Ở thập niên 1990, khi công nghệ số bắt đầu làm thay đổi cuộc sống, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng sách giấy rồi sẽ bị xóa sổ. Trước đó nửa thế kỷ, khi tivi dần phổ biến trong đời sống, các chuyên gia cũng từng đưa ra dự báo tương tự. Dù vậy, cho tới hôm nay, đọc sách giấy và sách điện tử vẫn là một hoạt động quen thuộc đối với nhiều người.
Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, đến những năm gần đây, sách in bắt đầu bán chạy trở lại. Nền công nghiệp xuất bản ở nhiều quốc gia thông báo những tín hiệu đáng mừng về sự tăng trưởng. Lúc này, các chuyên gia lại tiếp tục lý giải về sự tồn tại bền bỉ của văn hóa đọc qua thời gian và biến động.
Đọc sách đưa lại cho người đọc sự tự do trong tâm trí, họ bước vào những thế giới mới lạ được mở ra từ trang sách, để tạm thời rời xa những áp lực, mệt mỏi của cuộc sống thường ngày. Sự tập trung cần có khi đọc sách khiến tâm hồn người đọc tĩnh lặng, bình an giữa một thế giới ngày càng vội vã với những đổi thay diễn ra không ngừng.
Đối với những người yêu thích việc đọc sách, thời gian đọc sách là quãng thời gian kỳ diệu giúp họ thoát khỏi sự ồn ã, xô bồ của cuộc sống để tận hưởng sự tĩnh lặng kỳ diệu. Sự tĩnh lặng ấy giúp nội tâm người đọc trở nên cân bằng, bình an, mạnh mẽ và thông thái.
Những điều này vốn đã được các chuyên gia tâm lý học phân tích từ lâu, để lý giải cho sức hấp dẫn và sự tồn tại bền bỉ của sách, bất kể sự thống trị của công nghệ.
Đọc sách là một thói quen có thể kéo dài cả một đời người. Qua năm tháng, trình độ đọc sách của một cá nhân sẽ được nâng cao. Đọc sách giúp cải thiện trí nhớ, mở rộng vốn từ, nâng tầm tri thức, giúp tư duy sâu sắc, làm giàu đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân.
Đọc sách giúp phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ). Ngoài việc gia tăng vốn kiến thức, đọc sách còn giúp người đọc có những góc nhìn và trải nghiệm khác với những gì họ có trong đời sống thực. Người đọc sẽ có cơ hội mở rộng nhãn quan, có góc nhìn đa chiều, gia tăng trí tuệ xúc cảm (EQ), khả năng thấu hiểu, cảm thông đối với nhân vật.
Khi thực sự chìm sâu vào nội dung cuốn sách, người đọc còn nuôi dưỡng khả năng tập trung, khả năng tư duy sâu và cách nhìn nhận vấn đề đa chiều.
Đọc sách giúp cải thiện kỹ năng tư duy. Những trang tìm kiếm thông tin có thể đưa lại cho ta vô vàn kiến thức trong nháy mắt, nhưng chúng không thể dạy ta cách tư duy logic. Trong cuộc sống, kỹ năng tư duy logic rất quan trọng và cần được rèn luyện từ nhỏ.
Ngoài ra, trong cuộc sống hiện tại, con người dễ bị xao nhãng bởi vô số yếu tố xung quanh, đặc biệt là bởi các thiết bị điện tử và mạng xã hội. Lúc này, khả năng tập trung suy nghĩ sâu về một vấn đề cũng cần được rèn luyện. Đọc sách chính là cách để rèn luyện sự tập trung.
Đọc sách giúp mở rộng vốn từ vựng, cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển kỹ năng tương tác. Khi trẻ đọc sách văn học và say mê với những trải nghiệm của nhân vật, não bộ của trẻ có cách vận hành như thể chính trẻ đang có những trải nghiệm ấy. Đó là những sự tập dượt rất quan trọng về mặt cảm xúc, giúp trẻ có tâm lý sẵn sàng hơn cho các tình huống xảy ra trong cuộc sống thực.
Đọc sách giúp hoạt động nhận thức diễn ra mạnh mẽ hơn. Đọc sách giúp não bộ được rèn luyện, kích thích khả năng nhận thức. Càng đọc nhiều, não bộ càng được kích hoạt.
Việc đọc sách đều đặn chính là những bài luyện tập cho trí não, nâng cao khả năng tư duy, kỹ năng phân tích, kết nối thông tin, đưa ra nhận định, từ đó, giúp phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Qua thời gian, hoạt động đọc sách còn giúp người đọc có trí nhớ tốt, sự tập trung cao độ, khả năng tư duy sâu.
Đọc sách giúp giảm căng thẳng. Cho dù chỉ dành ra khoảng 10 phút đọc sách, trạng thái tâm lý của người đọc vẫn được cải thiện rõ rệt, họ bình tĩnh, thư giãn hơn. Nhiều chuyên gia tâm lý còn coi việc đọc sách như một giải pháp trị liệu.
Nguyên nhân là bởi đọc sách giúp não bộ phân tán sự tập trung khỏi những vấn đề mà người đọc đang gặp phải trong cuộc sống thực, từ đó, toàn bộ cơ thể giảm bớt sự căng thẳng.
Một số nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng đọc sách giúp con người thư giãn tốt hơn cả việc nghe nhạc hay đi bộ. Tác dụng của đọc sách tương đương với việc ngồi thiền. Sau khi đọc sách, người đọc thấy nhận thức của bản thân rõ ràng hơn, suy nghĩ, cảm xúc mạch lạc hơn.
Đọc sách giúp cải thiện giấc ngủ. Việc đọc sách trước khi đi ngủ, thay vì xem tivi hay lướt điện thoại, sẽ giúp não bộ "dịu lại", cơ thể bắt được tín hiệu rằng đã tới giờ đi ngủ.
Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị điện tử khiến chúng ta cảm thấy khó ngủ. Ngược lại, đọc sách giúp cơ thể thư giãn cả về thể chất và tinh thần, giúp "ru" người đọc vào giấc ngủ nhanh hơn.
Đọc sách giúp cải thiện kỹ năng viết. Đọc và viết là hai kỹ năng song hành. Việc rèn luyện kỹ năng này sẽ cải thiện kỹ năng kia. Đối với trẻ nhỏ, đọc sách giúp trẻ có những khái niệm đầu tiên về kỹ năng viết.
Sách có thể là người bạn thân thiết của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, sách có thể là một người bạn thân luôn đồng hành bên trẻ, giúp trẻ thư giãn, có tâm lý ổn định, cân bằng. Đặc biệt, nếu trẻ đang gặp một số vấn đề ở trường học, với bạn bè hoặc trong đời sống gia đình, sách càng có thể trở thành người bạn tốt của trẻ.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy sớm đọc sách cho trẻ nghe, giúp trẻ hiểu được mạch truyện, hứng thú với câu chuyện. Cách cha mẹ đọc truyện cho trẻ nghe giúp trẻ hiểu thế nào là đọc trôi chảy, truyền cảm.
Cha mẹ hãy tìm sách phù hợp với sở thích của trẻ để nuôi dưỡng sự hứng thú ban đầu dành cho việc đọc sách. Sau khi đọc xong một chương truyện, cha mẹ nên hỏi xem con nghĩ gì về nhân vật, dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, để giúp trẻ thực sự tư duy về nhân vật và câu chuyện.
Sau cùng, đọc sách là hoạt động giúp nuôi dưỡng một đời sống tinh thần thư thái, giàu cảm hứng. Đọc sách có thể trở thành niềm vui nhỏ mỗi ngày, bất kể những áp lực từ thực tế cuộc sống.
Giúp trẻ nuôi dưỡng thói quen đọc sách là tặng cho trẻ một món quà ý nghĩa, để giúp đời sống tinh thần của trẻ luôn giàu có, phong phú trong những năm tháng về sau.
Theo Psychology Today/95 Percent Group