Điều này có thể được kiểm chứng thông qua tài liệu lưu trữ điện ảnh - thời trang: từ Brigitte Bardot trong trang phục Balmain khi đóng phim And God Created Woman của đạo diễn Roger Vadim, đến Milla Jovovich trong trang phục Jean Paul Gaultier khi đóng phim The Fifth Element của đạo diễn Luc Besson.
Thời trang và điện ảnh gắn bó chặt chẽ với nhau trong thế kỷ qua, với các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ màn bạc và các đạo diễn nỗ lực hết sức để bảo đảm các bộ trang phục hoàn hảo cho các nhân vật của họ. Liệu Holly Golightly (nhân vật chính trong phim Breakfast at Tiffany’s do Audrey Hepburn đóng) có trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng nếu không có những thiết kế tinh xảo của Hubert de Givenchy?
Chuyện gì sẽ xảy ra cho phim And God Created Woman nếu không có thời trang Balmain hoặc phim Barbarella sẽ như thế nào nếu không có thời trang Paco Rabanne? Dưới đây là 10 sự hợp tác giữa nhà thiết kế và đạo diễn tuyệt vời nhất của mọi thời đại.
Thời trang Givenchy trong phim Breakfast at Tiffany’s
Một chiếc đầm cocktail với mũ rộng vành, áo choàng len màu cam hai hàng khuy với giày gót thấp, áo choàng màu be phối hợp với khăn trùm đầu - không có gì ngạc nhiên khi Breakfast at Tiffany’s của đạo diễn Blake Edward vẫn là bộ phim được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến thời trang.
Chính Hubert de Givenchy là người đã làm trang phục cho diễn viên Audrey Hepburn trong phim. Họ gặp nhau trong quá trình sản xuất bộ phim Sabrina năm 1954, và tiếp tục hợp tác trong phim Funny Face năm 1957, Love in the After Afternoon năm 1957, Charade năm 1963, Paris When it Sizzles năm 1964, How to Steal a Million năm 1966 và Love Among Thieves năm 1987. Áo đầm đen tôn vóc dáng của Holly Golightly vẫn là bộ cánh nổi tiếng nhất của Givenchy khi nó giành được 467.200 bảng Anh tại cuộc bán bán đấu giá năm 2006.
Audrey Hepburn đóng vai Holly Golightly trong phim Breakfast at Tiffany’s
Thời trang Dior trong phim Stage Fright
Trong số những bộ phim của đạo diễn Alfred Hitchcock có một số bộ phim hợp thời trang nhất trong lịch sử. Ví dụ như bộ suit màu xanh bạc hà của nữ diễn viên Tippi Hedren trong phim The Birds, đầm dự tiệc màu đen của nữ diễn viên Kim Novak trong phim Vertigo và những chiếc đầm của nữ diễn viên Grace Kelly trong phim To Catch a Thief. Edith Head là nhà thiết kế trang phục huyền thoại và 8 lần giành giải Oscar thiết kế trang phục đẹp nhất cho các nữ diễn viên chính.
Nữ diễn viên Marlene Dietrich đóng phim Stage Fright năm 1950 đã đánh dấu một bước ngoặt. “Không có Dior, thì không có Dietrich”, nữ diễn viên người Đức đã nói với các nhà sản xuất, vì thế, Hitchcock đã thuê nhà thiết kế sáng tạo trang phục cho cô. Đó là những bộ suit bó sát eo, đầm dạ hội bằng tulle và lông - rất lý tưởng cho một phụ nữ đóng vai ca sĩ, người bị buộc tội về một tội ác ghê rợn.
Marlene Dietrich đóng vai Charlotte Inwood trong phim Stage Fright
Thời trang Balmain trong phim And God Created Woman
Phim tình cảm tâm lý của đạo diễn Roger Vadim đã biến cô vợ lúc bấy giờ của ông là Brigitte Bardot trở thành một ngôi sao chỉ sau một đêm khi chiếu cảnh cô ấy đi thơ thẩn ở vùng French Riviera đầy nắng để tìm kiếm những người cầu hôn tiềm năng. Bardot đóng vai Juliette, một cô gái trẻ có ham muốn tình dục và thiếu sự kiềm chế, làm rung chuyển một làng chài yên tĩnh.
Với hình ảnh đẹp hút hồn và quan điểm tình dục gây tranh cãi, bộ phim đã gây xôn xao khi phát hành vào năm 1956, nhưng Bardot vẫn là sự thu hút chính của bộ phim. Thường xuyên đi chân đất, đôi môi dày và mái tóc rối, cô mặc đầm sơ mi bằng linen, áo cổ thuyền và chân váy bút chì do Pierre Balmain thiết kế. Pierre Balmain cũng đưa thương hiệu mang đậm nét riêng của ông về sự quyến rũ kín đáo cho bộ phim tiếp theo của Bardot, bộ phim hài năm 1957 La Parisienne.
Brigitte Bardot đóng vai Juliete Hardy trong phim And God Created Woman
Thời trang Chanel trong phim Last Year at Marienbad
Bộ phim giành giải Sư tử vàng của đạo diễn Alain Resnais là một tác phẩm xác định rõ ràng về phong trào Làn sóng mới của Pháp. Bộ phim tập trung vào một cặp đôi bí ẩn do Delphine Seyrig và Giorgio Albertazzi thủ vai, họ gặp nhau tại một khách sạn kiểu baroque. Tủ quần áo thanh lịch của Seyrig, gồm những chiếc đầm ngắn màu đen, đầm dạ hội dài bằng chiffon và áo choàng viền lông, do Coco Chanel thực hiện. Nhà thiết kế không xa lạ gì với việc may trang phục, dành phần lớn thời gian trong những năm 1930 ở Hollywood để chăm lo trang phục cho Gloria Swanson và Ina Claire, nhưng năm 1961 đánh dấu sự trở lại của bà với màn ảnh rộng và kết quả thật ngoạn mục.
Người kế vị Coco Chanel, nhà thiết kế quá cố Karl Lagerfeld cũng dành nhiều lời khen cho bộ phim, đáng nhớ nhất là trong chương trình thời trang mùa xuân hè năm 2011 do ông sáng tạo, nơi các người mẫu bước quanh một bản sao của khu vườn trong phim Last Year at Marienbad.
Delphine Seyrig trong phim Last Year at Marienbad
Thời trang Paco Rabanne trong phim Barbarella
Nhiều thiết kế trong số các thiết kế thời đại vũ trụ của Paco Rabanne trở nên bất tử trên phim - trong đó có chiếc đầm lấp lánh của Audrey Hepburn trong phim hài Two for the Road năm 1967 - nhưng những bộ trang phục trong môi trường không trọng lực trong phim Barbarella của đạo diễn Roger Vadim năm 1968 cho đến nay vẫn chưa ai có thể vượt qua vì tài sáng tạo không giới hạn. Nữ diễn viên Jane Fonda đóng vai nhà thám hiểm không gian làm nhiệm vụ ngăn chặn một nhà khoa học độc ác phá hủy thiên hà. Thời trang trong phim rất hấp dẫn: áo giáp hai mảnh, bộ đồ ôm lấy vóc dáng nạm đinh, đôi bốt plastic cao đến đùi và kiểu tóc phồng hợp khuynh hướng.
Jane Fonda trong phim Barbarella
Thời trang Rodarte trong phim Black Swan
Nữ diễn viên chính đoạt giải Oscar trong phim Black Swan Natalie Portman người đã giới thiệu đạo diễn Darren Aronofsky với Kate và Laura Mulleavy, hai chị em sáng lập nhãn hàng thời trang Rodarte. Trong khi nhà thiết kế trang phục Amy Westcott (người trước đây làm việc với Aronofsky trong phim The Wrestler) sáng tạo hầu hết trang phục trong phim, cô đã hợp tác với hai chị em thiết kế một vài bộ váy xòe (váy của diễn viên múa ba lê) cầu kỳ, trong đó có những bộ váy xòe đính lông chim mà Portman mặc lên sân khấu trong cảnh cuối cùng. Các nhà thiết kế đã tham khảo mọi thứ, từ tủ quần áo hằng ngày của các diễn viên múa trong Nhà hát Ba lê Mỹ cho đến các bộ phim như The Double Life of Veronique và The Piano Teacher.
Natalie Portman đóng vai Nina Sayers trong phim Black Swan
Thời trang Giorgio Armani trong phim American Gigolo
Hình ảnh nam diễn viên Richard Gere hút thuốc lá trong chiếc áo choàng màu nâu nhạt trong phim American Gigolo đã định nghĩa tính thẩm mỹ tinh tế của Giorgio Armani. Khi nhà thiết kế người Ý nhận được điện thoại để sáng tạo những bộ suit văn phòng cho bộ phim năm 1980 của đạo diễn Paul Schrader về người hộ tống Julian Kaye do Richard Gere đóng, anh vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự nghiệp.
Trang phục hoàn hảo của Kaye đã tạo sự chú ý trong ngành công nghiệp thời trang và sự nghiệp của Armani được biết đến rộng rãi hơn. Nó cũng châm ngòi cho chuyện tình trọn đời của nhà thiết kế với màn bạc. Kể từ đó, ông chăm lo trang phục cho phim The Untouchables, nam diễn viên Christian Bale trong The Dark Knight, nam diễn viên Brad Pitt trong Inglourious Basterds và nam diễn viên Leonardo DiCaprio trong The Wolf of Wall Street.
Richard Gere đóng vai Julian trong phim American Gigolo
Thời trang Prada trong phim Romeo and Juliet
Sự tái hiện những tình nhân có số phận bất hạnh của Shakespeare của đạo diễn Baz Luhrmann năm 1996 cho thấy câu chuyện được chuyển đến một vùng ngoại ô hiện đại của Mỹ với bạo lực súng đạn và những gia đình mafia xung đột. Để lo trang phục cho các nhân vật khác nhau của Luhrmann, nhà thiết kế trang phục Kym Barrett đã chọn áo sơ mi Hawaii sặc sỡ, áo khoác da và đầm dạ hội sequin. Dolce & Gabbana đã may trang phục cho dòng họ Capulet nhưng với nhân vật Romeo do Leonardo DiCaprio thủ vai, chỉ có Prada mới có thể thực hiện: bộ suit mặc đám cưới màu xanh đậm của anh là bộ quần áo đầu tiên mà đạo diễn và nhà thiết kế bắt tay hợp tác. 17 năm sau, Luhrmann, Prada và DiCaprio tái hợp trong phim The Great Gatsby.
Leonardo Di Caprio và Claire Danes trong phim Romeo and Juliet
Thời trang Jean Paul Gaultier trong phim The Fifth Element
Nhà thiết kế Pháp nổi tiếng vì tính thẳng thắn Jean Paul Gaultier đã làm việc với Pedro Almodóvar để thiết kế trang phục cho phim Bad Education và The Skin I Live In, nhưng những bộ quần áo mà ông được nhớ đến nhiều nhất là những bộ trang phục trong phim khoa học viễn tưởng The Fifth Element năm 1997 của đạo diễn Luc Besson.
Bộ đồ bó sát của Milla Jovovich, áo vest cao su của Bruce Willis, áo satin đính hoa hồng của Chris Tucker và bộ đồ siêu phản diện màu cam của Gary Oldman, thật là khó để chọn bộ trang phục ưa thích. Con mắt tinh tường của Gaultier thể hiện qua từng chi tiết: trang phục của những cô gái McDonald’s trông giống như phim hoạt hình hoặc nữ ca sĩ Plavalaguna bí ẩn. Những bộ đồ này của ông đã truyền cảm hứng cho trang phục Halloween hết năm này sang năm kia.
Milla Jovovich đóng vai Leeloo trong phim The Fifth Element
Thời trang John Galliano trong phim Atomic Blonde
Nữ diễn viên Charlize Theron đóng vai đặc vụ MI6 theo dõi các điệp viên hai mang ngay trước thềm bức tường Berlin sụp đổ trong phim hành động năm 2017 của đạo diễn David Leitch. Sử dụng những bức ảnh của Helmut Newton làm điểm tham chiếu, nhà thiết kế trang phục Cindy Evans đã chọn chất liệu cho những bộ suit sắc sảo, váy đơn sắc và những bộ quần áo lấy cảm hứng từ những năm 1980 từ một số nhà thời trang nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp thời trang.
Dior cho cô mượn chiếc áo khoác đỏ từ kho lưu trữ của họ, Burberry cung cấp áo choàng và Saint Laurent là một đôi bốt cao đến mắt cá chân. Nhưng đâu là món đồ tạo ra tác động lớn nhất? Đó chính là chiếc áo choàng trắng có độ bóng cao mà Theron mặc trong một trong những cảnh đầu tiên, được John Galliano thiết kế đặc biệt cho phim.
Charlize Theron trong phim Atomic Blonde
Mê Linh - Ảnh: Internet