Khỏa thân trong tranh vừa tôn vinh cái đẹp, vừa khắc họa những quan niệm thẩm mỹ của từng thời kỳ, và sau cùng còn là một cách cho thấy sự phá cách táo bạo của từng họa sĩ.
Bức "Vệ Nữ thành Urbino" thực hiện bởi danh họa người Ý Titian hồi năm 1538
Trước Titian, các họa sĩ luôn khắc họa thần Vệ Nữ trong bối cảnh thiên nhiên ngoài trời, nhưng Titian đã đưa nữ thần vào... trong nhà, với bối cảnh của một lâu đài. Nữ thần có những giao tiếp với người xem tranh, ánh mắt nàng nhìn thẳng vào người xem không chút e dè khiến vẻ gợi cảm của nàng không xa cách mà gần gũi, đầy tính chủ động.
Đó chính là nét khác biệt rõ ràng đáng kể trong cách khắc họa của Titian. Bàn tay của trái của nữ thần cũng là một sự khắc họa đầy táo bạo. Các chuyên gia phân tích hội họa đều phải thống nhất rằng bức tranh chứa đựng sức mạnh của sự đổi thay trong cách khắc họa phụ nữ khỏa thân trong hội họa.
Titian không còn tuân thủ theo các chuẩn mực truyền thống hay những ước lệ về thẩm mỹ. Thần Vệ Nữ trong tranh ông thực sự gần gũi, đời thường, không có vẻ đẹp xa cách, thoát tục như nhiều nàng Vệ Nữ khác trước đây.
Bức tranh thể hiện rõ chủ nghĩa khoái lạc thay vì hướng tới một vẻ đẹp thuần khiết trong ý niệm thẩm mỹ như các tác phẩm tranh khỏa thân từng được thực hiện trước đó.
Bức "Sự ra đời của thần Vệ Nữ" thực hiện bởi danh họa người Ý Sandro Botticelli hồi năm 1485
Đây là một trong những bức tranh khỏa thân nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa. Tác phẩm này có tính chất "lịch sử" trong giới mỹ thuật bởi trước đó, chưa có nhân vật thần thoại nào được khắc họa ở trạng thái khỏa thân trong một tác phẩm có kích thước lớn ấn tượng như vậy.
Bức tranh này có kích thước 172,5 cm x 278,9 cm, khi ra mắt, đây được xem là một tác phẩm "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử hội họa phương Tây, khi nhân vật nữ khỏa thân được khắc họa ở vị trí trung tâm nổi bật trên một tác phẩm kích thước lớn.
Bức "Người đẹp tắm" thực hiện bởi họa sĩ người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres hồi năm 1808
Dáng ngồi này là một trong những hình ảnh gây "ám ảnh" nhất trong sự nghiệp của họa sĩ Ingres. Bức tranh khỏa thân nhìn từ phía sau lưng của người phụ nữ khắc họa một vẻ đẹp hài hòa, mộc mạc. Tác phẩm khi mới ra mắt đã phải đón nhận nhiều sự chê bai, chỉ trích, nhưng chỉ trong vòng nửa thế kỷ sau đó, người ta đã phải thay đổi cách nhìn về tác phẩm.
Đây xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của họa sĩ Ingres. Bức họa này được xem là một xử lý đỉnh cao của họa sĩ Ingres, ông loại bỏ đi những nét gợi cảm thái quá vốn thường xuất hiện trong các bức tranh khỏa thân mà ông thực hiện trước đây, thay vào đó, Ingres khắc họa một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thư thái, một vẻ đẹp chân thực có sự tính toán.
Sau này, tác phẩm được giới hội họa đánh giá cao bởi sắc màu làn da của người phụ nữ được thể hiện quá đẹp đẽ, chân thực, từng đường nét cơ thể đều gần gũi, rất mềm mại, gợi cảm. Tác phẩm được khen ngợi nhiều nhất bởi sự hài hòa cả về màu sắc, đường nét, cách thể hiện tinh tế trong khắc họa màu da và đường đi của ánh sáng.
Dù người phụ nữ đang ngồi tĩnh lặng trong một tư thế, nhưng người xem cảm thấy mọi thứ đều mềm mại, uyển chuyển, hình ảnh trong tranh chỉ như một phút ngưng lặng của thời gian và chuyển động, người ta như sắp được thấy một chuyển động khác nữa của người phụ nữ trong tranh.
Bức "Olympia" thực hiện bởi họa sĩ người Pháp Edouard Manet hồi năm 1863
Dù hiện tại, tác phẩm được xem là siêu phẩm hội họa, nhưng thuở mới ra mắt và lần đầu được trưng bày triển lãm, bức tranh này đã bị phê phán rất nhiều bởi không tuân theo... "thuần phong mỹ tục".
Nguyên nhân là bởi người phụ nữ xuất hiện ở tiền cảnh có một tạo dáng gợi cảm quá... điềm nhiên, nàng không có chút ngại ngần, giữ kẽ, nhân vật này lại còn... nhìn thẳng vào người xem, ánh nhìn bình thản, không chút ý nhị, e dè, tất cả toát lên một sự táo bạo quá ư lạ lẫm đối với giới hội họa đương thời.
Dù là tranh khỏa thân, nhưng trước đó, người ta vốn luôn đòi hỏi nhân vật nữ phải toát lên vẻ đẹp thuần khiết, thanh cao. Bức "Olympia" đi ngược lại những điều đó. Hơn thế, việc người phụ nữ khỏa thân, nhưng tóc chải gọn, cài hoa, thắt nơ cổ, đeo trang sức, chân mang giày khiến người ta có những hình dung không hay về thân thế của người phụ nữ này trong cuộc sống thực.
Việc Manet không ngần ngại khắc họa đầy đủ các chi tiết chân thực cũng như biểu cảm của người phụ nữ khiến người xem tranh đương thời tranh cãi. Thay vì khắc họa nhân vật mang vẻ đẹp thanh cao, thoát tục, Manet chủ ý đưa vào những nét chân thực của đời sống. Tác phẩm thậm chí đã từng gặp rắc rối với nhà chức trách đương thời khi tranh bị... tạm giữ một thời gian.
Bức "Những cô gái trẻ ở Avignon" thực hiện bởi danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso hồi năm 1907
Những gương mặt và hình thể được khắc họa bằng những khối hình học, "Những cô gái trẻ ở Avignon" là một trong những bước đi đầu tiên của danh họa Picasso trong trường phái lập thể. Bức vẽ khắc họa những người phụ nữ khỏa thân đầy phóng túng này đã từng là một tác phẩm gây nên tranh cãi.
Qua những khắc họa của Picasso, người xem vẫn cảm nhận được sự khác biệt của từng người phụ nữ, nhưng không có nhân vật nào đẹp gợi cảm theo cách khắc họa truyền thống cả. Mọi đường nét mềm mại giờ đều biến thành những hình khối lạ lẫm.
Thẩm mỹ mới lạ trong tác phẩm bây giờ nhìn lại có thể xem như một bước đi tiên phong khai phá một trường phái mới, nhưng đương thời, khi tác phẩm này ra mắt, đã có rất nhiều họa sĩ, nhà phê bình hội họa thể hiện sự bất bình, tức giận.
Thậm chí, Picasso đã chứng kiến ngay cả những bạn bè thân thiết trong giới hội họa cũng quay lưng với ông sau tác phẩm này, bởi họ... không thể cảm nhận được vẻ đẹp trong tác phẩm, họ coi đây là "một trò đùa tệ hại trong hội họa".
Khi tác phẩm được trưng bày lần đầu, người ta còn nhìn nhận tới cả yếu tố... đạo đức trong tác phẩm. Hình ảnh 5 người phụ nữ khỏa thân với 5 dáng điệu phóng túng đã vấp phải rất nhiều nghi ngại, chỉ trích. Đó là chưa kể tên ban đầu mà họa sĩ đặt cho tác phẩm cũng khiến người đương thời phải... "nhướn mày".
Bức "Khỏa thân đỏ" thực hiện bởi họa sĩ người Ý Amedeo Modigliani hồi năm 1917
Đây là bức họa thành công nhất trong sự nghiệp của Amedeo Modigliani. Tác phẩm từng đạt mức giá hơn 170 triệu USD khi được rao bán tại một cuộc đấu giá tổ chức ở New York (Mỹ) hồi năm 2015. Đây là mức giá kỷ lục trả cho một tác phẩm của Amedeo Modigliani, bức tranh này cũng ngay lập tức nằm trong số những bức tranh đắt giá nhất được bán ra trên thị trường đấu giá nghệ thuật.
Tác phẩm "Khỏa thân đỏ" nằm trong chùm tranh khỏa thân được họa sĩ thực hiện hồi năm 1917. Trong cuộc đời mình, Amedeo Modigliani chỉ duy nhất một lần tổ chức triển lãm tranh, nhưng sự kiện ấy đã phải khép lại chóng vánh, do sự can thiệp của cảnh sát. Đó chính là khi ông trưng bày chùm tranh khỏa thân, trong đó có tác phẩm "Khỏa thân đỏ" này.
Cần phải hiểu rằng quan điểm thẩm mỹ đương thời đối với tác phẩm nghệ thuật vẫn còn những giới hạn nhất định mang tính thời đại. Về sau này, giới nghệ thuật đã xác nhận lại rằng bộ tranh khỏa thân của Amedeo Modigliani là một chùm tác phẩm giúp tái khẳng định, thậm chí là tái sinh chủ đề khỏa thân trong hội họa hiện đại một cách đầy đẳng cấp.
Bích Ngọc
Theo Vogue