nhà khoa học nói đến là gì, chúng ta phải nói đến một khái niệm đó là khả năng cảm âm. Hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ hoặc người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đều từng phải làm một bài kiểm tra gọi là cảm âm.
Trong bài kiểm tra này, họ sẽ được cho đoán nốt, hay cao độ, của những âm thanh phát ra từ nhiều dụng cụ khác nhau - từ đàn piano, guitar cho đến kèn hơi, và dĩ nhiên, cả giọng hát.
Trong khi đa số mọi người đều có khả năng cảm âm tương đối (Relative pitch) - nghĩa là khi nghe một đoạn nhạc, họ đều có thể hát theo và biết nốt nào cao hơn nốt nào - chỉ có một số rất ít người - sở hữu một năng khiếu bẩm sinh về mặt âm nhạc – có một thứ được gọi là là cảm âm tuyệt đối (Perfect pitch).
Cảm âm tuyệt đối là khả năng chỉ nghe một nốt nhạc, hoặc một âm thanh độc lập, một lần duy nhất, là đã có thể đoán được ra cao độ chính xác của nốt nhạc đó.
Người có cảm âm tuyệt đối không cần nghe cả đoạn nhạc – chứa nhiều nốt nhạc đứng cạnh nhau - để biết nốt nào cao hơn nốt nào. Họ chỉ cần nghe một tiếng đàn duy nhất, một tiếng kèn hay thậm chí là tiếng chuông cửa, tiếng còi xe đã có thể biết được cao độ của âm thanh đó.
Khả năng cảm âm tuyệt đối của Charlie Puth chỉ từ tiếng gõ ly.
Nghiên cứu cho thấy cứ 10.000 người thì mới có 1 người sở hữu khả năng cảm âm tuyệt đối. Trong số đó, có những ca sĩ nổi tiếng thế giới như Stevie Wonder, Mariah Carey hoặc Charlie Puth…
Khả năng cảm âm tuyệt đối giúp các ca sĩ có thể bắt "beat", khớp nhạc hoàn hảo. Họ không bao giờ hát lệch tông, và có khả năng nhận biết liệu một bài hát đã được chuyển sang một cung khác từ bản ghi âm gốc hay chưa – đây là điều mà người có cảm âm tương đối không làm được.
Đặc biệt, người có cảm âm tuyệt đối còn có thể hát được các bản acapella, hay còn gọi là hát "chay" mà không cần nhạc cụ đệm. Tất cả những ưu thế này giúp người có cảm âm tuyệt đối dễ phát triển năng khiếu trong lĩnh vực âm nhạc hơn người bình thường.
Như đã nói, khả năng cảm âm tuyệt đối là thứ chỉ xuất hiện trong 1/10.000 người, nghĩa là 0,01% dân số. Những đứa trẻ không sở hữu khả năng này từ nhỏ buộc phải khổ luyện để có nó ở tuổi trưởng thành, nếu muốn trở thành ca sĩ hoặc nhạc sĩ chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, số lượng người có thể luyện tập đến độ cảm âm tuyệt đối vẫn không nhiều. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Tâm lý học Âm nhạc cho thấy chỉ có 4/100 sinh viên theo học ngành âm nhạc có thể luyện tập đến cảm âm tuyệt đối.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hệ thống Thần kinh Frontiers thậm chí còn cho thấy nếu muốn "mở lại" khả năng học cảm âm tuyệt đối, người trưởng thành phải dùng một loại thuốc có tên là valproate để làm trẻ hóa hệ thần kinh thính giác, phục hồi "tính dẻo" của nó, giúp họ học cảm âm tốt hơn.
Valproate vốn là một loại thuốc chống co giật và động kinh, có một số tác dụng phụ thường gặp như gây chóng mặt, mất ngủ, giảm tiều cầu, rụng tóc và giảm thị lực. Vậy để thấy bạn có thể sẽ phải đánh đổi tới mức nào để có được khả năng cảm âm tuyệt đối giống như Stevie Wonder, Mariah Carey hoặc Charlie Puth.
Thế nhưng, tin tốt là không phải ai trong số chúng ta cũng cần khả năng cảm âm tuyệt đối để trở thành ca sĩ. Chúng ta chỉ cần khả năng cảm âm tương đối để hát karaoke cho khớp nhạc là được.
Khi đó, nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ phần trăm dân số sở hữu khả năng cảm âm tương đối - tới một mức độ gần như tuyệt đối - cao hơn nhiều so với dự đoán. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nhận thức và Tâm lý học, các nhà khoa học đã cho tình nguyện viên chọn một "bài hát tủ" mà họ biết rõ rồi hát to lên.
Kết quả cho thấy có tới 26% những người hát bài hát tủ của mình có khả năng cảm âm tương đối tốt. Họ có thể hát đúng cung hoặc làm trong đến nửa cung gần nhất so với mặt bằng dân số ngẫu nhiên chỉ là 8,3%.
Tuy nhiên, đó chưa phải là con số gây bất ngờ nhất. Bây giờ, một nghiên cứu mới trên tạp chí Attention, Perception, & Psychophysics chỉ ra số người có thể hát một bản karaoke hoàn hảo còn có thể tăng lên ngưỡng gần 70%. Bí quyết nằm ở bài hát và thời điểm mà họ chọn bài hát đó.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học California. Trong đó, họ đã tuyển dụng 30 sinh viên đại học, những người tự nhận rằng mình không có năng khiếu âm nhạc và không có khả năng cảm âm tuyệt đối, tham gia vào một quá trình thí nghiệm kéo dài 2 tuần.
Những người tham gia được yêu cầu để lại số điện thoại. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ ngẫu nhiên gửi tin nhắn SMS cho họ 6 lần mỗi ngày, trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Nội dung tin nhắn đơn giản là hỏi họ: "Ngay lúc này trong đầu bạn có đang vang lên một giai điệu của bài hát nào hay không?".
Nếu câu trả lời là "Không", tình nguyện viên sẽ tiếp tục thực hiện một khảo sát gồm 19 câu để hỏi về tâm trạng của họ tại thời điểm đó.
Nếu câu trả lời là "Có", nghĩa là có một giai điệu đang vang lên trong đầu tình nguyện viên, họ được yêu cầu ngay lập tức hát lại bài hát đó và thu âm vào điện thoại, sau đó gửi về hòm mail của nhóm nghiên cứu, kèm theo một bảng khảo sát gồm 22 câu hỏi.
Kết quả cho thấy trong số 1.920 lần các sinh viên được hỏi, có 462 lần họ gặp phải các giai điệu đang vang lên trong đầu. Phân tích 462 bản ghi âm đó, các nhà khoa học tìm thấy tới 68,9% các bản ghi đạt được tới mức độ cảm âm tương đối tốt, chỉ lệch tối đa nửa cung so với bản ghi âm gốc của ca sĩ. Thậm chí, 44,7% số bản ghi còn đạt tới biên độ lỗi tông bằng 0, nghĩa là không lệch chút nào.
"Điều này cho thấy một bộ phận đáng ngạc nhiên dân số có khả năng cảm âm tuyệt đối tiềm ẩn" - Tiến sĩ Matt Evans, một nhà tâm lý học nhận thức, tác giả nghiên cứu tại Đại học California cho biết.
Vì vậy, bí quyết để đạt tới độ cảm âm tuyệt đối đó là hãy hát bài hát đang vang lên trong đầu bạn ngay tại thời điểm đó, chứ không phải bài hát tủ của bạn. Các nhà nghiên cứu gọi bài hát này bằng một khái niệm là "involuntary musical imagery – INMI", tạm dịch là "hình ảnh âm nhạc không tự nguyện".
INMI là các giai điệu tự động xuất hiện trong não bộ bạn mà bạn không ý thức nhớ về chúng, giống như phải nhớ lại bài hát tủ đã cũ của mình. Và các nhà khoa học cho thấy khi bạn hát bài hát này, bạn sẽ đạt được độ cảm âm tuyệt đối tốt hơn, tiệm cận với ca sĩ nhất.
Thứ nhất, nghiên cứu mới của các nhà khoa học California đã thêm vào các bằng chứng nhằm bác bỏ lý thuyết trước đây cho rằng, khả năng cảm âm tuyệt đối chỉ phát triển ở trẻ em và không còn xuất hiện khi một người đã trưởng thành.
Thứ hai, một số nghiên cứu trước đây cho rằng việc rèn luyện cảm âm thường xuyên có thể giúp một người khắc phục được điểm yếu cảm âm của mình trên con đường trở thành ca sĩ.
Nhưng nghiên cứu mới cho thấy thậm chí khi không cần tập luyện, một mặt bằng chung dân số lên tới 70% cũng có thể có khả năng cảm âm tuyệt đối hoặc tiệm cận tuyệt đối.
"Điều thú vị là nếu bạn hỏi mọi người rằng họ nghĩ mình đã hát tốt thế nào trong bài kiểm tra này, có lẽ họ sẽ khá tự tin rằng mình hát đúng giai điệu, nhưng họ sẽ không chắc chắn rằng mình hát đúng tông", tiến sĩ Evans nói.
"Do đó, thực tế là nhiều người có trí nhớ cao độ rất tốt nhưng lại không tự đánh giá được đúng khả năng tiềm ẩn đó của mình".
Thử làm bài kiểm tra cảm âm này để xem bạn có năng khiếu cảm âm hay không?
Ngoài ra, những phát hiện mới này còn mở ra một lĩnh vực nghiên cứu về cách ký ức âm nhạc hình thành trong não bộ. Loại ký ức này có thể khác với các ký ức khác, thường được ghi nhớ chọn lọc hoặc nén lại trong não bộ chúng ta.
Có vẻ như bộ não chúng ta đang chụp nguyên vẹn những giai điệu ám ảnh vào trong tâm trí, những "hình ảnh âm nhạc không tự nguyện" - INMI, khác với các ký ức thường nhật và cả các giai điệu âm nhạc cũ, bao gồm cả bài hát tủ mà bạn nghĩ rằng mình sẽ thể hiện hay nhất.
Các nghiên cứu trong tương lai sẽ làm sáng tỏ thêm những vấn đề đó. Còn tại thời điểm này, thí nghiệm của các nhà khoa học tại Đại học California đã chỉ ra giọng hát của bạn có thể hay hơn bạn nghĩ – và hầu hết chúng ta đều có một khả năng âm nhạc bẩm sinh ẩn chứa bên trong não bộ.
"Âm nhạc và ca hát là những trải nghiệm độc đáo của con người mà rất nhiều người không cho phép mình tham gia vì họ tự nghĩ rằng họ không thể, hoặc bị người khác chê là hát dở", tiến sĩ Evans cho biết.
"Nhưng trên thực tế, bạn không cần phải là Beyonce mới có thể hát. Bộ não của bạn đã có thể tự động ghi nhớ giai điệu giúp bạn hát chính xác, mặc dù một phần trong bạn nghĩ rằng bạn không thể làm được".
Chỉ cần bạn tự tin hát bài hát đang vang lên trong đầu mình, bạn sẽ đạt được mức độ cảm âm tốt hơn cả bài hát tủ của bạn.
Hãy lưu giữ mẹo nhỏ này lại để nhắc nhở chính mình và người hàng xóm của bạn. Khi bạn cảm thấy mình đang bị tra tấn vì hàng xóm hát lệch tông, hãy gọi điện sang bên đó và hỏi anh ta chính xác câu hỏi trong nghiên cứu của Đại học Califorina:
"Ngay lúc này trong đầu bạn có đang vang lên một giai điệu của bài hát nào hay không? Nếu có thì làm ơn hãy hát nó cho tôi nghe".
Nếu bạn cảm thấy mình tiếp tục bị tra tấn, thì xin chia buồn với bạn, hàng xóm của bạn không nằm trong 70% dân số có khả năng cảm âm tiềm ẩn. Anh ấy có thể đã rơi vào nhóm 30% còn lại, những người có khả năng bị "điếc tông".