Vô ngã – Chuyện thị phi nơi công sở và loại bỏ những cảm xúc làm phiền trí não

01/10/2020 08:30
Vô ngã – Chuyện thị phi nơi công sở và loại bỏ những cảm xúc làm phiền trí não

Lần đầu tiên trong đời, tôi nắm trong tay trọng trách lãnh đạo một đội ngũ và được tham gia miễn phí khóa học quản trị nhân sự. Với mục đích giúp tôi đảm nhiệm vai trò mới trong tổ chức, khóa học đã truyền lại những kiến thức “mì ăn liền” về tư duy và phương pháp lãnh đạo phổ biến.

          

Bắt đầu với chính sách Mở cửa

Các huấn luyện viên đầy tự tin đã vỗ ngực dạy cho tôi (Cy Wakeman, tác giả cuốn ‘Vô ngã’) một triết lý quý giá, một “bài học để đời” trong giới quản lý rằng, những nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất luôn để cửa phòng mình mở.

Để mở cửa ư? Dễ thôi. Tôi sẽ trở thành bậc thầy chỉ trong một cái búng tay ấy mà! Cửa phòng tôi bao giờ cũng rộng mở nhất cơ quan này. Chính sách Mở cửa phát huy đúng như lời các huấn luyện viên chỉ giáo.

Chẳng mấy chốc, nhân viên của tôi đã ló đầu qua khung cửa mở. Nhưng cũng chẳng mấy chốc, tôi nhận ra ngay mọi người đến gặp tôi đều nói dối hết. Họ xin tôi một hai phút để rồi “bén rễ” trong văn phòng của tôi đến những bốn mươi lăm phút chứ không ít.

Mà phải chi họ thực sự cần tôi để bàn về những quyết định hệ trọng liên quan đến công việc hoặc yêu cầu giúp họ phát triển hay mài giũa các kỹ năng, họ đến để bàn tán về những thứ khác. Họ muốn kể tôi nghe những câu chuyện do họ tưởng tượng ra. Hoặc họ than vãn về những điều không thể thay đổi (những gì tôi gọi là thực tế). Họ sử dụng thời gian quý báu để gieo rắc hoang tưởng về một tương lai u ám. Thường thì họ sẽ huyên thuyên về tất cả những thứ trên. Tôi dành phần lớn thời gian trong những cuộc gặp “một phút nhé” bất chợt này để lắng nghe những mẩu chuyện dài dòng nhưng hầu như chẳng liên quan chút gì đến thực tế.

Triết lý mảng nhân sự tôi học được nói rằng việc mở cửa phòng mình là điều đúng đắn, rằng làm vậy thì nhân viên của tôi sẽ hài lòng và gắn bó hơn với công việc. Chúng ta vẫn được bảo ban rằng hãy để nhân viên trút bầu tâm sự, bởi đó là một việc “lành mạnh”.

Trong thời gian tin dùng chính sách Mở cửa, tôi nhớ không có nhân viên nào đến “bốc phốt” chính họ cả. Không ai đi qua cánh cửa mở sẵn vào phòng tôi để yêu cầu truyền đạt kỹ năng hay giúp gỡ rối vấn đề nào đó một cách hiệu quả, năng suất và nhịp nhàng hơn cả. Chính xác là họ đều đẩy những chiếc xe chở đầy “than” qua cánh cửa mở, lãng phí biết bao thời gian và sức lực mà chỉ khiến bầu không khí chỗ làm thêm “ô nhiễm”.

Tôi nhanh chóng nhận ra để ngỏ cửa cũng chỉ mở đường cho những chuyện thị phi vô bổ. Chính sách này chỉ tiếp sức cho cái tôi, cổ vũ cho cảm giác được “đóng vai” nạn nhân, và góp phần hạ thấp tinh thần chung của cả nhóm. Tệ hơn, nó ngốn không ít tiền của công ty. Chúng ta được thuê vì những gì ta đóng góp được cho tập thể chứ không phải vì cái tôi của bản thân và những câu chuyện phiếm đầy kịch tính mà ta thêu dệt nên. Tôi biết thời gian của mình sẽ có giá trị hơn nếu được đầu tư vào mục đích giúp đỡ mọi người tự đánh giá và thấu hiểu bản thân để có thể nhìn nhận tình hình với mức độ nhận thức cao hơn.

Sau giây phút tỉnh ngộ, tôi bỏ hẳn chính sách Mở cửa. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi đóng hẳn cửa ra vào văn phòng mình, chỉ là tôi thay đổi cuộc đối thoại một chút khi họ yêu cầu gặp tôi. Thay vì thụ động lắng nghe hay đưa ra lời hướng dẫn, tôi bắt đầu đặt câu hỏi.

Khi họ đến tìm tôi chỉ để than vãn về những vấn đề đang gặp phải, tôi buộc họ phải suy nghĩ thật thấu đáo, gạt ngang “câu chuyện” họ đang kể và bắt tay vào hành động. Quy trình thay đổi tư duy này giúp họ tập trung vào những gì đang thực sự xảy ra, đồng thời yêu cầu họ phải vạch ra những giải pháp khả thi hoặc các hành động mang lại kết quả tích cực hơn.

“Lẽ thường” chưa hẳn đã đúng

Sự thất bại của chính sách Mở cửa khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về những “lẽ thường” đã được giảng trong khóa huấn luyện kỹ năng lãnh đạo. Nhỡ những gì chúng ta học được đều sai hết thì sao? Chỉ dựa vào những kết quả quan sát được, ta có thể thấy các phương pháp lãnh đạo truyền thống rõ ràng chẳng hề hiệu quả.

Tôi có thể nhận thấy rõ tác hại khi để các nhân viên vô tư gây ra những khoản “phí tổn cảm xúc” cho công ty. Có những người phí hoài thời gian để chối bỏ thực tại thay vì đối đầu trực diện với nó. Họ phán xét người khác thay vì đề nghị giúp đỡ. Họ thấy bản thân là nạn nhân của những tình huống khốn cùng thay vì nhận ra rằng đó là lúc họ cần phải vượt qua chướng ngại, vươn đến thành công.

Một trong những phương pháp thay đổi tư duy đầu tiên tôi huấn luyện cho nhân viên của mình, cũng là một trong những kỹ năng trị liệu tâm lý tôi thường sử dụng ngày trước, là “chỉnh lại” câu chuyện thị phi và loại bỏ những cảm xúc làm phiền trí não, che mờ thực tế. Mọi người bắt đầu học được những phương pháp hữu ích hơn để giải quyết các vấn đề của riêng mình. Họ bắt đầu nhận ra đâu mới là rào cản mình đang phải đối diện và nghĩ ra những lựa chọn hiệu quả để vượt qua chúng. Họ không còn phải đẩy xe “than” cồng kềnh xông thẳng vào cửa phòng tôi nữa.

Chẳng mấy chốc, nhóm chúng tôi bắt đầu vận hành theo một cách hoàn toàn khác. Trong khi các vị trưởng phòng ở những bộ phận khác hãy còn mắc kẹt trong mớ bòng bong những thị phi và xung đột không hồi kết, đội ngũ đồng hành cùng tôi trở nên độc lập, hiệu quả và gắn bó với công việc hơn hẳn.

Theo Vô ngã - First News


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024