Dù đạt được nhiều thành công tại các liên hoan phim đình đám thế giới, nhưng bộ phim khiến người ta nhớ đến đạo diễn Kim Ki-duk nhiều nhất vẫn là "Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân".
Bộ phim không đưa lại cho vị đạo diễn những giải thưởng danh giá, nhưng lại khiến những người biết đến sự nghiệp làm phim của ông, yêu thích phong cách điện ảnh của ông nhớ đến và tâm đắc nhiều nhất. Không ít nhà phê bình điện ảnh phương Tây đánh giá đây là một trong những bộ phim yêu thích nhất của họ.
Hiếm có bộ phim nào đơn giản mà lại khiến người ta cảm động, thấm thía, lắng lại với nhiều dư vị cảm xúc đến thế. Khi xem xong một bộ phim, để đong đếm giá trị nội dung của phim, xem sâu sắc tới mức nào, người ta thường tự nhìn nhận xem mình còn đắm chìm trong xúc cảm mà bộ phim tạo ra trong bao lâu.
"Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân" là một bộ phim mà đã xem rồi, chỉ cần đọc lại tên phim, người xem đã lại như đắm chìm vào thế giới cảm xúc từng trải nghiệm trước những khuôn hình tĩnh lặng, đẹp đẽ như một cuộc thiền ấy.
Và cũng hiếm có bộ phim nào đơn giản mà lại khiến người ta cảm động dài lâu, ghi nhớ đậm sâu đến thế. Đó là một bộ phim mà bạn có thể tóm tắt trong vài câu, cũng có thể tha hồ bàn luận trong vài giờ.
Bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc chứa đựng những triết lý thâm sâu của Phật giáo, nhưng ngay cả những người xem đến từ phương Tây cũng có thể đồng cảm và tâm đắc với bộ phim, điều đó khiến ta hiểu rằng "Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân" là một bộ phim có ý nghĩa phổ quát, bất kể người xem đến từ đâu, sống trong nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng nào, họ cũng có thể đồng cảm.
Bối cảnh phim chủ yếu chỉ xoay quanh một tu viện nhỏ nằm trên một bè nổi ở giữa một hồ nước nhỏ, với một bối cảnh giới hạn như thế thôi, người xem được chứng kiến những cuộc đời, đức tin, sự trưởng thành, tình yêu, sự ghen tuông, lòng thù hận, sự tàn nhẫn, sự trả thù, đền tội và cả những điều bí ẩn khác...
Đặc biệt, xuyên suốt hành trình ấy, những thước phim ghi lại cảnh vật thiên nhiên khiến người xem cảm thấy thật thư thái, yên bình. Chú chó, chú gà, chú mèo, chú chim, con rắn, con rùa, con cá, con ếch... trong phim đều có ý nghĩa.
Tu viện nhỏ chỉ có một phòng là nơi sinh sống, tu tập của một nhà sư và một chú tiểu. Cuộc sống của nhà sư và chú tiểu diễn ra với những thói quen đều đặn không thay đổi.
Trong phim có nhiều chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng, ẩn dụ, mỗi người xem đều sẽ có những cách quan sát và lý giải của riêng mình.
Phim chỉ xoay quanh tu viện nhỏ tĩnh lặng, nổi giữa một hồ nước nhỏ. Chú tiểu ngày ngày theo sư phụ đi hái thảo mộc, cuộc sống đơn giản diễn ra với những bài học nhỏ mà chú tiểu được sư phụ dạy bảo.
Rồi chú tiểu trở thành một thanh niên. Cuối mùa xuân, có một cô thiếu nữ theo mẹ tìm tới nơi tu hành của hai thầy trò để xin chữa bệnh. Một cuộc tình nảy sinh giữa chú tiểu và cô thiếu nữ...
Có một điều mà Kim Ki-duk luôn tránh đưa vào những bộ phim của ông, đó là các thông điệp trong phim không bao giờ được thể hiện một cách rõ ràng, thậm chí, rất khó nắm bắt.
Phim của ông luôn có rất ít lời thoại, không dễ thấu hiểu, không có những lời giải thích của nhân vật hay những đối thoại có hàm chứa thông điệp. Chính điều đó khiến người xem phải theo dõi tập trung hơn. Nhân vật chính trong bộ phim này là cuộc đời, là các mùa trong năm, là vòng tuần hoàn chảy trôi của thời gian, thiên nhiên.
Đạo diễn Kim Ki-duk đã rất thành công trong việc lựa chọn bối cảnh. Một tu viện nhỏ nằm giữa một hồ nước nhỏ, bao quanh là một khu rừng, khiến bối cảnh phim ngay lập tức có được sự gần gũi đối với người xem.
Những chảy trôi của thời gian, của các mùa rất quan trọng đối với chuyện phim. Trong mùa xuân, chú tiểu học được bài học về sự tôn trọng dành cho những sự sống trong thiên nhiên. Cô gái xuất hiện ở cuối mùa xuân. Trong mùa hạ, chú tiểu hiểu thế nào là tình yêu, ham muốn.
Cuối mùa hạ, sư phụ đã cảnh báo chú tiểu hãy biết kiềm chế những ham muốn của bản thân, bởi có những nguy hiểm đến từ chính xúc cảm không được kiềm chế, nhưng sau cùng chú tiểu đã lựa chọn cách sống để cho bản năng chế ngự. Đến mùa thu, chú tiểu quay về gặp sư phụ sau khi đã gây nên tội ác, và sau đó, chú phải chuộc tội.
Trong mùa đông - mùa khắc nghiệt nhất, chú tiểu năm xưa sau khi đã trả giá cho tội ác của mình, quay trở về tu viện và bắt đầu lặp lại hình ảnh của chính sư phụ mình khi xưa.
Giờ đây, sau khi đã trải qua những "mùa" trong cuộc đời, chú tiểu năm xưa đã là một con người thực sự trưởng thành, có thể thực sự kiểm soát bản thân, tự mình định hướng, vạch đường cho bản thân. Lúc này, người đàn ông trong phim đã trở thành sư phụ của chính mình, có thể tự mình ngộ ra nhiều điều, tự mình đương đầu với mọi chuyện.
"Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân" là một bộ phim được cho như là bài học về việc tôn trọng những sinh vật sống, cách tình yêu xuất hiện, rồi những khó khăn, khủng hoảng xuất hiện, cho tới khi chú tiểu học được cách vượt qua tất cả để trở thành một nhà tu hành đích thực. Tất cả đó dường như là những ẩn dụ về cuộc sống của mỗi con người.
Chúng ta phải học cách tôn trọng, thấu hiểu những con người, sự vật, sự việc xung quanh mình, phải hiểu được những mối nguy hiểm đến từ chính những xúc cảm, ham muốn khó kiềm chế của bản thân mình, phải học được tính kỷ luật để kiểm soát thể chất - tinh thần của mình, dám đối diện và vượt qua được những khủng hoảng xuất hiện trong cuộc đời mình...
Và sau tất cả, mỗi chúng ta đều cần làm được một điều, đó là truyền lại những gì mình đã thấu hiểu về cuộc đời cho thế hệ sau.
Bộ phim với những thước phim đẹp đến mức gây ám ảnh khó quên khiến người xem soi chiếu vào nội tâm của chính mình, cảm thấy gần gũi với những mùa của thiên nhiên, những mùa trong cuộc đời.
Nhưng điều đặc biệt đẹp đẽ trong bộ phim này chính là ý niệm rằng luôn có cách để sửa chữa mọi chuyện, luôn có cơ hội để bắt đầu lại từ đầu, để trở thành con người tốt hơn khi một vòng tuần hoàn mới lại bắt đầu.
"Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân" là một siêu phẩm điện ảnh tuyệt mỹ đối với nhiều người xem, bộ phim độc đáo cả về mặt hình ảnh và triết lý, nhưng lại không phụ thuộc vào lời thoại của các nhân vật. Vẻ đẹp của bộ phim, triết lý nhân sinh trong phim đẹp nhất khi bạn để mình đắm chìm trong những khuôn hình, tập trung theo dõi và cảm nhận hành trình "Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân".
Bích Ngọc
Theo Taste of Cinema