Những phim trong ‘Koker Trilogy’ của Abbas Kiarostami luôn mang lại dấu ấn gần gũi lạ kỳ, bên cạnh tính gợi mở góc nhìn cuộc sống. Nếu có thể lần lượt xem trọn 3 tác phẩm: ‘Where Is the Friend’s House?’, ‘And Life Goes On’ và ‘Through the Olive Trees’, bạn dễ thấy như bản thân đã trở thành một phần thuộc về vùng nông thôn Koker, như thể chính bạn cũng có lúc miệt mài leo qua con đường đồi zig-zag - nền cảnh kinh điển trên phim, dẫn từ Koker sang làng Poshteh cạnh bên.
Ở ‘Koker Trilogy’, Kiarostami khai thác tối đa giá trị lời thoại, hiệu ứng hình ảnh cùng lối dựng phim tường thuật. Ông muốn thể nghiệm sự phóng khoáng vô định của cuộc đời, cũng như ranh giới lắm lúc mờ ảo giữa ‘hiện thực’ và nghệ thuật.
Bên cạnh đó, đạo diễn bậc thầy từng giành giải Cành Cọ Vàng yêu thích liên kết thể loại tài liệu và hư cấu, chắt lọc vẻ đẹp lẫn giới hạn ở mỗi phong cách làm phim, để đan xen vào thứ thông điệp đặc biệt: tài liệu có thể mang nét hư cấu, và ngược lại.
Xuyên suốt 3 bộ phim, Kiarostami cho phép nhiều hình mẫu nhân vật ‘ẩn’ hoặc ‘hiện’ tùy lúc (chẳng hạn, một nhân vật đóng chính trong dự án này có thể đảm nhận vai phụ trong dự án khác), gồm lời thoại cùng ‘chỗ đứng’ được chủ động, khéo léo hòa lẫn.
Cảm nhận ‘ẩn hiện’ cùng với diễn tiến phim nối liền qua mạch thời gian đồng nhất, khiến mỗi cá nhân con người hiện diện trước ống kính trở nên chân thật hơn hẳn, so với loại hình nhân vật trung tâm thường thấy ở những series truyền hình hay điện ảnh.
Thế nhưng, dẫu cốt truyện chuyển đổi nhịp nhàng ra sao, vẫn có không ít ‘điểm nhấn’ bất di bất dịch - những ‘chứng nhân’ thầm lặng đến thời gian cũng chưa thể tác động: đoạn đường zig-zag cắt ngang quả đồi, một rặng cây ô liu nối dài, một cổng vòm trước nhà người bà khắt khe. Hay vô số phong cảnh bản địa đơn sơ, mà ‘gói trọn’ vào đó là góc nhìn tươi vui, tựa một ‘nụ cười’ kiên định lẩn khuất trong cái gian khổ, tất bật nơi nhịp sống thường nhật.
Hàng loạt cảnh vật tưởng chừng vô nghĩa nhưng sau cùng, lại khiến người xem vương vấn khó quên.
Thủ pháp dựng phim theo lối ‘tường thuật’ nhẹ nhàng tạo thành dấu ấn vững chắc khác ở bộ ba tác phẩm. Dù được phát triển đa dạng, cốt truyện đều áp dụng gần như cùng khuôn mẫu: một nhân vật chính phải đối diện vô số rào cản trên hành trình truyền đạt, trao gửi điều gì đó cho ai khác. Không nhân vật nào hoàn thành mục tiêu ấy theo cách họ mường tượng lúc đầu. Duy, nỗi thất vọng lại giúp mỗi người nhận ra sự kỳ lạ và vô biên nơi cuộc sống đầy biến động, giúp họ hòa nhập với cộng đồng họ thuộc về.
Trong ‘Where Is the Friend’s House?’, Kiarostami ‘nhào nặn’ nên một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại, xoay quanh niềm mong mỏi của một đứa trẻ để trả lại quyển vở lấy nhầm từ người bạn học cùng lớp.
Dựng phim về một chủ đề thoạt nhìn có vẻ quá giản đơn, vị đạo diễn tài năng đã ‘vẽ’ ra, theo cách diệu kỳ, cả ‘bức tranh’ nhân sinh quan sống động, qua những chi tiết sinh hoạt gia đình, hoạt động sống thường nhật tại ngôi làng nghèo Koker.
Cố gắng tìm đường tới nhà bạn, cậu bé Ahmad (Babak Ahmadpour) phải tiếp nhận đủ loại sức ép mà trước đó cậu không hề bận tâm để mắt, về tiếng nói quyền hành, lẫn sự khác biệt rõ nét ở mỗi thế hệ trong gia đình Ahmad và láng giềng cạnh bên.
Ban đầu, Ahmad cho rằng người lớn đơn thuần là những chướng ngại trong nỗ lực làm việc tốt của cậu. Dẫu vậy, khi mạch truyện tiếp diễn, cậu bé dần nhận ra, những người đàn ông và phụ nữ cậu gặp cũng có điểm yếu mềm riêng. Những điểm, bằng ‘giác quan’ nghệ thuật, Kiarostami đã biểu đạt thật duyên dáng và lôi cuốn. Phân đoạn một nghệ nhân lớn tuổi của làng bình thản nhưng chăm chú tháo giày trước khi bước vào nhà, là một trong rất nhiều khoảnh khắc đời thường bỗng hóa ‘mặc khải’ trước ống kính máy quay.
‘And Life Goes On’ và ‘Through the Olive Trees’ có kịch bản cởi mở và phức tạp hơn. Hai tác phẩm là ‘sự rẽ nhánh’ thú vị tiếp nối bộ phim đầu tiên.
Trong ‘And Life Goes On’, một nhà làm phim (Farhad Kheradmand), thủ vai của chính Kiarostami, dấn thân vào chuyến đi tìm kiếm tung tích đứa trẻ đã xuất hiện trong ‘Where Is the Friend’s House?’, sau khi ông hay tin về trận động đất có thật đã nhấn chìm Koker vào năm 1990.
Trong ‘Through the Olive Trees’, một diễn viên khác đóng thế Kiarostami (Mohammad Ali Keshavarz) trong lúc tiến hành quay ‘And Life Goes On’, nhận ra bản thân bị mắc kẹt giữa một tình huống trớ trêu, khi ông phát hiện 2 diễn viên tự do trong đoàn nảy sinh tình cảm.
Bộ ba tác phẩm gồm hàng chuỗi sự kiện lớn nhỏ đan xen nhau. Kiarostami, một thiên tài dựng phim, tạo cho chính ông cơ hội tự do khai phá cốt truyện gốc, mở ra những kịch bản diễn biến mới mẻ, vừa có tính lồng ghép, vừa đủ tách biệt tựa một dự án độc lập. Tất cả chúng như những ‘khổ thơ’ điện ảnh chứa đựng dấu ấn tự sự lẫn biểu tượng.
Ở hầu hết dự án theo phong cách series phim, tính ‘liền mạch’ trong cốt truyện được đánh giá cao đến mức từng tác phẩm dễ đứng trước nguy cơ bị ‘rút đi’ cảm nhận thanh thoát, tự nhiên và duy mỹ - những giá trị được xem như ‘nhựa sống’ hiện thực. Kiarostami, trái ngược phần lớn nhà làm phim, chọn hướng đi ‘nước đôi’ cho riêng ông. Ông duy trì những chi tiết cốt lõi ‘kết nối’ 3 câu chuyện trên màn ảnh. Cùng lúc đó, Kiarostami đôi khi vẫn mạo hiểm ‘bỏ rơi’ cốt truyện chính, nhằm ‘truy đuổi’ thị hiếu cá nhân.
Trong một phân cảnh đáng nhớ của ‘And Life Goes On’, một người chồng (Hossein Rezai) giải thích mơ ước được cử hành hôn lễ của anh và vợ, dù cơn địa chấn kinh hoàng đã tàn phá gia trang họ. Chi tiết nhỏ khác nhưng giá trị không kém là khi một chàng trai trẻ quyết tâm xem bằng được vòng chung kết World Cup, giữa lúc anh ngồi quanh đống phế tích ngổn ngang để lại do động đất. Tương tự, ở ‘Through the Olive Trees’, cảnh một anh nông dân thất học hết lời biện hộ cho việc kết hôn bất luận khác biệt giàu nghèo, tạo nên một khoảnh khắc ‘sâu cay’ đến thấm thía.
Trên hết, nét trần thuật pha lẫn chất thơ đã giúp Kiarostami xây dựng ‘không gian’ điện ảnh thanh thoát dành cho khán giả và cả chính ông. Những thước phim ở Koker tràn đầy khoảnh khắc diệu kỳ, nơi ‘sức nặng’ của đối thoại lẫn ‘dòng chảy’ thời gian chường như đều biến mất. Theo đó, người xem có thể tĩnh lặng quan sát cá tính, hành vi đa sắc thái ở từng nhân vật.
Vài cảnh phim đơn giản nhưng đầy mê hoặc. Chẳng hạn phân đoạn một chai soda trên tay một đứa bé trai được ‘zoom’ cận. Đứa trẻ mua chai nước giải khát tại một cửa hàng tạp hóa còn lại trơ trọi giữa dãy phế tích gây nên bởi động đất.
Số khác, tuy nhiên, gợi nỗi bồn chồn, xúc động khó lý giải, như cảnh Ahmad bất chợt nhận ra cậu đang cầm trong tay quyển vở chép bài của người bạn học, thứ nếu mất, sẽ khiến bạn cậu bị đuổi khỏi lớp. Đến cảnh quay tiếp theo, chúng ta có thể chứng kiến ‘cuộc đấu trí’ của cậu bé với bản thân, khi Ahmad phải ‘đong đếm’ những chướng ngại cần đối mặt hòng giữ gìn giá trị đạo đức trong cậu, để vượt qua thử thách và giúp đỡ bạn. Kiarostami đã từ tốn ‘thu giữ’ toàn bộ khoảnh khắc này, thay vì ‘cắt gọt’ cho phù hợp kịch bản.
Vẻ đẹp chân thật ở ‘Koker Trilogy’ là cách mỗi tác phẩm ghi nhận và thi vị hóa cuộc sống gian khổ ở một vùng quê nghèo. Nhiều cảnh phim dễ làm người xem ngỡ ngàng. Quan trọng nhất, Kiarostami buộc chúng ta ngẫm nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống.
*’The Koker Trilogy’, viết và dàn dựng bởi Abbas Kiarostami, gồm chuỗi 3 tác phẩm điện ảnh công chiếu từ năm 1987-1994. Series được tái phát hành dưới dạng DVD Blu-ray từ ngày 27.8.2019 bởi Criterion Collection (Mỹ). Phiên bản mới đặc biệt bổ sung một số tư liệu phỏng vấn và ký sự chuyên đề xoay quanh cố đạo diễn người Iran và những tác phẩm giá trị của ông, vốn hãy còn ít được khán giả toàn cầu biết đến.
Như Ý (Theo SlantMagazine)