Ngày 15.10, Bộ VHTT-DL đã có văn bản chỉ đạo xử lý các cá nhân tập thể trong Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia của Cục Điện ảnh để hình ảnh bất lợi về chủ quyền biển đảo của nước ta bị Trung Quốc cài cắm vào phim Everest – Người tuyết bé nhỏ ra rạp công chiếu.
Văn bản số 4145/BVHTTDL-VP của Bộ VHTT-DL nêu rõ: "Căn cứ kết quả báo cáo của Cục Điện ảnh về việc kiểm tra quá trình cấp phép phổ biến phim truyện hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ, Bộ trưởng Bộ VH-T-DL giao Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Tạ Quang Đông trực tiếp chỉ đạo Cục Điện ảnh khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm những sai sót của cá nhân và tập thể liên quan trong quá trình thẩm định, duyệt và cấp phép phổ biến bộ phim này.
Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu tham mưu kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện; nghiên cứu thành lập bộ phận giúp việc Hội đồng đảm bảo chất lượng hiệu quả.
Thời hạn phải hoàn thành là trước ngày 17.10.2019".
Đường lưỡi bò phi pháp được cài cắm trong phim Abominable
Everest: Người tuyết bé nhỏ (tên gốc là Abominable) là bộ phim hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau khi đưa ra chiến dịch truyền thông rầm rộ phim được công chiếu trên các cụm rạp toàn quốc từ ngày 4.10.2019.
Hơn một tuần có mặt tại các cụm rạp của CGV, bộ phim tưởng chừng như vô hại bởi kỹ xảo hoạt hình cũng như các tình tiết ly kỳ về cô bé Yi với ấp ủ ước mơ chinh phục mọi nơi bằng cách đánh dấu những danh thắng trên bản đồ thế giới. Thế nhưng ở trong vài phân cảnh, một chi tiết có vẻ như không liên quan đến nội dung phim được cài hết sức tinh vi, đó là trong tấm bản đồ chu du thế giới của Yi có “đường lưỡi bò” Trung Quốc vẽ ra để áp đặt chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông.
Tuy nhiên hành động này đã không thể qua mắt được sự cảnh giác của khán giả Việt Nam. Ngày 13.4, hình ảnh chụp màn hình phân cảnh có “đường lưỡi bò” phi pháp trong phim đã được khán giả đưa lên mạng xã hội kèm theo đó là thái độ phản mạnh mẽ.
Sau khi có ý kiến từ từ khán giả, tối 13.4, nhà phát hành CGV đã gỡ lịch chiếu các trailer, giới thiệu liên quan cũng biến mất khỏi hệ thống của nhà phát hành này. Lý do rút phim được CGV giải thích khá đơn giản là “do không có khán giả”.
Sáng 14.10 bà Nguyễn Thu Hà - Cục trưởng Cục Điện ảnh chính thức lên tiếng với báo chí. Bà Hà cho biết Cục Điện ảnh sẽ nhận trách nhiệm về vụ việc. Theo bà Nguyễn Thu Hà, Hội đồng duyệt phim đã rất thận trọng, làm việc trách nhiệm và cảnh giác hết sức trong việc duyệt phim, tuy nhiên cũng khó tránh khỏi sai sót.
Chiều 14.10, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTT-DL khẳng định lãnh đạo Bộ xác định “Đây là vụ việc nghiêm trọng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự việc nào thì vấn đề quốc gia, chủ quyền lãnh thổ cũng cần phải được đặt lên trên hết. Nếu Hội đồng duyệt phim để xảy ra sai sót thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng duyệt phim và công tác quản lý của ngành điện ảnh”.
Mãi đến chiều tối ngày 14.10, sau khi có ý kiến từ Bộ VHTT-DL, CGV mới chịu thừa nhận việc ngưng chiếu phim không phải do vắng khách như đã thông báo trước đó: “Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim, nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước", thông cáo của CGV viết.
Phim Everest: Người tuyết bé nhỏ tồn tại đến 9 ngày tại các cụm rạp CGV trên toàn quốc
Đây không phải lần đầu tiên Cục Điện ảnh để xảy ra sự cố lọt có chủ đích về yêu sách "đường lưỡi bò' phi pháp của Trung Quốc và sản phẩm điện ảnh. Vào tháng 3.2018, bộ phim Operation Red Sea (tên tiếng Việt: Điệp vụ Biển Đỏ) của Trung Quốc có nội dung “quảng cáo” sức mạnh của lực lượng hải quân TQ phát hành tại Việt Nam đã dùng 36 giây cuối phim để lồng ghép những nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử cũng đã lọt khâu kiểm duyệt ra rạp đến 1 tuần mới phát hiện.
Tiểu Vũ