Công chiếu vào tháng 11.2018, Bohemian Rhapsody đã gây được tiếng vang lớn khi thu về 900 triệu USD tiền vé cùng hàng loạt giải thưởng danh giá bao gồm 4 tượng vàng Oscar. Và đó không phải bộ phim duy nhất có tuyến nhân vật chính là người LGBT thành công trong năm 2018.
The Favourite kể về mối quan hệ thân thiết giữa nữ hoàng Anh Anne và hai cô gái trẻ đã giúp Olivia Coleman chiến thắng giải Oscar hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”. Hai bạn diễn của cô - Emma Stone và Rachel Weisz - cũng nhận được đề cử tại hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”. Love Simon - phim LGBT đầu tiên do một studio lớn sản xuất và phân phối (20th Century Fox - đã nhận được nhiều lời khen ngợi và kiếm được 66,3 triệu USD tiền vé, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho dòng phim LGBT thương mại.
Chỉ riêng trong năm 2018, chủ đề “chữa trị đồng tính” đã hai lần được khắc họa sống động và chân thật trong Boy Erased (Nicole Kidman, Russell Crowe, Lucas Hedges…) và The Miseducation of Cameron Post (Chloë Grace Moretz…). Bên cạnh đó, còn có nhiều phim LGBT đáng chú ý khác như Disobedience, Colette…
Đáng tiếc, năm 2019 đã không nối tiếp được thành công này.
Tính đến hiện tại, Rocketman là phim LGBT duy nhất ra mắt trong năm nay đạt doanh thu lý tưởng (195 triệu USD) và có mặt trên đường đua tới giải Oscar 2020. Booksmart - bộ phim đầu tay của Olivia Wilde với tư cách đạo diễn nói về trải nghiệm “queer” của giới trẻ - cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt doanh thu khá (25 triệu USD so với kinh phí 6 triệu USD) nhưng lại không được nhiều người biết đến.
Portrait of a Lady on Fire (Pháp) là bộ phim đầu tiên do phụ nữ đạo diễn thắng giải Queer Palm tại LHP Cannes 2019. Thế nhưng khi ra rạp vào tháng 9 tại Pháp, tình hình bán vé khá ế ẩm. Nó đã được Netflix mua bản quyền phát sóng tại thị trường Mỹ. A Dog Barking at the Moon - một bộ phim của điện ảnh Hoa ngữ - đã chiến thắng giải Teddy Awards dành cho dòng phim LGBT tại LHP Berlin 2019 nhưng chưa chính thức ra rạp và cũng rất khó trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang siết chặt các nội dung LGBT.
Adam (Mỹ), And Then We Danced (Thuỵ Điển), End of the Century (Tây Ban Nha)… là những cái tên nổi bật khác nhưng chỉ được biết đến trong cộng đồng LGBT chứ không đủ điều kiện ra rạp do bị đánh giá là kén khán giả.
Tình hình này trái ngược với những gì đang diễn ra trên màn ảnh nhỏ.
Theo tổ chức GLAAD (Gay & Lesbian Alliance Against Defamation), số lượng các nhân vật LGBT xuất hiện trong các chương trình truyền hình chiếu vào giờ vàng tại Mỹ trong năm 2019 đã đạt kỷ lục 10,2% - tương đương 90 trong tổng số 879 nhân vật - và tăng 1,4% so với năm 2018. Trong đó, Netflix là đơn vị được khen ngợi nhiều nhất vì luôn tạo điều kiện cho các nhà biên kịch sáng tạo những nhân vật LGBT như loạt phim The Politician, Orange is The New Black, Sex Education hay Grace and Frankie. Loạt phim Pose của FX cũng được đánh giá rất cao do khai thác cuộc sống của những nghệ sĩ drag queen và người LGBT da màu.
Dòng phim LGBT trước nay luôn bị xem là có đối tượng khán giả ít ỏi (cộng đồng LGBT), không phù hợp với khán giả đại chúng. Bohemian Rhapsody và Rocketman sở dĩ có doanh thu khủng là do dựa vào sức hút của các tượng đài âm nhạc vốn đã có lượng fan hâm mộ đông đảo như Freddie Mercury và Elton John. Brokeback Moutain là một ngoại lệ rất hiếm hoi và cũng phần nào dựa vào tên tuổi của ekip hạng A.
Trong bối cảnh Hollywood vài năm gần đây ưu ái những phim bom tấn, dường như rất khó để kiếm được chỗ trống cho các phim LGBT có thể ra rạp và sinh lời. Điều này trực tiếp khiến các nhà sản xuất chùn tay và không mấy mặn mà với thể loại phim LGBT nữa.
Ngược lại, màn ảnh nhỏ mà đặc biệt là trên các kênh streaming như Netflix hay Amazon, dòng phim LGBT đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Không chỉ đa dạng về chủ đề, những bộ phim này còn dễ dàng tiếp cận hơn với khán giả. Chỉ cần có Internet, họ có thể ngồi tại nhà và thoải mái thưởng thức những bộ phim LGBT yêu thích mà không phải lo sợ bị tiết lộ danh tính khi đến rạp - điều rất nhiều người LGBT vẫn còn ngại cho tới tận ngày nay.
Mai Thảo