"Hãy từ bỏ ngay tư duy khán giả nuôi nghệ sĩ đi"
Mấy ngày qua, bài viết của đạo diễn Bùi Quốc Bảo về việc "Khán giả không nuôi nghệ sĩ" và "nghệ sĩ không cần tri ân khán giả" nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đồng tình, ủng hộ quan điểm này; cũng có người chê bai "ném đá".
"Nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp thì phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ân khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy? Nghệ sĩ không lao động nghệ thuật sao?
Thù lao của nghệ sĩ là đánh đổi bằng sức lao động, bằng tập luyện, diễn xuất, dàn dựng, nặn óc moi tim ra viết... chứ phải chi nghệ sĩ ở không mà được xã hội phát lương thì mới được gọi là được nuôi", nam đạo diễn viết.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng cho rằng nên "từ bỏ tư duy khán giả nuôi nghệ sĩ". Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang, trong mối quan hệ của nghệ sĩ - khán giả, không có ai nuôi ai cả. Tất cả đều đánh đổi lao động của mình để kiếm sống. Bản thân anh và nhiều nghệ sĩ khác thậm chí không cần làm nghề vẫn có thể sống thoải mái, làm giàu bằng những nghề khác.
"…Người nghệ sĩ cũng cần khán giả đến xem nhưng không cần khán giả nuôi họ. Nghệ thuật phải bỏ sức lao động ra mới có nên khán giả cũng phải bỏ sức lao động ra thì mới có tiền mua vé vào xem nghệ sĩ trình diễn.
Để rồi người nghệ sĩ có tiền ngày mai lại ra chợ mua gạo của người khán giả bán. Vậy thì cuối cùng ai nuôi ai?
Không ai nuôi ai cả. Trong cuộc sống nếu chúng ta cần nhau thì chúng ta phải nương tựa nhau, còn nếu chúng ta không cần nhau thì đâu cần phải hỗ trợ gì nhau nữa…", anh bày tỏ.
Không được nói "không cần khán giả"
Trước những ý kiến trái chiều về vấn đề "khán giả có nuôi nghệ sĩ không", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại đưa ra góc nhìn khác. Trao đổi với phóng viên Dân trí, tác giả "Nhật ký của mẹ" nói anh đã nói rõ trong bài viết của mình.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nghệ sĩ - khán giả là mối quan hệ tình cảm, chứ không đơn thuần là người bán - kẻ mua. Anh cho rằng, mọi thứ xuất phát từ tình cảm, kèm theo hành động có thể gọi là "nuôi". Với khán giả, từ "nuôi" có thể là "dùng sự yêu thương của mình, thời gian của mình để ủng hộ cho đời sống của nghệ sĩ", từ đó giúp nghệ sĩ thu nhập tốt, tăng cát-sê…
Anh cũng nhấn mạnh, nếu nghệ sĩ sai, khán giả có quyền bênh vực, có quyền phê phán, chê bai hoặc thậm chí tẩy chay, vì đó là quyền của họ. Khán giả sai, nghệ sĩ có quyền buồn bực, lên tiếng, trách móc, giận dỗi một số người nhưng tuyệt đối không được nói câu "không cần khán giả" vì câu đó xúc phạm những khán giả không sai và đang yêu quý mình.
"Khán giả không nuôi nghệ sĩ trực tiếp như cha mẹ, nhưng nuôi nghệ sĩ gián tiếp bằng tình cảm và tâm sức của mình... Nghệ sĩ sai khán giả có quyền tẩy chay, khán giả sai nghệ sĩ có quyền lên tiếng trách móc nhưng không được nói "không cần khán giả", Nguyễn Văn Chung khẳng định.
Ngoài nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca sĩ Hoàng Nguyên Vũ cũng có những suy nghĩ và quan điểm riêng của mình.
"Vũ xin cảm ơn tất cả các khán giả thân thương. Vũ làm nghệ thuật bằng sự yêu thích và đam mê với nghề nhưng người đã chắp cánh cho ước mơ trở thành nghệ sĩ được bay cao đó chính là công chúng. Chính sự yêu mến của khán giả đã nuôi dưỡng cái tên Nguyên Vũ hằng ngày, hằng giờ và cũng là nguồn động lực to lớn khiến cho tôi hãnh diện, tự hào với cái nghề của mình", nam ca sĩ bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Phạm Phương Thảo cho rằng mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ là "cùng cần nhau, nuôi nhau". Theo nữ ca sĩ, không nên đặt mối quan hệ "nuôi" ở khía cạnh vật chất, điều đó rất nhạy cảm và làm người khác tổn thương.
"Tôi nghĩ giữa nghệ sĩ và khán giả là mối quan hệ gắn bó, mật thiết không thể tách rời. Sự ủng hộ của khán giả giúp nghệ sĩ thăng hoa, yêu nghề, thêm động lực cống hiến với nghề. Còn về nghệ sĩ cũng đem đến giá trị tinh thần, vun đắp tâm hồn… Tôi nghĩ không nên đặt ra vấn đề "khán giả nuôi hay không nuôi nghệ sĩ". Mọi chuyện nên chấm dứt ở đây, những tranh cãi chỉ khiến mọi chuyện bị đẩy đi xa hơn, nghệ sĩ và khán giả cùng bị tổn thương…", nữ ca sĩ bộc bạch.
Nguyễn Hằng