“Độ ta không độ nàng” vốn là ca khúc nhạc Hoa, phiên bản gốc được Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện. Nhưng người thể hiện đầu tiên lại là Cô Độc Thi Nhân, anh cũng chính là tác giả ca khúc và từng đưa ca khúc này vào album riêng của mình.
Ngay khi trên mạng xuất hiện truyện ngôn tình ngắn “Độ ta không độ nàng” và ca khúc này được đưa vào làm nhạc phim bộ phim hoạt hình ngắn cùng tên, ca khúc này đã nhanh chóng “gây sốt” trên mạng Trung Quốc. Làn sóng cover lại ca khúc “Độ ta không độ nàng” cũng lan nhanh với tốc độ chóng mặt.
Nội dung ca khúc nói về mối tình bi ai giữa một nhà sư và quận chúa xinh đẹp. Tuổi thơ của hai người lớn lên cùng nhau chính vì thế cô gái có tình cảm đặc biệt với nhà sư này. Thế nhưng, vì là người đã quy y cửa phật nên nhà sư không thể động lòng trước cô gái. Về sau, khi bị hoàng tử cưỡng bức, cô gái tự sát, nhà sư cũng vì thế mà uất hận.
Nhìn thi thể nàng trong bộ váy xuất giá, đầu đeo khăn voan đỏ, nhà sư hỏi Phật Tổ: “Người độ trăm vạn chúng sinh, nhưng vì sao độ ta, không độ nàng?” Cuối cùng, nhà sư giết chết tên hoàng tử bức chết người yêu rồi xuống âm phủ, đứng bên bờ hoa Bỉ Ngạn gặp lại vong linh của nàng lần cuối cùng.
Như vậy, cái tên “Độ ta không độ nàng” có thể hiểu là xuất phát từ câu oán trách của nhà sư với Phật Tổ: “Vì sao phù hộ ta, mà không phù hộ cho nàng?”
Vì sao “Độ ta không độ nàng” gây sốt?
Lý giải về việc vì sao "Độ ta không độ nàng" lại có thể hot đến như vậy? Có ý kiến cho rằng giai điệu ca khúc dễ thuộc, khá bắt tai, thu hút và dễ “gây nghiện”. Chỉ mới nghe qua, bất kỳ ai cũng cảm nhận được và “bắt sóng” được giai điệu này.
Hơn nữa khi được dịch ra lời Việt, ca từ ca khúc càng da diết, đậm chất ngôn tình và câu chuyện tình bi ai đằng sau ca khúc chính là lý do níu giữ trái tim người nghe. Người yêu thích ca khúc thì cho rằng đây là vấn đề hoàn toàn bình thường, vì bất kỳ một con người bằng xương bằng thịt nào cũng có hỉ, nộ, ái, ố, kể cả người tu hành.
Cũng có ý kiến cho rằng, “Độ ta không độ nàng” gây sốt trở lại là nhờ sự yêu thích của khán giả dành cho bộ phim hoạt hình cùng tên.
Ca sĩ Phương Thanh vừa thu âm ca khúc "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng".
Theo Phương Thanh, khi nghe ca khúc này, nữ ca sĩ thấy thương vì nhân duyên, nghiệp con người quá nặng nề. Qua lời bài hát, người nghe cảm được tâm tư, sự khổ ải của người đã khoác áo tu. Giải nghiệp rồi nhưng tâm vẫn chưa chạm được tới Phật mới có tình cảm vương vấn. Khi chấp niệm rồi thì không biết đâu chánh đâu pháp.
“Sở dĩ ca khúc “dậy sóng” bởi do thế gian yêu đương, chia ly, đau khổ quá nhiều mà chưa ngộ ra. Cuộc đời con người ai cũng vướng vào tình duyên thôi, tôi cũng đã từng vậy.
Phần lời ca khúc đã nói “trúng tim đen” của rất nhiều người. Là chúng ta, những người vẫn ngày đêm không thể dứt đoạn với hồng trần. Nhưng đó mới chính là cảm xúc sâu nặng của con người. Điều đó chứng tỏ thế gian nghiệp duyên dang dở, oán hận còn đầy..."”, Phương Thanh lý giải vì sao ca khúc “gây nghiện” đối với nhiều người.
“Độ ta không độ nàng” khắc họa tiêu cực về hình ảnh người tu hành?
Dù không đả kích, bài trừ ca khúc này nhưng vốn là một phật tử, ca sĩ Phương Thanh cho rằng lời gốc “Độ ta không độ nàng” sai với Chánh pháp.
“Với tinh thần từ bi quảng đại, cửa nhà chùa vẫn luôn rộng mở với tất cả chúng sinh, không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, xuất thân. Đi tu là phải an vui, an lạc, sống trong chánh niệm từ xác thân cho đến tâm hồn, vì họ đã chọn đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Như vậy mới thực sự đúng là tinh thần và tâm thế của những người tu Phật...”, nữ ca sĩ nói.
Theo Phương Thanh, việc thay lời ca khúc “Độ ta không độ nàng” thành “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” là để cho đúng với ý nghĩa và quan điểm về triết lý nhân sinh của Phật giáo. Với pháp danh Nguyên Hương, Phương Thanh thể hiện ca khúc này không chỉ với tư cách một ca sĩ, mà còn với tất cả sự thành kính của một phật tử.
Ngay sau khi vừa đăng tải trên kênh mạng xã hội, bản thu “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” của Phương Thanh đã thu hút hàng nghìn lượt nghe, đông đảo lượt yêu thích và bình luận. Nhiều khán giả bày tỏ sự hưởng ứng trước bản chỉnh sửa lời ca khúc được cho là thấm nhuần tư tưởng Phật giáo.
Xoay quanh hiện tượng “Độ ta không độ nàng”, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ cho rằng nội dung ca khúc khắc họa bức tranh rất tiêu cực về chuyện tình nhà sư và nàng quận chúa.
Thể hiện quan điểm riêng trong bài thuyết pháp được livestream tối 12/6, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh: hành vi hận tình trả thù của vị tu sĩ hư cấu là phạm pháp. Và việc mượn hình ảnh nhà sư để gán ghép hành vi trả thù tình là sự xúc phạm người tu hành.
Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định ở góc độ của người xuất gia, ông không tán đồng với bài nguyên tác tiếng Trung lẫn bản phóng tác tiếng Việt “Độ ta không độ nàng”.“Tác phẩm này tạo hình ảnh quá tiêu cực, quá ảm đạm, bi quan, chán chường và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết người có thù hằn bằng một lưỡi kiếm”, vị thượng tọa nói.
Theo vị thượng tọa, việc nhà sư hư cấu này oán trách Đức Phật là sai lầm. Chuyện tình yêu tan vỡ là do cư xử, lối sống của hai người hoặc người thứ ba chứ Đức Phật hay bất cứ thần linh nào cũng không tạo tác, sắp xếp chuyện tình yêu tan vỡ, hay cái chết của nàng quận chúa...
Nguyễn Hằng