Tháng 9/2020, fanpage của kênh truyền hình nổi tiếng Mỹ - National Geographic, đã đăng tải tấm ảnh chụp chung cư Nguyễn Huệ cùng lời bình: "Tại TPHCM của Việt Nam, một tòa chung cư cũ 9 tầng được gọi là tòa nhà cà phê. Nơi tập trung quán cà phê, nhà hàng và không gian làm việc chung. Nó thật sự thú vị!".
Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự quan tâm của hàng triệu du khách. Bởi bên cạnh nét hoài cổ thời gian, người Việt Nam đã sáng tạo biến khu chung cư thành "thiên đường" quán xá và ánh sáng.
Theo đó, bức ảnh trên là của nhiếp ảnh gia Samsara Tran, nằm trong seri "Coffee Stories". "Thật hài hước và thú vị khi bạn có thể dành cả ngày chỉ để khám phá nơi này", Samsara Tran trầm trồ.
Ngày nay, chung cư Nguyễn Huệ đã trở thành một phần biểu trưng cho TPHCM, nhất là thời điểm ban đêm khi quán mở đèn rực rỡ. Thế nhưng, chuyện đời được kể bởi những cư dân còn trụ lại bên trong chung cư còn khiến nó đặc biệt hơn bao giờ hết.
Theo đó, năm 1960, người Pháp bắt đầu cho xây dựng một chung cư tại số 42 đại lộ Charner - nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ, làm chỗ sinh hoạt của các sĩ quan cấp cao. Với 9 tầng, khu chung cư này từng là tòa nhà cao nhất trên trục đường trên.
Một vài cư dân sinh sống tại đây chia sẻ, toàn bộ chung cư chia làm 3 phần. Trong đó, những căn hộ đầu tiên có diện tích lớn hơn 100m2, hướng ra mặt đường Nguyễn Huệ, thường thuộc về các sĩ quan cấp cao và công nhân Ba Son. Tiếp theo, các căn hộ diện tích nhỏ hơn là nhà của các cấp thấp hơn.
"Còn lại căn hộ như cô, diện tích 9m2, xưa là chỗ ở của người bồi (nhân viên dọn dẹp, lái xe…- PV) nằm cạnh chủ để dễ dàng phục vụ. Vì vậy, chúng thường có diện tích rất nhỏ", bà Thảo (58 tuổi, cư dân chung cư) chia sẻ.
Theo bà Thảo, mặc dù hiện nay đã xuống cấp, thế nhưng, độ an toàn của chung cư vẫn rất cao do người Pháp chính tay xây dựng. Trong đó, trong suốt gần 30 năm, bà Thảo cho biết chung cư chỉ có vài trận hỏa hoạn nhỏ lẻ. Người dân chưa bao giờ lo lắng vì kết cấu thông thoáng, hướng ra nhiều mặt đường giúp cứu hộ luôn sẵn sàng đến tận nơi.
"Toàn bộ diện tích thiết kế theo hình chữ U nên các khu nằm riêng biệt nhau, nhà nào cũng có hành lang lớn, thông thoáng. Ngoài ra, gạch và tường nhà chắc chắn đến mức nhà cô không thể đóng đinh, chỉ dùng khoan…", bà Thảo nói.
Hiện nay, nằm trên vùng đất "kim cương" của thành phố nên mỗi căn hộ ở 42 Nguyễn Huệ có giá trị rất cao. Các căn hộ có vị trí đẹp thường có mức giá từ 100 triệu lên đến gần một tỷ đồng cho mỗi mét vuông.
"Các căn lô B diện tích 39m2 cũng 3-4 tỷ. Còn nhà cô hiện nay cũng đang định giá 2 tỷ đồng cho 9m2", bà Thảo nói.
"Nước lọc, nước ngọt, nước cam đồng giá 10k", chiếc biển hiệu xinh xắn nằm gọn trước khung cửa sổ của một căn nhà tầng 9 khiến ai nấy đi ngang đều tò mò. Bởi lẽ ở tầng cao nhất, quán xá tập trung đông đúc, lại lọt thỏm một tiệm tạp hóa nhỏ xinh.
Thấy khách thắc mắc, bà chủ nhẹ nhàng kể: "Cô về hưu, mở ra ở đây để tụi trẻ con trong xóm chiều đi học về có cái ăn vặt…". Ấy vậy, tiệm tạp hóa được hình thành chỉ để đáp ứng 2 lý do. Thứ nhất, làm thú vui tuổi già cho bà chủ. Thứ hai, tạo niềm vui cho trẻ con và là chỗ tụ họp mỗi chiều cho người già chung cư thích hóng gió trời.
Bà chủ tạp hóa chia sẻ, mặc dù cư dân gốc đã chuyển đi hoặc cho thuê gần hết các căn hộ, thế nhưng, tình làng nghĩa xóm ở đây vẫn chưa bao giờ thay đổi. 26 hộ gia đình gốc còn lại vẫn luôn xem nhau là gia đình, người thân.
"Mọi người ai nấy đều sống chan hòa, yên bình lắm! Tết vẫn sang nhà chúc Tết, buổi chiều các dì xung quanh dẫn cháu lên nhà cô chơi, người già nào cần là giúp đỡ ngay… Thậm chí có hôm vài đứa trẻ ở tận Tân Phú sang, xin cô chén cơm, cô vẫn cho để tụi nhỏ chia nhau ăn. Đó là nếp sống đặc biệt của cư dân chung cư Nguyễn Huệ", bà chủ tiệm tạp hóa nói.
Nói về cái tình nghĩa xóm làng của 42 Nguyễn Huệ, bà Thảo cũng kể thêm, thời điểm vài chục năm trước khi chung cư chưa có thang máy, người dân phải leo bộ, xách nước lên nhà để sinh hoạt.
Sau này, chung cư xây dựng thang máy nhưng liên tục bị hư hỏng, đợi bảo hành rất lâu. Cuối cùng, có một cư dân đã sẵn sàng chi 1 tỷ đồng để tạo thang máy cho bà con đi lại miễn phí. Riêng du khách phải đóng phí nhằm bảo trì và có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài sản chung.
"Vào ngày lễ Tết thì người dân đều có quà. Đám ma mỗi người góp tiền chung đến chia buồn. Còn 26 hộ dân nên tình làng nghĩa xóm lắm. Riêng cô chưa bao giờ muốn đi…", bà Thảo kể.
2 năm hành nghề phục vụ trong quán cà phê ở tầng 8, anh Nguyễn Trí Cường (23 tuổi) không đếm được bao nhiêu lần được cư dân 42 Nguyễn Huệ giúp đỡ. "Nhiều cô chú sẵn sàng cho đồ ăn, Tết rủ ăn cơm chung. Thậm chí khi ống nước chảy, đường điện hư… cô chú liền báo tin và kêu thợ đến sửa ngay. Nếp sống mọi người ở nơi đây thân thiện và chan hòa", Cường kể.
Nói không ngoa khi chung cư Nguyễn Huệ được ví là "thiên đường" cà phê. Bởi nơi đây có hàng chục quán cà phê nằm san sát nhau từ tầng 2 đến 9. Không chỉ thế, ở 42 Nguyễn Huệ còn rất nhiều dịch vụ khác như homestay, nhà hàng, xăm, lớp học làm đồ handmade…
Ban ngày, chung cư hiện ra với nét cổ kính vốn có của mình, thu hút mọi người tìm đến khám phá. Mỗi khi đêm xuống, đồng loạt cửa hàng bật đèn sáng loáng biến chung cư thành nàng thơ kiêu sa, kiều diễm hơn bao giờ hết. Những ô vuông đồng nhất hướng ra mặt tiền phố đi bộ khiến 42 Nguyễn Huệ bỗng trở thành "khối rubik sắc màu" đặc biệt nhất ở Sài Gòn.
Chỉ trong thời gian ngắn quan sát, tôi đã chứng khiến vô vàn đoàn khách du lịch phải dừng lại, trầm trồ trước vẻ đẹp của căn chung cư cũ. Các hướng dẫn viên du lịch cũng cho đây là địa điểm không thể thiếu trong phần giới thiệu về Sài Gòn dành cho người nước ngoài.
Vừa cùng bạn chụp vài tấm hình check-in, Key (du khách Thái Lan) vừa chia sẻ: "Tôi thích nét cổ kính của 42 Nguyễn Huệ, bởi nó cổ kính, gần như hoàn toàn khác biệt với sự hiện đại, năng động của Sài Gòn…".
Đỗ Thị Tuyết Trinh (23 tuổi) cho biết bản thân đã làm việc ở tòa nhà xưa cũ này hơn 2 năm nên rất quen thuộc với nơi này. Hiện nay, dù đã chuyển công tác, nhưng có cơ hội cô gái trẻ vẫn quay lại lưu giữ những tấm hình kỷ niệm.
"Nguyễn Huệ là một phần quen thuộc của tụi em ở Sài Gòn. Nó vừa cổ kính, vừa hiện đại, mọi mái nhà, góc ban công đều nên thơ, riêng biệt…", Trinh tâm sự.
Với sự độc đáo và tiện lợi của mình, hiện nay địa chỉ 42 Nguyễn Huệ luôn là nơi thu hút du khách. Không chỉ riêng người Sài Gòn mà ngay cả bạn bè quốc tế, đây đã là một phần biểu trưng cho thành phố năng động này.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Trần Đạt
Thiết kế: Đỗ Diệp