Từ nước mắt đến nụ cười – Chúng ta không thể sống nếu không có tình yêu thương

10/04/2021 08:30
Từ nước mắt đến nụ cười – Chúng ta không thể sống nếu không có tình yêu thương

Những người trầm cảm có khác nào những con chim hoàng yến chết dưới mỏ than, để báo hiệu rằng bên dưới có một khí độc khủng khiếp. Vậy mà, chúng ta vẫn tiếp tục đi xuống mà chẳng buồn thắc mắc dưới mỏ có khí độc hay không.

Vì sao? Bởi vì trật tự điên rồ của mọi thứ nói với chúng ta rằng mỏ không có vấn đề gì cả, chỉ con chim hoàng yến là có vấn đề mà thôi!

Bạn sẽ học bài học bằng niềm vui hay nỗi đau?

Đau đớn về tinh thần, cũng giống như nỗi đau thể xác, luôn có lý do. Nhưng không phải là bệnh, mà là một sứ giả – một sứ giả mà chúng ta thường chọn cách lờ đi. A Course in Miracles nói rằng ta không thể quyết định bài học mình sẽ nhận, mà chỉ quyết định được sẽ học nó cùng niềm vui hay nỗi đau. Một trong những lý do khiến việc chúng ta nhận thức được nỗi đau của mình và của người khác trở nên quan trọng là: Khi không có người quan tâm đến các vấn đề của thế giới, những vấn đề đó sẽ chỉ trở nên tồi tệ đi, chứ không tốt lên. Hậu quả của việc chúng ta tê dại trước nỗi đau của chính mình hoặc của người khác sẽ là không thể chịu đựng nổi.

Có lần khi đang lướt Internet, tôi bắt gặp câu chuyện về một quả bom phát nổ vào cuối một trận bóng đá nghiệp dư ở Iraq, 34 người đã chết, 17 trong số đó ở độ tuổi từ 10 đến 16. Bài báo kèm theo một bức ảnh đau lòng về một chàng trai trẻ đang an ủi một cậu bé có vẻ như tuổi teen, khuôn mặt của cậu bé bị hủy hoại hoàn toàn vì vụ đánh bom khủng khiếp xảy ra vào cuối sự kiện mà lẽ ra đã là một trong những niềm vui ít ỏi còn sót lại cho người dân ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Tôi nghĩ về sự cố kinh hoàng đó và cuộc chiến kinh hoàng đó. Khủng khiếp nhất là nhận ra rằng lẽ ra đã không có bất cứ điều gì trong số đó phải xảy ra, rằng sự hỗn loạn ở Iraq ngày nay là hậu quả của một hành động khủng khiếp do một chính phủ gây nên: chính phủ nước tôi. Tôi cảm thấy kinh khủng, nặng lòng, nhưng tôi không muốn nỗi đau của mình ngày hôm đó giảm đi một chút nào. Như Gandhi đã nói, có một sức mạnh linh hồn khi chứng kiến sự đau đớn của người khác. Điều tối thiểu tôi có thể làm là không tự giảm nhẹ nỗi đau của chính mình, khi cậu bé kia đã không thể tự giảm nhẹ nỗi đau của cậu.

Tê dại trước các vấn đề của thế giới không chỉ làm giảm nhân tính của chúng ta, mà còn làm giảm động lực giúp chúng ta khắc phục những vấn đề đó trước khi chúng áp đảo chúng ta. Cần phải lưu tâm đến thông điệp của đau khổ hơn là tránh né nó. Kết cấu nền văn minh của chúng ta đang bị sờn rách một cách nguy hiểm, và những người hiểu điều đó – những người cảm thấy khó chịu thật lòng và chính đáng về điều đó – là những người mang trong mình đam mê cần có để tái tạo thế giới.

Đau buồn về tình trạng đau buồn của thế giới là lành mạnh; chúng ta giờ sẽ ở đâu đây nếu những người theo chủ nghĩa bãi nô đã không khó chịu về chế độ nô lệ, hoặc những người đòi quyền bầu cử không khó chịu vì phụ nữ không thể bỏ phiếu? Sự khó chịu như vậy là một lời cảnh báo sớm trong tâm can ta, nó nói rằng: “Thế giới đang đi sai hướng”. Ngày nay, mọi người chán nản vì thế giới đang bị biến tính. Chúng ta không sai khi cảm thấy như vậy. Thay vào đó, chúng ta nên lắng nghe tiếng nói đang cất lên trong mỗi người, rằng: “Có điều gì đó không đúng ở đây. Có gì đó không ổn”. Có lắng nghe như thế, chúng ta mới được đánh thức bằng tiếng gọi cấp bách của lịch sử, rằng phải sửa lại cho đúng.

quote-tunuocmatdennucuoi-04.jpg

Không thể rót rượu thánh vào chiếc chai của lòng tham

Chúng ta không thể rót rượu thánh vào một chiếc chai của lòng tham. Chúng ta đã tài chính hóa gần như tất cả mọi thứ, phá vỡ hệ sinh thái dịu dàng của các mối quan hệ con người bằng tâm lý giao dịch “Làm sao để nhận được những gì tôi muốn từ anh?” đã biến cuộc gặp gỡ bình thường giữa người với người thành những buổi chào hàng. Chúng ta được dạy cách thuyết phục người khác – thậm chí đến mức thao túng và bóc lột – hơn nhiều so với được dạy cách yêu thương nhau.

Khi “Tôi muốn nhận được gì từ anh?” thay thế cho “Tôi ở đây để chia sẻ gì với anh” – khi từ tâm và thiện chí dành cho nhau không còn là nền tảng của mối quan hệ con người – thì thế giới bắt đầu tan rã. Mối tương tác bình thường của con người trở nên sai lệch, và các lực lượng kinh tế xã hội khổng lồ dần theo hướng bất chính.

Người dân ở một số quốc gia giàu nhất thế giới nằm trong số những người chán nản nhất, không phải vì thiếu của cải vật chất mà vì thiếu ý thức về một cộng đồng. Trong vài thập niên qua, chúng ta đã hy sinh các yếu tố xã hội thiết yếu cho việc nuôi dưỡng cộng đồng, gia đình và sự bình yên bên trong để đổi lấy một trật tự kinh tế mới.

Chưa từng bao giờ như vậy, thần của lợi ích đã vượt qua thần ngay thẳng, công chính, và sự đau khổ của con người thường bị xem là thiệt hại ngoài dự kiến chấp nhận được. Dù sao đi nữa, miễn có tiền là được – ngay cả khi những mối quan tâm nghiêm túc về đạo đức cho rằng điều đó là không nên.

Mối quan hệ chính đáng với người khác là điều cần thiết cho sự bình an và hạnh phúc của chúng ta, cả giữa các cá nhân lẫn giữa các quốc gia, bởi chúng ta không phải những sinh vật tách bạch. Chúng ta vốn phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta được sinh ra để trở thành anh chị em của nhau, nên khi không có mối quan hệ máu mủ, chúng ta chết dần chết mòn.

Khi nghĩ rằng mình tách biệt và đơn độc trong cuộc sống biệt lập, chúng ta sẽ mất hết ý thức trách nhiệm với nhau, mất hết sự từ bi và tha thứ dành cho nhau. Đây là cái bẫy chết người của tâm trí bản ngã, cả với cá nhân và với xã hội; và việc chúng ta rất, rất buồn về điều đó là một trong những điều lành mạnh nhất có thể nói được về chúng ta. Không có tình yêu, chúng ta không thể sống, sâu thẳm trong trái tim mình, ai cũng biết như vậy.

Theo Từ nước mắt đến nụ cười


Gửi bình luận
(0) Bình luận