Đạo diễn Đỗ Thành An và anh Lục Lang - con trai út của soạn giả Hoa Phượng, người giữ tác quyền vở cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn cho biết họ vừa quyết định chuyển thể vở này thành một tác phẩm điện ảnh cùng tên.
Chủ trương của các tác giả cùng nhà sản xuất là sẽ thực hiện kịch bản bằng hình thức phái sinh, phóng tác lại các kiệt tác văn học, sân khấu của Việt Nam, hạn chế tối đa việc mua kịch bản, làm phim remake.
Đạo diễn Đỗ Thành An cho biết, hiện tại anh đang ráo riết tìm người thủ vai nhân vật nữ của phim là cô Hương. Đây là vai diễn khá nặng ký nên việc chọn một nữ diễn viên có tuổi đời tuổi từ 18-25 tuổi có khuôn mặt đẹp, nụ cười đẹp, đôi mắt buồn để lột tả tất cả những trạng thái của nhân vật vốn quen thuộc với khán giả là điều không dễ. Ngoài ra đoàn làm phim cũng đang casting cho các vai còn lại.
Đạo diễn Đỗ Thành An (trái) và anh Lục Lang - con trai út của soạn giả Hoa Phượng, người giữ tác quyền
Nửa đời hương phấn là câu chuyện đầy nước mắt kể về cuộc đời cay đắng của người kỹ nữ tên Hương, cô yêu Tùng và muốn làm lại cuộc đời nhưng bị gia đình Tùng coi rẻ và không chấp nhận. Hương vì tương lai của người yêu mà quyết định tuyệt tình với anh. Sau đó, Tùng lấy vợ tên Diệu mà không hề biết cô gái này chính là em ruột của Hương,... “tình chị duyên em”.
“… Nửa đời hương phấn còn hương
Khi em cất bước hoàn lương trở về
Tóc huyền giắt lại trâm thề
Gởi hương phấn lạt trả về lầu xanh”
(Kiên Giang)
Vở cải lương kinh điển của hai soạn giả lừng lẫy Hà Triều – Hoa Phượng ra đời vào cuối thập niên 1950 tại Sài Gòn, gánh hát Thanh Minh đã rất thành công khi dàn dựng, tạo tiếng vang lẫy lừng. Đầu tiên vai Hương do sầu nữ Út Bạch Lan đảm trách, nghệ sĩ Hữu Phước vai Tùng, Ngọc Nuôi vai Diệu.
Ngay từ những ngày công diễn đầu tiên trên sân khấu Thanh Minh đã tạo được tiếng vang cho đoàn hát này. Chỉ những nghệ sĩ gạo cội, giàu kinh nghiệm, diễn tâm lý giỏi mới được tin tưởng giao thử sức lại vai Hương oằn nặng tâm trạng một cô gái buôn hương mà tự trọng, hiếu đạo, giàu đức hi sinh, luôn gặp nghịch cảnh trong cuộc đời.
Nghệ Út Bạch Lan và Thanh Nga trong Nửa đời hương phấn
Sau Út Bạch Lan, trên sân khấu Thanh Minh-Thanh Nga, nghệ sĩ Thanh Nga vào vai Hương rất thành công, vai diễn của bà đã trở thành hình mẫu. Thanh Nga sánh vai cùng Hữu Phước, Thành Được, Bạch Tuyết… trong vở này.
Năm 1961, đạo diễn đạo Thái Thúc Nha đưa Nửa đời hương phấn lên phim đen trắng chiếu rạp với tên gọi là Bẽ bàng. Nghệ sĩ Kim Cương vào vai Hương, nghệ sĩ Lan Anh vai Diệu, nghệ sĩ La Thoại Tân đảm nhận vai Tùng…
Cố nghệ sĩ Thanh Nga - người đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người xem qua vai Hương đến bây giờ
Sau 1975, Nửa đời hương phấn còn ghi thêm tên của nghệ sĩ Phượng Liên khi bà nhập vai Hương trên sân khấu tại miền Nam. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng đã ghi hình vở này để phát trên sóng truyền hình.
Nghệ sĩ Phượng Liên và Thành Được
Thập niên 1980, nghệ sĩ Hữu Phước tại Pháp, cùng với nghệ sĩ Việt Hùng, Hùng Cường tại Mỹ tái dựng Nửa đời hương phấn đưa lên sân khấu và lấy nước mắt của nhiều khán giả yêu cải lương.
NSND Kim Cương từng ghi dấu ấn mạnh mẽ trong Nửa đời hương phấn
Năm 1989, xúc cảm trước vở tuồng này, nhà văn Mặc Tuyền đã phóng tác thành tiểu thuyết cùng tên.
Năm 2015, dạo diễn Ái Như - nhà hát Kịch Hoàng Thái Thanh dựng thành kịch nói cùng tên.
Hồng Ánh trong Nửa đời hương phấn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh
Năm 2018, đạo diễn Đỗ Thành An cùng anh Lục Lang con trai của soạn giả Hoa Phượng chuyển thể Nửa đời hương phấn thành tác phẩm điện ảnh. Tính đến nay, kịch bản cải lương Nửa đời hương phấn đã gần 60 tuổi. Đây là một trong những dự án điện ảnh nhằm tôn vinh đôi soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng nhân kỷ niệm 100 năm ngày cải lương ra đời.
Tiểu Vũ