Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng hơn 1.000 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống, hàng năm mang lại doanh thu khoảng 600 triệu USD. Tuy nhiên, nguy cơ biến mất của các làng nghề truyền thống trước sức ép của kinh tế thị trường đang ngày càng hiện hữu. Trong đó Làng tranh dân gian Đông Hồ cũng không thể tránh khỏi sức ép này.
Tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh là một dòng tranh dân gian đặc sắc thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do những nghệ nhân làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt.
"Đám cưới chuột" - bức tranh nổi tiếng trong dòng tranh dân gian Đông Hồ
Tồn tài hàng trăm nay năm, tranh dân Đông Hồ mang những nét đẹp tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam. Vẻ đẹp của tranh Đông Hồ được nhà thơ Hoàng Cầm ca ngợi “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”...Thế nhưng cho đến ngày nay, những bức tranh Đông Hồ rất quen thuộc như đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ… gần như biến mất và đang có nguy cơ mai một.
Cách đây 5 năm, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2030”. Việc phê duyệt Đề án này nhằm mục tiêu khẳng định, gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ. Đồng thời xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này.
Đề án sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2014 với kinh phí gần 60 tỉ đồng, gồm: dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ 2,1 tỉ đồng; dự án xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ 50 tỉ đồng; dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp 7,8 tỉ đồng.
Tranh "Đàn lợn âm dương"
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - người xây dựng bộ hồ sơ trình UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cho biết, hiện tại bộ hồ sơ này đang trong giai đoạn hoàn tất, trong tháng 12.2019 hồ sơ sẽ trình ra Hội đồng di sản quốc gia thẩm định, xét duyệt, trước khi hoàn thiện và trình lên Thủ tướng.
“Tuy nhiên, hiện hồ sơ này hiện đang phải xếp hàng chờ, bởi tháng 12 năm nay, UNESCO sẽ bỏ phiếu cho hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái; tháng 12.2020 là Nghệ thuật Xoè Thái và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm; sau đó mới đến tranh dân gian Đông Hồ”, GS.TS Nguyễn Thanh Quang nói.
Vinh hoa - Bức tranh với ý nghĩa tượng trưng cho ước muốn hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử như nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn
Tranh Ðông Hồ có từ thời Lê, xuất xứ từ làng Đông Hồ, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc (cũ). Ngày xưa chợ tranh họp 5 phiên trong tháng duy nhất của năm - tháng chạp vào các ngày 6,11,16,21,26. Vào thế kỷ 16 tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết được có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh.
Thời kỳ cực thịnh, Đông Hồ có đến 17 dòng họ làm tranh, nhưng đến thời điểm hiện tại, làng tranh Đông Hồ chỉ còn hai dòng họ vẫn giữ được nghề truyền thống là dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.
Vì vậy, trước khi được UNESCO công nhận hạng di sản văn hóa thế giới, hơn ai hết các cơ quan quản lý văn hóa cần có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ dòng tranh dân gian quý giá này. Nếu không quan tâm gìn giữ, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, có thể tranh Đông Hồ chỉ được nhìn thấy trong viện bảo tàng.
Tiểu Vũ