“Độ ta không độ nàng”, ca khúc nhạc Hoa lời Việt đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội và được nhiều người trẻ cover lại. Bên cạnh sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhiều bạn trẻ, lại có ý kiến trái chiều, cho rằng nội dung ca khúc có phần tiêu cực, báng bổ phật giáo.
Bản gốc "Độ ta không độ nàng" được Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện
Trong bài thuyết pháp mới đây, thượng tọa Thích Nhật Từ cũng cho rằng, “Độ ta không độ nàng” khắc họa tiêu cực bức tranh chuyện tình giữa nhà sư và nàng quận chúa.
Dưới góc độ của người xuất gia, thượng tọa Thích Nhật Từ không tán đồng với bài nguyên tác tiếng Trung lẫn bản phóng tác tiếng Việt “Độ ta không độ nàng”.“Tác phẩm này tạo hình ảnh quá tiêu cực, quá ảm đạm, bi quan, chán chường và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết người có thù hằn bằng một lưỡi kiếm”, vị thượng tọa nói.
Theo vị thượng tọa, việc nhà sư hư cấu này oán trách Đức Phật là sai lầm. Chuyện tình yêu tan vỡ là do cư xử, lối sống của hai người hoặc người thứ ba chứ Đức Phật hay bất cứ thần linh nào cũng không tạo tác, sắp xếp chuyện tình yêu tan vỡ, hay cái chết của nàng quận chúa...
Giữa lúc ca khúc “Độ ta không độ nàng” nhận nhiều ý kiến trái chiều, ca sĩ Phương Thanh gây chú ý khi thu âm ca khúc với ca từ hoàn toàn ngược lại, “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”. Bản thu âm nhận được nhiều sự quan tâm của các phật tử và những người yêu đạo Phật. Thượng tọa Thích Nhật Từ ucnxg dành lời khen cho bản thu âm này của nữ ca sĩ.
Theo chia sẻ của Phương Thanh, “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” do chính sư thầy Thích Đồng Hoàng soạn lời. Sư thầy Thích Đồng Hoàng xuất gia tại chùa Pháp Hoa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Được biết, giữa ca sĩ và sư thầy đã có quen biết từ trước. Và khi viết xong ca khúc “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”, sư thầy Thích Đồng Hoàng liên hệ ngay với Phương Thanh để cô thu âm ca khúc.
Bất ngờ là, ngoài bản thu âm của Phương Thanh, bản thu âm “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” do chính tác giả, sư thầy Thích Đồng Hoàng thể hiện cũng được chia sẻ và thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội.
Bản thu sau bản thu của Phương Thanh, không được đầu tư như các bản cover khác nhưng với giọng hát mộc mạc, giản dị, sư thầy Thích Đồng Hoàng vẫn khiến người nghe xúc động.
Chia sẻ với phóng viên, sư thầy Thích Đồng Hoàng cho biết hoàn cảnh sáng tác “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” là mối lương duyên. “Hôm đó, tôi bắt xe bus từ Đà Nẵng về Huế thì thấy tài xế mở một bản nhạc, tôi nghe mà ngạc nhiên lắm. Sau mới biết là bài hát này có được mấy tháng rồi và đã rất nổi tiếng trong giới trẻ nên càng thấy ái ngại hơn, vì một bài hát sai lệch về chánh pháp như vậy mà vẫn trở thành hiện tượng.
Chúng tôi không biết tên bài hát là gì, mà hỏi tài xế thì kỳ lắm vì người xuất gia không nghe nhạc trẻ, nhạc thị trường, chỉ nghe nhạc Phật thôi. Vậy là nghe vài từ trong đó rồi search mạng tìm thử mới biết bài hát có tên “Độ ta không độ nàng”.
Người xuất gia nói chung luôn có hình ảnh đẹp trong mắt người khác, tại sao vô bài hát lại trở nên kỳ vậy? Nhưng hiểu đây là quyền của người nghe, người xuất gia không thể lên án hay tranh luận đúng sai, yêu ghét được. Vì cái mình ghét thì người khác lại thích. Hơn 50 triệu lượt xem ca khúc chắc chắn phải có cái gì đó hay chứ? Giai điệu của “Độ ta không độ nàng” quả là rất bắt tai, chỉ là nó không đúng với chánh pháp thôi.
Vậy là như một mối duyên, những ca từ của “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” cứ hiện ra trong đầu. Tôi nghĩ, sao mình không viết nó ra để mọi người hiểu hơn về Đức Phật, qua đó sẽ tự có câu trả lời khi nghe bản dịch “Độ ta không độ nàng”. Đơn giản chỉ là để người nghe không hiểu nhầm về giới tu hành, về chánh pháp. Còn đúng sai thì là do mỗi người".
Đại đức Thích Đồng Hoàng hát "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng"
Sư thầy Thích Đồng Hoàng chia sẻ thêm, bản thu ca khúc do mình thể hiện là nhờ một phật tử đề nghị thu thử, coi như "cúng dường" cho những ai yêu mến ca khúc được thưởng thức thêm một góc độ mới mẻ, đúng với góc độ của nhạc Phật.
Nguyễn Hằng