Vô ngã: Thoát khỏi vở kịch của cái tôi để nâng cao năng suất làm việc

10/09/2020 08:30
Vô ngã: Thoát khỏi vở kịch của cái tôi để nâng cao năng suất làm việc

Có cái tôi không phải là vấn đề. Tác giả Wakeman nói rằng thách thức nằm ở việc vai trò chính của cái tôi là tạo ra sự kịch tính, hay “sự hoang phí cảm xúc”.

Bản ngã lành mạnh là một nhân tố rất quan trọng, cả bên trong công việc lẫn bên ngoài cuộc sống. Khi cái tôi bị bóp méo thì rắc rối bắt đầu. Sự biến dạng này không chỉ là xảy ra với một vài cá nhân đặc biệt, mà nó nằm trong tất cả chúng ta. Cy Wakeman, một “nhà nghiên cứu kịch nghệ”, tác giả của cuốn sách "Vô ngã" cho rằng: “Bản ngã là một phần của hệ thống tâm lý, đóng vai trò trung gian giữa cảm nhận chủ quan và thực tại khách quan. Nó là công cụ để điều chỉnh cách chúng ta thích nghi với thực tế". Có cái tôi không phải là vấn đề. Wakeman nói rằng thách thức nằm ở việc vai trò chính của cái tôi là tạo ra sự kịch tính, hay “sự hoang phí cảm xúc”.

Wakeman và nhóm các nhà nghiên cứu định nghĩa “emotional waste” là "những quá trình suy nghĩ lãng phí về mặt tinh thần hoặc những hành vi không hiệu quả khiến các nhà lãnh đạo hoặc nhóm của họ không mang lại kết quả ở mức cao nhất." Wakeman nhận thấy rằng bản ngã là “người kể chuyện không đáng tin cậy” về thực tại của chúng ta, bởi vì nó “rất thích thú với các bộ phim kịch tính mà nó có thể tạo ra.”

Quan điểm của Wakeman về bản ngã không nghiêng về sự thúc đẩy sự tự tin của cái tôi mà nghiêng về mức độ bạn để những câu chuyện mình tự kể ra quyết định cách bạn nhìn nhận “thực tế” tình huống ra sao. Nếu thực tế bị bóp méo rất nhiều bởi lời kể trong đầu bạn: "Các sếp lại giở trò rồi! Lại một sáng kiến ​​quản lý thay đổi khác", bạn sẽ mất đi năng suất làm việc, vì cứ mãi mải mê trong những suy tư tiêu cực của mình.

Vì vậy, cái tôi của chúng ta là một vấn đề lớn trong công việc cần phải xử lý. Thử suy nghĩ về một ví dụ dưới đây. Giả sử khi đi làm, bạn đã may mắn có một vị trưởng phòng tuyệt vời, các dự án và đồng nghiệp cũng rất thú vị. Không có gì để phàn nàn, phải không? Vâng, nhưng thi thoảng, một mệnh lệnh từ cấp trên bỗng đổ xuống đầu khiến bạn bùng nổ trong sự giận dữ. Theo quan điểm của bạn, các yêu cầu này không hợp lý, thời hạn hoàn thành cũng vô lý, dự án có triển khai cũng thất bại.

Vì vậy, bạn lãng phí thời gian thêm vài ngày, thậm chí vài tuần, để than phiền về những ý tưởng lố bịch được sếp giao này. Theo Wakeman, điều này là do cái tôi của bạn tạo ra sự lãng phí cảm xúc - pha trộn tất cả các loại độc thoại nội tâm về lý do tại sao nhiệm vụ này thật là vô nghĩa. “Thật không công bằng khi yêu cầu những điều này từ nhân viên”, những than phiền tương tự như này do bản ngã tạo ra cứ ám ảnh bạn mỗi khi đi làm.

Vì vậy, đây chính là điểm mấu chốt mà cuốn sách đề cập đến. Bạn có thể nghĩ, “Chà, được rồi, đó không hẳn là vấn đề lớn. Mọi người đều khó chịu với sếp của họ. Ai mà không vài lần bực tức cơ chú?". Và mặc dù đúng là tất cả chúng ta đều cần xả stress, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bị mắc kẹt trong vở kịch mệt mỏi này? Năng suất làm việc sẽ hạ thấp ra sao, nếu bạn để cảm xúc buồn phiền này ám ảnh mình cả ngày. Nghiên cứu của Wakeman thậm chí chỉ ra rằng trung bình một nhân viên dành 2 giờ 26 phút mỗi ngày trong những màn kịch tâm trí và sự lãng phí cảm xúc.

Đó là hơn ¼ thời gian làm việc, khi những nhân viên lái chiếc BMW của họ (Viết tắt 3 chữ cái đầu của Bitching - Đay nghiến, Moaning – Than phiền, Whining – Rên rỉ) vào văn phòng của người quản lý. "Động cơ mở nhưng không chạy, lãng phí nhiên liệu và ô nhiễm bầu không khí." Đó là hậu quả của việc không xử lý đống rác thải từ bản ngã luôn đắm chìm trong các vở kịch, nơi mình là nạn nhân và thế giới là kẻ thù.

Cuốn sách "Vô Ngã" đưa ra những lời khuyên của Wakeman về cách tạo ra một môi trường có trách nhiệm giải trình cho cả người quản lý và nhân viên, dẫn đến sự tập trung vào việc đạt được kết quả kinh doanh tối ưu cùng nhau. Những gì Wakeman đề xuất – trách nhiệm giải trình trung thực – rõ ràng là rất khó. Thật khó chịu khi nhìn mình trong gương và thừa nhận những khuyết điểm của bản thân. Đổ lỗi cho ai hay điều gì đó là nguyên nhân cho những vất vả của chúng ta sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng, như Wakeman nói, “Hoàn cảnh của bạn không phải là lý do khiến bạn không thể thành công. Hoàn cảnh của bạn là thực tế mà bạn phải thành công."

Vì vậy, mỗi khi định bật máy chiếc BMW của mình, và bắt đầu than thở, hãy dành một phút để xem xét: Liệu tôi đóng góp bao nhiêu phần cho vở bi kịch mà chính tôi cũng góp phần tạo dựng này?

Trạm Đọc tổng hợp |


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025