Theo báo cáo mới nhất từ tổ chức GLAAD, 10,2% trong tổng số 879 nhân vật truyền hình năm nay thuộc cộng đồng LGBT - tăng 1,4% so với năm 2018. Trong đó, có một số chương trình đặc biệt nổi bật như Mordern Family (đài ABC) - loạt phim đã đưa hình ảnh gia đình đồng tính đến với khán giả quốc tế hay Pose - loạt phim khắc hoạ sống động cuộc sống của người chuyển giới và các nghệ sĩ drag queen. Thông qua những cách miêu tả đa dạng và nhân văn, nhiều nhóm thiểu số trong cộng đồng LGBT cuối cùng đã có thể nhìn thấy chính mình trên màn ảnh nhỏ - góp phần nâng cao sự hiện diện của họ trong xã hội.
Dưới đây là 10 chương trình có nội dung LGBT hay nhất được trình chiếu từ năm 2010 đến năm 2019 theo bình chọn của tờ Advocate:
10. Looking (HBO)
Looking được kể qua góc nhìn của Patrick (Jonathan Groff đóng) - một chàng trai đồng tính 29 tuổi sống tại thành phố San Francisco cùng những người bạn của mình. Bên cạnh chủ đề tình yêu, loạt phim này còn khai thác nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người đồng tính hiện đại như PrEP, hẹn hò qua ứng dụng, chia rẽ thế hệ và sự ra đời của bình đẳng hôn nhân tại Mỹ.
Đáng tiếc, Looking đã bị ngưng sau 2 mùa và một tập đặc biệt. Tuy nhiên, nó vẫn được đánh giá là bức thư tình lãng mạn mà các nhà sản xuất gửi đến San Francisco và lịch sử LGBT đầy sôi động của nó.
9. One Day At a Time (Netflix)
Lấy bối cảnh thập niên 1970, One Day At a Time xoay quanh Penelope (Justina Machado đóng) - một bà mẹ đơn thân nuôi dưỡng hai đứa con tuổi teen - và mang đến một góc nhìn thú vị về cuộc sống của cộng đồng người Mỹ gốc Latin. Con gái Elena (Isabella Gomez đóng) của cô là người đồng tính nữ. Huyền thoại màn bạc Rita Moreno thủ vai Lydia - mẹ của Penelope và được xem là linh hồn của cả loạt phim.
Hài hước và chân thành, One Day at a Time mùa hai tập trung vào Elena - người vừa nhận thức được tầm quan trọng của chính trị và tham gia các cuộc biểu tình đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT tại trường. Bên cạnh đó, loạt phim còn giới thiệu những nhân vật có xu hướng tính dục khác như Syd - bạn gái sau này của Elena.
Sau khi Netflix quyết định ngưng One Day at a Time, cộng đồng người hâm mộ phản đối mãnh liệt đến mức đài PopTV đã quyết định cứu loạt phim và thực hiện mùa 3.
8. Schitt's Creek
Chiếu trên kênh CBC (Canada) từ năm 2015 đến nay, Schitt Creek được sáng tạo bởi Eugene Levy và con trai đồng tính của ông - Daniel Levy. Loạt phim này được đánh giá rất cao nhờ vào khiếu hài hước và tính thời sự của nó. Schitt Creek xoay quanh một gia đình giàu có vừa đánh mất tất cả và phải xây dựng từ đầu tại một thị trấn nhỏ. Daniel Levy vào vai David - một anh chàng toàn tính luyến ái. Anh đã nảy sinh tình cảm với nhiều nhân vật nam và nữ xuyên suốt loạt phim.
Schitt Creek sẽ kết thúc phát sóng mùa cuối cùng vào tháng 1.2020. Sau 6 mùa, loạt phim này đã giành được nhiều giải thưởng danh giá của làng giải trí Canada bao gồm 1 giải ACTRA Award, 18 giải Canadian Screen Awards và 4 đề cử Emmy cho đài Pop TV tại thị trường Mỹ.
7. Modern Family
Đúng như tên gọi, Modern Family đã khắc họa một gia đình đông thành viên, phức tạp và gặp phải nhiều vấn đề mang tính thời sự như hôn nhân lệch tuổi, người nhập cư, hôn nhân đồng tính… Trong đó, hai nhân vật Mitchell và Cameron được xem là hình mẫu chân thật về người đồng tính nam khi họ không sở hữu thân hình “sáu múi” như truyền thông thường khắc họa về nhóm người này. Cuộc hôn nhân của họ cũng giúp khán giả đại chúng có cái nhìn cận cảnh hơn về đời sống tình cảm của người LGBT.
Với 22 giải Emmy, Modern Family là loạt phim hài thành công nhất trên truyền hình Mỹ trong thập niên qua. Mùa 11 cũng là mùa cuối cùng sẽ kết thúc phát sóng vào tháng 5.2020.
6. The Fosters
Chiếu trên kênh Freeform (tiền thân là ABC Family), The Fosters đã trở thành một trong những loạt phim truyền hình mang tính đột phá nhất trong lịch sử sau khi mùa cuối kết thúc vào tháng 6.2018. Nội dung phim xoay quanh gia đình của một đôi đồng tính nữ cùng 5 đứa con ruột lẫn nuôi, nhưng với 5 mùa, nó đã làm được nhiều hơn là chỉ khắc họa các rắc rối cá nhân.
The Fosters đã cho thấy tầm quan trọng của bình đẳng hôn nhân, tác hại của phân biệt chủng tộc, đưa một diễn viên chuyển giới thủ vai một nhân vật chuyển giới, tố cáo nạn hãm hiếp, xả súng ở trường học, bàn luận về chủ đề nhập cư, buôn bán tình dục, ung thư vú cùng vô số vấn đề mà các trẻ em được nhận nuôi phải đối mặt.
5. Glee
Do Ryan Murphy - một người đồng tính công khai - sản xuất, Glee (2009-2015) sở hữu rất nhiều nhân vật thuộc cộng đồng LGBT. Tất cả đều là sinh viên và cán bộ nhân viên tại trường trung học William McKinley.
Câu chuyện tình yêu của Kurt (Chris Colfer đóng) và Blaine (Darren Criss đóng), Santana (Naya Rivera đóng) và Brittany (Heather Morris đóng) đã giúp nhiều thiếu niên LGBT trên toàn thế giới khám phá thêm về xu hướng tính dục của họ. Trong khi đó, những nhân vật như Coach Beiste (Dot-Marie Jones đóng) và Unique Adams (Alex Newell đóng) thì góp phần làm tăng tính hiện diện của người chuyển giới trên sóng truyền hình.
4. Transparent
Bỏ qua vụ lùm xùm Jeffrey Tambor bị tố quấy rối tình dục, Transparent được xem là cột mốc quan trọng cho dòng phim LGBT trên màn ảnh nhỏ - đặc biệt là nhóm người chuyển giới lớn tuổi - và giúp làm tăng độ phổ biến cho kênh streaming Amazon Prime. Nó được sáng tạo, sản xuất, biên kịch và đạo diễn bởi Jill Soloway - một thành viên thuộc cộng đồng LGBT. Đó là chưa tính rất nhiều người chuyển giới đã tham gia quá trình sản xuất trong suốt 5 mùa phim, đảm nhận những vị trí đằng sau camera như Alexandra Billings, Trace Lysette, Ian Harvie, Hari Nef, Zackary Drucker, Our Lady J và Rhys Ernst.
Đặc biệt, những mùa đầu tiên của Transparent còn khám phá văn hóa của người Do Thái thông qua lăng kính của gia tộc Pfefferman, sử dụng chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu để chứng minh những vết thương lịch sử như nỗi kinh hoàng của Đức Quốc xã có thể tác động đến các thế hệ sau như thế nào.
3. Vida
Vida được chiếu trên kênh Starz và vừa được bật đèn xanh cho mùa 3 dự kiến lên sóng vào năm sau. Loạt phim này do Tanya Saracho sáng tạo với mục đích khắc hoạ cuộc sống của những người LGBT gốc Latin tại Mỹ.
Lấy bối cảnh khu phố Boyle Heights của thành phố Los Angeles, Vida xoay quanh hai chị em, Emma (Michel Prada đóng) - đồng tính và có tính cách khó chịu, và Lyn (Melissa Barrera đóng) - một cô nàng tự cao tự đại - trở về nhà của mẹ mình sau cái chết của bà cũng như giải quyết vấn đề thừa kế. Tuy nhiên, đây cũng là lúc họ phát hiện mẹ của mình từng có một cuộc sống bí mật và giấu kín ngay cả với con ruột.
2. Pose
Không có chương trình nào khác trên truyền hình tác động đến cuộc sống của LGBT nhiều như Pose. Loạt phim mang tính đột phá này của đài FX khai thác văn hóa “queer” của thành phố New York vào thập niên 1980. Bên cạnh đó, nó còn cho thấy khó khăn và niềm vui của cộng đồng LGBT vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi như nạn HIV/AIDS, mại dâm và gia đình.
Đặc biệt, Pose không chỉ tập trung vào người chuyển giới và người LGBT da màu mà còn tôn vinh họ, lập kỷ lục về số lượng người chuyển giới tham gia vào một chương trình truyền hình. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu do đây là loạt phim do Ryan Murphy đồng sáng tạo cùng Brad Falchuk và Steven Canals.
Billy Porter đã nhận một giải Emmy hoàn toàn xứng đáng cho vai diễn Pray Tell. Thế nhưng tất cả những người phụ nữ chuyển giới trong phim như Indya Moore (vai Angel), MJ Rodriguez (vai Blanca Rodriguez), Dominique Jackson (vai Elektra Abundance), Hailie Sahar (vai Lulu Abundance) và Angelica Ross (vai Candy Abundance) cũng xứng đáng được tôn vinh.
1. Orange Is The New Black
Khi Netflix ra mắt mùa đầu tiên của Orange Is The New Black vào mùa hè năm 2013, nó đã thay đổi truyền hình mãi mãi. Nó là một trong những loạt phim đầu tiên ra mắt trên kênh streaming, phá vỡ cách chiếu truyền thống của các kênh truyền hình.
Tuy nhiên, điểm giúp Orange Is The New Black trở thành kẻ tiên phong là vì nó khai thác trực diện đời sống của người đồng tính nữ, song tính nữ, chuyển giới và phụ nữ da màu. Nó đưa ra các chủ đề khó nhằn nhất trong xã hội hiện nay như chủ nghĩa giai cấp, thượng tôn da trắng, bạo lực tình dục, nghiện ngập, sự tha hóa của cảnh sát, nhà tù và vẫn có thể xoay sở để giữ được tính hài hước, không mang tính giáo điều.
Orange Is The New Black đã kế thừa The L Word (kết thúc năm 2009) để tiếp tục mang đến cho khán giả hình tượng những người phụ nữ “queer” trên sóng truyền hình và giúp mở đường cho các chương trình LGBT khác như Pose và Vida.
Mai Thảo