Tính đến nay, phim Song Lang được mời tham dự hơn 60 liên hoan phim Quốc tế và đạt gần 40 giải thưởng các loại từ biên kịch, đạo diễn, nam diễn viên chính. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Leon Lê - đạo diễn của phim này.
Giấc mơ ngày nhỏ của anh là gì?
Leon: Là được trở thành nghệ sĩ cải lương. Nhà tôi gần sát rạp hát Minh Châu cũ (thuộc đường Lê Văn Sỹ) nên ngày nhỏ tối nào tôi cũng sang xem hát hoặc đứng ngắm khung cảnh náo nhiệt diễn ra trước giờ diễn.
Năm 13 tuổi, tôi rời Việt Nam sang Mỹ vẫn mang theo giấc mộng trở thành một ngôi sao cải lương.
Sinh sống và trưởng thành trong cái nôi văn hoá phương Tây chắc hẳn giấc mơ cải lương trong anh lụi tắt?
Rôi vẫn giữ giấc mơ ấy. Nhưng thay vì hát cải lương Việt thì tôi hát cải lương kiểu Tây. Đó là Broadway. Tôi dấn thân và trở thành một nghệ sĩ nhạc kịch chuyên nghiệp. Với tôi cải lương và nhạc kịch có sự tương đồng ở điểm: ca , diễn và vũ đạo.
Khác nhau là ở cải lương có sẵn bài bản hay còn gọi là phương cách hát, còn nhạc kịch thì mỗi vở khác nhau phải hát theo cách thức khác nhau.
Cái hay của cải lương là được số đông khán giả thuộc bài và hát trong mọi hoàn cảnh. Điều này không dễ thấy ở các bộ môn nghệ thuật khác.
Là một người châu Á anh thật sự có chỗ đứng trong môi trường nhạc kịch Mỹ?
Tôi hiểu anh muốn nói đến sự kỳ thị sắc tộc trong nghệ thuật ở đất nước đa chủng tộc. Ở một đất nước mà người da trắng chiếm đa số thì nghệ thuật phải phục vụ cho số đông ấy. Không thể khác được.
Tuy nhiên, tôi không bị bất kỳ sự thiệt thòi nào. Tôi vẫn có vai diễn đều đặn trong các vở diễn mà đạo diễn thấy tôi hợp vai. Tôi vẫn có nhiều cơ hội sống với nghề.
Thế thì tại sao anh muốn quay về Việt Nam?
Càng sống tại một Quốc gia đa sắc tộc, tôi càng nhận ra bản sắc dân tộc là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không giữ lấy bản sắc ấy bạn sẽ không biết mình là ai.
Tôi trưởng thành tại Mỹ, nhưng người bản địa vẫn xem tôi là người Mỹ gốc Việt. Nếu tôi có con, con tôi cũng được nhìn nhận như thế.
Trở về châu Á, tôi thấy người Nhật tự hào về chiếc áo Kimono. Người Hàn Quốc và người Trung Quốc không ngừng quảng bá văn hoá của họ sang các nước.
Là một người Việt Nam tôi tự hào về gốc rễ của mình. Tôi muốn gìn giữ và phát huy nó trong sở trường nghệ thuật mà tôi cảm thấy đó là thế mạnh.
Anh yêu cải lương nhưng vì sao lại dấn thân vào điện ảnh khi trở về Việt Nam?
Thực ra ban đầu tôi muốn thực hiện một dự án cải lương tựa đề: Trọng Thủy - Mỹ Châu. Nhưng khi về và nhìn thấy thực trạng cải lương, tôi cảm thấy không thể thực hiện được.
Nhưng ý định tri ân cải lương vẫn nung nấu trong tôi. Cuối cùng tôi chọn điện ảnh. Tôi đã từng đóng phim, từng đạo diễn phim ngắn nên việc làm phim với tôi dễ dàng hơn.
Song Lang lúc đầu được dự đoán là thành công doanh thu tại Việt Nam nhưng thực tế không phải vậy. Anh có bị sốc?
Trong thời gian làm Song Lang tôi nhận ra ở Việt Nam phim tâm lý xã hội đơn thuần cũng được xếp vào dòng phim nghệ thuật kén khán giả.
Ngược lại phim thu hút được đám đông công chúng, thành công phòng vé là phim hài hoặc phim kinh dị.
Vậy là ngay từ đầu, tôi tự đặt phim Song Lang vào thể loại nghệ thuật kén khán giả, và tôi trung thành với ý nghĩ rằng: "Thà làm ra một phim tử tế đúng như mong muốn của mình, còn hơn làm ra phim không thuộc về mình".
Nhờ vậy mà tôi không bị sốc gì cả. Trong hoàn cảnh bạn không thể lựa chọn cả hai cùng lúc thì hãy là chính mình.
Việc Song Lang tham gia rất nhiều liên hoan phim Quốc tế dựa trên kinh phí tự túc hay do ban tổ chức lo liệu?
Tại các liên hoan phim Quốc tế, người ta xem xét rất kỹ trước khi quyết định mời một bộ phim nào đấy tham gia. Bởi vì các bộ phim đó được chiếu có bán vé cho công chúng thưởng thức.
Tính đến nay, Song Lang tham gia hơn 60 liên hoan Quốc tế. Tất cả các suất chiếu đều bán hết vé. Đó là sự bù đắp cho chúng tôi sau khi chứng kiến cảnh thất bại phòng vé tại Việt Nam.
Tiền bán vé thu được, ban tổ chức dùng để lo mọi chi phí đi lại, ăn ở cho chúng tôi suốt thời gian chúng tôi có mặt.
Chúng tôi đã nhận được khoảng 40 giải thưởng các loại. Nhưng niềm vui lớn nhất mà chúng tôi tự hào đó là quảng bá văn hoá Việt ra thế giới. Nhiều khán giả và đồng nghiệp sau khi xem phim đã nói rằng: Họ không ngờ Việt Nam có loại hình nghệ thuật đặc sắc như là cải lương.
Sau Song Lang, anh có tiếp tục dự án mới?
Chúng tôi đã tiến hành một dự án phim tâm lý xã hội khác. Tuy nhiên, ngay thời điểm này tôi chưa thể tiết lộ nhiều vì tôi sợ nói trước bước không qua!
Cái kết của phim Song Lang khiến nhiều người ấm ức vì không có câu trả lời dứt khoát, rõ ràng. Ở bộ phim sắp tới, anh quyết định cái kết phim thế nào?
Tôi nghĩ người đạo diễn là người kể lại câu chuyện đời thông quá tác phẩm điện ảnh, hay là họa sĩ vẻ ra một bức tranh. Khán giả xem xong sẽ tự cảm nhận và rút ra những điều tâm đắc cho mình.
Tôi không kết luận hay xác định thông điệp vì tôi tôn trọng khán giả. Tôi là người làm nghệ thuật, không phải là nhà giáo để dạy đời ai bất cứ điều gì.
Thế nên tôi vẫn để lại cái kết mở và mọi người tự cảm nhận. Nhưng điều đặc biệt trong Tác phẩm của tôi không khu biệt trong tình yêu lứa đôi mà là tình yêu rộng lớn hơn.
Vậy quan niệm tình yêu và hôn nhân của anh là gì?
Tôi trân trọng tình yêu rộng lớn, trong đó có tình yêu nam nữ, tình yêu nam dành cho nam, tình yêu nữ dành cho nữ. Tuy nhiên, tôi không thích đời sống hôn nhân và rất không thích có con.
Anh rút ra được điều gì qua mỗi kỳ tham dự liên hoan phim Quốc tế?
Được tiếp xúc với nghệ sĩ thế giới tôi nhận ra rằng họ đã đi quá xa và làm nghệ thuật chuyên nghiệp và tử tế. Điều này nhắc nhở tôi phải hết sức tử tế trong nghệ thuật dù hướng đi của mình không kiếm được nhiều tiền.
Nguyễn Huy