Không có sự tha thứ thì không có tình yêu, và không có tình yêu thì không có phép màu. A Course in Miracles viết rằng chúng ta có thể có một mối bất bình hoặc một phép màu, chứ không thể có cả hai. Tha thứ, do đó, là yếu tố then chốt để có được hạnh phúc. Đôi khi thử thách là tha thứ cho người khác và đôi khi thử thách là tha thứ cho chính chúng ta, dù là ai đi nữa thì chừng nào còn chưa tha thứ, ta vẫn sẽ còn khổ đau.
Bản ngã nhìn nhận về sự tha thứ rất khác tinh thần. Bản ngã cho rằng một người có tội và quyết định tha thứ cho người đó như một hành động của kẻ bề trên. Rõ ràng, việc này không phải là tha thứ thực sự, mà là một hình thức khác của sự phán xét. Tha thứ thực sự là thừa nhận rằng bởi vì chỉ có tình yêu là có thật, nên bất cứ điều gì cần tha thứ cũng chỉ tồn tại trong lãnh địa của ảo ảnh. Chúng ta thôi tập trung vào tội lỗi của người khác, mà thay vào đó nhận biết sự ngây thơ vĩnh cửu của họ. Khi làm như vậy – bằng sức mạnh của sự thay đổi tinh thần trong nhận thức – chúng ta giải phóng sức mạnh của vũ trụ kỳ diệu.
Sự tha thứ thiết lập lại quỹ đạo cho những người khả năng có thể bị mở ra ở bất cứ nơi nào cảm giác tội lỗi và đổ lỗi tràn lan nếu ta không tha thứ. Nơi tình yêu hiện diện, phép màu sẽ tự nhiên xảy ra; nơi tình yêu bị chối bỏ, phép màu bị chệch hướng. Tha thứ giải phóng phép màu để giúp đỡ nhân danh sự thánh thiện của chúng ta và khôi phục lại sự hài hòa đã bị ngăn chặn.
Chúng ta tìm cách tha thứ không phải để chối bỏ những gì mình đã phải cam chịu, mà để thay đổi trải nghiệm của chính mình về những gì đã xảy ra với ta. Khi chuyển sự tập trung từ cõi thân xác sang cõi linh hồn, chúng ta vượt khỏi suy nghĩ bám chặt vào lỗi lầm của ai đó. Không còn nhìn nhận thực tế theo tội lỗi của người ta, tâm trí cũng thôi nhìn nhận thực tế theo nỗi đau mà tội lỗi ấy gây ra. Đây không phải là phủ nhận, mà là vượt qua. Nó kích hoạt cơ chế tự điều chỉnh của vũ trụ, làm thay đổi tác động của bất kỳ sự tội lỗi nào đối với chúng ta. Không ai có khả năng đánh bại chúng ta vĩnh viễn chừng nào chúng ta còn sẵn sàng tha thứ.
Tha thứ là chọn nhớ về những điều mà ai đó đã làm đúng, tại thời điểm mà tâm trí bản ngã đang thét lên về những gì người đó làm sai. Chúng ta luôn được lựa chọn nên tập trung vào đâu – nên đổ lỗi hay cầu phúc cho ai đó. Tôi có thể tập trung chú ý vào những gì bạn làm sai, hoặc có thể tìm cách ghi nhớ một khoảnh khắc bạn cố gắng làm đúng. Mặc dù bản ngã khăng khăng rằng bạn không xứng đáng với điều đó nhưng tinh thần hoàn toàn biết rằng bạn xứng đáng. Và thật ra, bản ngã của tôi có một động cơ thầm kín: Khi tìm cách tấn công bạn, nó đang bí mật tìm cách tấn công tôi. Chỉ khi tôi nhớ ra bạn thật sự là ai (một đứa con ngây thơ của Chúa Trời, dù bạn phạm phải lỗi lầm gì đi nữa) thì tôi mới có thể nhớ ra mình thực sự là ai (một đứa con ngây thơ của Chúa Trời, dù tôi phạm phải lỗi lầm gì đi chăng nữa).
A Course in Miracles nói rằng bất cứ nơi nào cảm thấy chuẩn bị có một suy nghĩ công kích người khác, ta nên tưởng tượng có một thanh kiếm lơ lửng trên đầu – và sau đó hãy nhớ rằng bởi chỉ còn lại một người trong chúng ta ở đây, nên thanh kiếm sẽ rơi xuống đầu của chính ta. Một ý tưởng không rời bỏ nguồn cội của nó, do đó tôi nghĩ gì về bạn thế nào, thì tôi cũng đang nghĩ về mình thế đó. Khi tấn công bạn, tôi đang tấn công chính mình. Và khi tha thứ cho bạn, tôi cũng đang tha thứ cho chính mình.
Việc chê trách người khác, dù có thể cho chúng ta một vài phút nhẹ nhõm tạm thời, sẽ luôn trở ngược lại và khiến ta cảm thấy tôi tệ hơn. Nếu tôi tấn công bạn, bạn sẽ tấn công ngược lại tôi – hoặc ít nhất tôi nghĩ bạn sẽ làm vậy. Xét về cách thức hoạt động của ý thức thì không quan trọng ai là kẻ tấn công trước: Người nào tấn công đều sẽ cảm thấy bị tấn công.
Tha thứ giúp chúng ta thoát khỏi vòng quay đau khổ. Nó đưa chúng ta đến các cõi lượng tử vượt không gian và thời gian, nơi những suy nghĩ về cảm giác tội lỗi sẽ không phá hỏng sự ngây thơ của bạn lẫn của tôi. Điều này được tóm tắt trong một câu thơ của nhà thơ Ba tư Rumi: “Vượt ngoài những hình dung về việc làm sai và đúng, có một nơi. Tôi sẽ gặp anh ở đó”. Ở đó, trong không gian của không gì cả, vũ trụ tự chỉnh lý một cách kỳ diệu. Trong sự hiện diện của tình yêu, mọi thứ tự đông trở về trật tự đúng đắn thiêng liêng. Thứ gì bản ngã đã biến thành không hoàn hảo thì sẽ được trở về với sự hoàn hảo thiêng liêng, giải phóng những khả năng chữa lành mà nếu không có nó thì sẽ không tồn tại.
“Tôi xin lỗi.”
“Tôi cũng xin lỗi.”
Đơn giản thế thôi nhưng tốt hơn biết bao nhiêu so với những lời lẽ của bản ngã. Chúng ta thường nói những điều rất khác, những điều mà sau đó nhiều năm vẫn khiến ta phải hối tiếc vì đã trót nói ra.
Ít có thứ gì gây đau đớn về mặt cảm xúc hơn khoảng cách không xác đáng giữa chúng ta với nhau. Bản ngã tạo ra khoảng cách đó thông qua sự phán xét và tấn công. Và tha thứ là khi chúng ta đối đầu với bản ngã, ra lệnh cho nó quay lại hư vô, nơi nó đén. Chúng ta chọn suy nghĩ như Chúa Trời nghĩ, và Chúa Trời không chê trách. Chúa Trời không chê trách vì Người nhìn thấy chúng ta như khi Người tạo ra chúng ta. Chúng ta sẽ bình an và thế giới sẽ bình yên, khi chúng ta học cách nhìn thấy nhau như Chúa Trời thấy. Học cách làm điều này là lý do duy nhất chúng ta ở đây.
Trích: Từ nước mắt đến nụ cười của tác giả Marianne Williamson