Thử nhìn lại, cách xếp đặt trật tự xã hội này để thấy được mức độ nhìn nhận của công chúng Nam Bộ là có cơ sở.
"Thứ Hai" trong gia đình Nam Bộ là lớn nhất, như con trưởng trong xã hội miền Bắc. Chỉ cần nghe gọi “anh Hai”, người ta đủ biết uy lực của người này trong gia đình. Anh Hai còn được mệnh danh là người có tiền, quyền. Nhưng trong xã hội, tầng lớp thứ Hai này còn được gọi bằng một cụm từ đề cao hơn là “thầy Hai”. Thầy Hai là để chỉ dân thầy chú, dân có học, dân có uy lực trí tuệ và tài chính ở mức độ mà thiên hạ phải nể phục tôn xưng bằng “thầy”. Vậy là hết cỡ!
Đám giang hồ hay tù nhân ngày trước thấy ai mà cộng đồng gọi là “thầy Hai”, dù người này bị bắt vô khám thì bọn họ cũng không cần phải thử kiểm tra năng lực sức mạnh để thần phục, mà họ đã tỏ rõ sự thần phục ngay trong cách gọi.
"Thứ Ba" trong thứ và thế được dùng để chỉ những người “Hoa xì thẩu” với danh xưng “anh Ba”, tức anh Ba Tàu. Anh Ba tuy có thể không hẳn được mọi người trọng kính, nhưng chắc chắn anh Ba cũng là một thế lực đáng nể. "Anh Ba" có thể không có quyền, nhưng có tiền; mà có tiền trong xã hội kim tiền thì cũng như có quyền bởi đồng tiền là một thế lực ngầm trong xã hội.
"Thứ Tư" được dùng để chỉ dân giang hồ, dân “anh chị”. Anh Tư giang hồ “bốn biển đều là anh em”; tuy không được chính quyền nhìn nhận nhưng vẫn được “ngán nể” trong xã hội, bởi anh Tư được đám em út tôn vinh, sẵn sàng thừa lệnh anh Tư nếu anh Tư muốn. Như vậy, anh Tư cũng là người có “máu mặt” mà thiên hạ cũng ngầm ngán ngại, kiêng cữ đụng chạm.
"Thứ Năm" được dân gian gọi là Năm Cà Nhỏng. Cà nhỏng được hiểu là dân lang thang, tối ngày không làm gì, chỉ biết ăn nhậu, quậy phá. Anh Năm, tuy không được xã hội đề cao, cũng không nhiều người ngán ngại, thậm chí họ còn coi khinh, nhưng anh Năm cũng là một hạng người mà xã hội ngại đụng chạm. Đây là một hạng người cũng có tiền, vì không có tiền thì lấy gì ăn nhậu tối ngày sáng đêm. Lại nữa, nếu dây dưa với mấy anh chị ăn nhậu thì cũng chẳng được lợi gì, tối đa cũng chỉ nhận được lời xin lỗi của họ vì “xỉn quá” không nhớ và không biết mình đã làm gì, rồi cùng huề là xong. Chính quyền cũng thu xếp hòa giải.
"Thứ Sáu" là dân có súng. Dân này cũng không phải là quan chức gì, nhưng có súng, không biết nó có được phép mang súng hay không nhưng rủi nó có thể bắn bậy, “nhắm cẳng trúng đầu” thì thiệt thân mình. Anh Sáu, ngày trước còn được gán ghép cho cảnh sát, bởi dù gì hắn cũng có côn (colt), súng lục - súng sáu (hộp đạn có 6 viên). Đụng chạm với anh Sáu cũng mệt bởi ảnh nổi xung bắn bậy thì tiêu mạng mình.
"Thứ Bảy" chỉ anh Bảy Chà. Chà ở đây là dân chà và, dân da đen, có thể là người Ấn, hoặc người gốc Phi nào đó. Nôm na là người có màu da đen, mà dân Nam Bộ nếu không gọi họ là dân Chà Và, thì cũng dân Mã Tà, dân ngoại lai. Họ tuy không hơn gì ta nhưng dẫu sao anh Bảy cũng còn có chút ít tiền cho vay, hơn mình thường túng thiếu. Đôi khi, người ta cũng phải nhờ ảnh, nên lòng dặn lòng: cũng đừng dại gì đụng tới anh Bảy.
"Thứ Tám" là dân lao động. Thứ này thấp nhất trong hệ thống thứ thế xã hội, nên không được gọi là anh, mà chỉ là thằng. Thằng Tám vào lính thì cũng là "lính Tám", thế thôi. Đôi khi ai đó nhỡ miệng gọi bằng “anh Tám” cũng chỉ để xã giao, lịch sự. Dân thợ thuyền biết mình được xếp thứ Tám thì cũng tự dặn lòng, khi có chuyện gì xích mích với ai, nói chung là thầy (thầy Hai) hoặc các anh (anh Ba cho tới anh Bảy) thì mình đã không hơn họ, nên thường bảo nhau “bỏ qua đi Tám”. Ngày trước có một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, dân gian rêu rao động viên thằng Tám, hát nghêu ngao trên đường như vầy: “Sức mấy mà buồn! Buồn ơi…, bỏ đi Tám...”.
Nhắc lại chuyện thế thứ để thấy người Nam Bộ họ quả trải đời! Bài học tự xác định thành phần của ai đó để mà xưng gọi; tránh gây mất lòng, âu cũng có lợi cho mình hơn trong cuộc sống với nhiều va chạm đòi hỏi phải có sự ứng xử khôn khéo.