Chấn động bởi tính chất khủng khiếp vượt ngoài mọi trí tưởng tượng của nhiều người khi đã ở thế kỷ XXI “hậu hiện đại” này nhưng lại vẫn còn những con người bị buôn bán làm “nô lệ”, không phải trên những chiếc tàu như ở thế kỷ XVII – XVIII, mà ở trong những thùng container đông lạnh ở nhiệt độ âm 25 độ. Chấn động bởi số phận của những con người đáng thương ấy còn thê thảm hơn những nhân vật trong thời chiến của tiểu thuyết “Bản du ca cuối cùng” của nhà văn Enrich Maria Remarque.
Vì sao trong thời kỳ này mà lại vẫn còn những người liều mạng vượt biên bằng những con đường mạo hiểm nhất, chết chóc nhất để đi tìm một tương lai “nô lệ thời hiện đại”? Vì sao họ lại bỏ cả gia sản, cầm cố nhà cửa, vay mượn tứ bề để có tiền cống nạp cho bọn buôn lậu con người với hy vọng mơ hồ về những cuộc đổi đời? Vì sao ở thời đại thông tin toàn cầu này mà vẫn có những cư dân thiếu hiểu biết, kém thông tin đến thế về nạn buôn người, chăn dắt lao động?
Nhiều người tuy thương xót nhưng cũng trách những người nhập cư lậu là “ngu dại”, “ôm mộng làm giàu”. Nhưng cần phải biết rằng xu thế di dân, nhập cư của những cư dân thuộc vùng đói nghèo đến những “vùng đất hứa” là xu hướng chung của quốc gia, quốc tế bao lâu nay. Cái đói tuy đã được đẩy lùi về cơ bản trên toàn cầu, nhưng cái nghèo, nghèo tuyệt đối hay nghèo tương đối, vẫn còn đầy ở những nước “đang phát triển” như nước ta.
Cũng khó có thể trách những nạn nhân của vụ thảm họa buôn người ở nước Anh vừa qua bởi có những làng như làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh hà Tĩnh, được cho là “giàu nhất nước” vì có nhiều người đi nước ngoài lao động. Ngay như thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã viết về thảm họa vừa xảy ra: “Cả đất nước và đúng là cả thế giới bị sốc bởi thảm kịch và sự tàn khốc của số phận những người vô tội đã phải chịu đựng khi họ đang hy vọng về một cuộc sống tốt hơn tại đất nước này”.
Thực ra, đó là “những cái chết đã được báo trước” khi mà nước Anh hay các nước châu Âu khác không lạ gì với phương cách mà bọn buôn người đã đưa người nhập cư vào đất nước họ qua những thùng xe thường chỉ chuyên chở những khối thịt đông lạnh. Hàng ngàn người châu Á đã được đưa đi bằng phương cách này và đã có những thảm kịch tương tự xảy ra trước đó. Thậm chí, các “thảm kịch và sự tàn khốc” của phương thức buôn người này đã được đưa cả lên phim ảnh, như bộ phim Người vận chuyển khá nổi tiếng.
Việc những người di dân mạo hiểm chui vào các thùng container đông lạnh có thể nói phần nào là hệ quả của các “biện pháp cảnh sát” cấm nhập cư nghiêm ngặt của các nước phát triển ở châu Âu. Nó cũng cho thấy sự thờ ơ trong việc bảo hộ công dân của những nước có các di dân nhập cư lậu. Như báo Vietnamnet đưa tin, chủ tịch xã Thiên Lộc huyện Can Lộc tỉnh Nghệ An cho biết, toàn xã có đến 704 người đi lao động ở châu Âu nhưng phần lớn không khai báo nên không biết có bao nhiêu người đi theo con đường trái phép.
Rõ ràng là việc các lao động nhập cư chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận làm “nô lệ thời hiện đại” để đổi lấy “cuộc sống tốt hơn” cho thấy nhu cầu lao động giá rẻ vẫn có ở các nước phát triển như nước Anh. Vì sao các bộ, ngành, chính quyền, chính phủ nước ta không nghĩ đến việc hợp tác, ký kết, tổ chức cung ứng nhu cầu này một cách hợp pháp thay vì để họ ra đi một cách mạo hiểm, mù quáng đến thế?
Vì sao mãi đến khi đã xảy ra những thảm họa, thảm kịch rồi ta mới bắt đầu áp dụng các “biện pháp cảnh sát” điều tra tìm bắt những đường dây buôn người? Vì sao ngay cả khi đã xảy ra thảm họa rồi mà chúng ta vẫn chưa nghĩ đến việc nghiên cứu điều tra xã hội học xem nguyên nhân nào dẫn tới việc vượt biên nhập cư trái phép và biện pháp nào để giảm thiểu, chấm dứt các sự việc đau lòng này, bởi đó chính là những biện pháp “bảo hộ công dân” tốt nhất và cũng là những biện pháp để gìn giữ thể diện quốc gia.
“Tha hương là cay đắng”, như Carl Jung đã nói, và còn hơn thế nữa, tha hương bây giờ còn có thể là thảm họa, chết chóc, tang thương...
Đoàn Đạt