Điều đáng nói là trước đó, những bản cover đã đạt được lượng người xem hàng triệu đến vài chục triệu lượt xem. Ngay cả bản cover của nghệ sĩ như: Phương Thanh, Trấn Thành, Khánh Phương hay phim ngắn của Tuấn Trần cũng không tìm thấy.
“Độ ta không độ nàng” vốn là một bài hát nhạc Hoa, phiên bản gốc được Tô Đàm Đàm và Giai Bằng hát. Tuy nhiên, hai người này không phải là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Tác giả cũng là người hát đầu tiên có nghệ danh Cô Độc Thi Nhân.
Bài hát được anh sáng tác dựa trên cảm hứng nhớ về thời thơ ấu làm đệ tử ở chùa Thiếu Lâm. Anh được đưa tới chùa để tu tâm dưỡng tính, được sư phụ rèn luyện để trở thành người nhân hậu. Như vậy, chủ sở hữu chính thức của ca khúc này là tác giả người Trung Quốc.
Bởi lí do đó mà mới đây, một đơn vị của Việt Nam đã làm thủ tục mua bản quyền sử dụng ca khúc này. Theo luật bản quyền, khi một ca khúc đã được nhượng quyền sử dụng hoặc sở hữu mà cá nhân/tổ chức nào muốn sử dụng đều phải được sự cho phép của người đã được nhượng quyền cũng như phải trả phí tác quyền.
Chi phí cố định cho việc sử dụng, sao chép, phân phối là 5 triệu đồng, doanh thu đối soát là 33% thu được từ sản phẩm được đăng tải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều video cover “Độ ta không độ nàng” biến mất trên YouTube.
Trên trang cá nhân, ca sĩ Phương Thanh đăng hình chụp đơn thông báo vi phạm bản quyền từ đơn vị mua bản quyền. Cô cũng ám chỉ đây là “một trò chơi dơ đánh sập bài hát của người Việt”.
Ca sĩ Phương Thanh cho biết, tâm ý của chị từ lúc đầu là muốn mua độc quyền quyền sử dụng ca khúc này từ phía tác giả người Trung Quốc. Nếu mua được độc quyền, chị sẽ cho mọi người cover lại thoải mái mà không thu bất kỳ một đồng phí nào.
Bản thân chị là một người theo đạo nên chị không hề có ý định kinh doanh đối với ca khúc này cả. Thậm chí, mọi người truyền bá được tư tưởng về đạo thông qua ca khúc càng nhiều chị lại càng vui. Tuy nhiên, rất tiếc là chị đã bị chậm chân nên không thể làm gì được.
Giọng ca “Trống vắng” cũng cho biết thêm, việc có nộp phí bản quyền và ký hợp đồng với bên đơn vị nắm bản quyền ca khúc tại Việt Nam để video của chị trên Youtube được mở trở lại chị đang giao cho công ty làm. Tất cả quyết định đều do công ty riêng của chị đưa ra chứ chị không can thiệp.
Trong khi đó, phía Trấn Thành đang tạm ẩn video để chờ đưa quyết định.
Về phía ca sĩ Khánh Phương, sau khi biết thông tin, anh đã chủ động ẩn video của mình và liên hệ với đơn vị này để mua bản quyền. Anh đồng ý đóng phí 5 triệu đồng và 1/3 doanh thu từ video cover. Sau khi hoàn tất, Khánh Phương đã mở video trở lại và tiếp tục khai thác bình thường.
Theo Khánh Phương mặc dù phí tác quyền như vậy là không hề thấp nhưng quan điểm của anh đã theo đam mê thì phải theo tới cùng. Điều quan trọng là nhiều khán giả đang rất hứng thú với sản phẩm này nên anh không thể chấp nhận mất video một cách uổng phí như thế được.
Khác với Phương Thanh và Khánh Phương, giọng ca Anh Duy là người cover bài “Độ ta không độ nàng” đầu tiên của Việt Nam lại đang khá phân vân việc có nên nộp tiền tác quyền để mở lại video. Quản lý của Anh Duy cho biết, anh đã gửi mail (thư điện tử) cho phía đơn vị nắm bản quyền ca khúc tại Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Thêm vào đó, phía đơn vị này mới chỉ trưng ra được một tờ giấy xác nhận được quyền sử dụng ca khúc tại Việt Nam nhưng tờ giấy đó vẫn chưa đủ độ xác thực. Bản thân anh cũng như nhiều ca sĩ khác lo ngại nếu nộp tiền tác quyền để mở lại video nhưng sau đó lại bị đóng vì một lí do khác thì sẽ rất phiền hà.
“Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi thấy đã đến lúc nên khép lại trào lưu “Độ ta không độ nàng” vì nó cũng đang nguội dần. Chúng tôi làm nghệ thuật thì không thể cứ bám riết lấy một ca khúc để sống chết với nó. Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt những sản phẩm mới chất lượng và quy mô hơn để tiếp tục con đường nghệ thuật”, quản lý của Anh Duy chia sẻ.
Hà Tùng Long