Rạng sáng ngày 28.8 (giờ địa phương), thi thể của Aretha Franklin đã được đưa đến bảo tàng Lịch sử người Mỹ gốc Phi Charles H. Wright tại quê nhà của bà, thành phố Detroit thuộc tiểu bang Michigan, trên chiếc xe hơi LaSalle cổ điển màu trắng. Hàng trăm người hâm mộ đã chờ suốt đêm ở hai bên vỉa hè để chào đón sự trở về của Nữ hoàng nhạc Soul.
Đặc biệt, thi thể của Aretha diện một chiếc đầm đỏ và mang một đôi giầy cao gót tệp màu hiệu Christian Louboutins. Phục sức cũng vừa được chế tác riêng cho đám tang. Mục đích của việc này là bày tỏ sự tôn trọng của Aretha đến tổ chức Delta Sigma Theta chuyên đấu tranh cho quyền lợi của người Mỹ gốc Phi thuộc đại học Howard, nơi bà là thành viên, đồng thời ám chỉ đây là một buổi trình diễn của người nghệ sĩ quá cố trên đoạn đường đến thiên đàng.
Gwendolyn Quinn, quản lý truyền thông lâu năm của Aretha Franklin, cho biết tấm ảnh này được chụp và công bố bởi gia đình của Aretha do họ muốn có “một tấm ảnh cận cảnh và trung thực để chia sẻ với hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới, những người không thể tham dự lễ viếng”.
Sabrina Owens, cháu gái của Aretha Franklin, nói: "Sau tất cả những gì Aretha đã trao cho thế giới, tôi cảm thấy chúng tôi cần phải chau chuốt sao cho phù hợp với di sản của bà ấy. Aretha yêu Detroit và thành phố này cũng yêu bà ấy”.
Aretha nằm trong một chiếc quan tài được trang trí bởi rất nhiều đóa hoa hồng có màu pastel nhằm thể hiện tình yêu mãnh liệt của bà đối với loài hoa này. Bên hông còn khắc dòng chữ “The Queen of Soul”.
Theo Daily Mail, quan tài của Aretha Franklin là một đơn hàng đặc biệt do hãng Promethean Casket sản xuất. Với cái giá cao ngất ngưỡng 40.000 USD (khoảng 840 triệu VNĐ), nó được làm thủ công trong 2 tuần và mạ vàng 24K. Đây cũng là mẫu quan tài từng được sử dụng cho đám tang của hai nghệ sĩ da đen khác là James Brown và Michael Jackson.
Lễ viếng sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29.8 trước khi Aretha Franklin được chôn cất tại nghĩa trang Woodlawn sau đám tang vào ngày 31.8. Đây cũng là nơi an nghĩ của cha bà, Rev Franklin CL, anh trai Cecil Franklin, các chị em Carolyn Franklin, Erma Franklin và cháu trai Thomas Garrett.
Aretha Franklin tại buổi biểu diễn gây quỹ của Elton John vào 7.11.2017. Đây là lần trình diễn cuối cùng của bà.
Không phải tất cả những người có mặt tại bảo tàng đều là fan của Aretha Franklin. Rất nhiều trong số đó không chuộng nhạc của “Nữ hoàng nhạc Soul” thế nhưng họ cực kỳ ngưỡng mộ đóng góp to lớn của bà cho phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
“Aretha đã giúp đỡ phong trào, cùng với Sidney Poitier và Harry Belafonte. Bằng cách đi cửa sau, bà đã tạo tiền đề cho những người như tôi được đi cửa trước”, Charles Thomas (59 tuổi) nói với tờ AFP.
Mai Thảo