Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, trở thành nghệ nhân calligraphy

05/10/2020 13:30
Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, trở thành nghệ nhân calligraphy

Gần 30 tuổi nhưng Đào Huy Hoàng không có nhà, không có ô tô, cũng không sở hữu tài sản giá trị nào khác. Bù lại, Hoàng có một đam mê để theo đuổi và đủ để cậu sở hữu cuộc sống dễ thở tại thủ đô Hà Nội đắt đỏ này: Đam mê với nghiệp viết chữ.

Người ta vẫn biết đến Đại học Ngoại thương như cái nôi của những hoa hậu, người nổi tiếng, hay giới doanh nhân thành đạt. Nhưng ít người biết, có một nghệ sĩ calligraphy tài năng đã tốt nghiệp từ ngôi trường này, đó là Đào Huy Hoàng.

Gần 10 năm theo đuổi calligraphy, Hoàng nắm trong tay một loạt thành tích đáng nể như: Bậc thầy trong môn nghệ thuật calligraphy tại Việt Nam, từng tới giảng dạy tại 12 quốc gia trên thế giới, được tạp chí Pen World và nhiều tờ báo quốc tế chú ý...

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 1.
Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 2.

Calligraphy hiểu nôm na là viết chữ đẹp. Nhưng theo giải thích của Hoàng, hơn cả chữ đẹp, đó là môn nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa viết và trang trí (vẽ, dát vàng, khảm...) liên quan tới những con chữ. Hoàng chính thức bén duyên với calligraphy khi đang là sinh viên năm nhất nhưng thực ra tình cảm của cậu dành cho bộ môn này đã được tình cờ vun trồng, nuôi dưỡng bởi ông nội từ thuở thơ bé.

Hoàng kể ông nội cậu thuộc thế hệ ngày xưa, thành thạo cả tiếng Hán Nôm, tiếng Pháp lẫn chữ quốc ngữ. Ông kiêm nhiều nghề, từ thợ kim hoàn, thợ bốc thuốc, cho đến thầy giáo. Vậy nên ông lưu giữ trong nhà rất nhiều bản chép tay liên quan đến các công thức chế tạo thuốc, cách nuôi động vật, trồng cây,...

Hồi ấy anh trai Hoàng, vốn thuộc kiểu người trầm tĩnh, thường hay được ông đọc truyện Kiều, văn chương lúc ru ngủ trên võng. Còn cậu tính hiếu động, nghịch ngợm nên ông đưa vào một số khuôn khổ như tập viết, làm đồ thủ công, đóng sách... Dần dần, tình yêu với những con chữ thấm vào trong Hoàng suốt những tháng ngày đi học, và cậu luôn ưa thích viết tay hơn việc soạn văn bản trên máy tính.

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 3.

Đến khi lên đại học, Hoàng bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về nghệ thuật viết chữ. Những ngày đầu giống như người đi trong bóng tối không có đèn pin, Hoàng phải mò mẫm tự xem các video online, rồi tìm mua bút về viết theo. Cậu cũng làm thêm nhiều nghề bên ngoài như gia sư, dịch sách báo,... để có đủ chi phí mua sắm các dụng cụ học tập cần thiết.

"Dĩ nhiên khó khăn nhất không phải là tiền mà ở Việt Nam thời đó, cái gì cũng không có sẵn: Không trường lớp, không sách vở, thầy cô, hội nhóm,...Mình cứ lên online học, chỗ nào không hiểu thì email hỏi đại mấy người nước ngoài, có người thấy phiền, cũng có người vẫn cởi mở và giải đáp.

Khá may là tiếng Anh mình tốt nên mình tự đọc tài liệu. Rồi mình lên Instagram để giao lưu với những người cùng chí hướng, không chia sẻ được với các bạn Việt Nam thì chia sẻ với các bạn nước ngoài", Hoàng kể.

Hoàng nhớ số tiền đầu tiên kiếm được từ niềm đam mê này vào khoảng năm 2 đại học. Hoàng thiết kế chữ ký và đăng bán thành công trên một trang web nước ngoài dành cho giới freelancer. Khoản tiền ấy chỉ khoảng 5 USD, sau khi trừ các loại chi phí Hoàng nhận về 3 USD. Số tiền tuy ít ỏi nhưng đủ để tiếp thêm động lực cho cậu trên hành trình đặc biệt của riêng mình.

 
 
Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 5.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, nghiêm túc theo đuổi đam mê, sang đến năm thứ 3 đại học, Hoàng đã bắt đầu đem kiến thức của mình truyền lại cho những người mong muốn tìm hiểu bộ môn calligraphy. Và đến năm cuối, lần đầu tiên cậu ra nước ngoài dạy học, cũng là lần đầu tiên chàng trai sinh năm 1993 được đi máy bay.

Quãng thời gian 2 tuần giảng dạy tại Singapore và Indonesia khiến Hoàng thêm quyết tâm theo đuổi calligraphy đến cùng, không còn phải phân vân, suy nghĩ.

"Mình học Ngoại thương và bố mẹ cũng mong ra trường tìm được công việc ổn định. Cảm giác lúc ấy chưa biết chọn hướng nào thì việc ra nước ngoài tạo động lực để mình nhanh chóng xác định con đường tương lai. Mình biết mình có thể kiếm tiền từ việc vươn ra bên ngoài chứ không trong ao làng nữa", Hoàng nhớ lại.

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 6.

Từ khởi điểm ban đầu là Singrapore và Indonesia, đến nay, Hoàng đã mang lớp học của mình tới 12 quốc gia trên thế giới, trong đó có những nơi mà calligraphy phát triển rực rỡ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Dĩ nhiên công việc nhìn qua có vẻ nhàn hạ nhưng thực tế rất áp lực. Chàng trai 9x cho biết mỗi lần ra nước ngoài, một khóa học có thể kéo dài liên tiếp trong 3-5 ngày, mỗi ngày lại phải hoạt động không nghỉ từ 9h sáng đến 6h chiều, sau đó là giao lưu, talkshow đến 10h đêm. Đấy là chưa kể thời gian di chuyển bằng xe hơi hay trên các phương tiện công cộng.

"Nhưng trên tất cả, những chuyến đi cho mình năng lượng tốt, vì mình được chia sẻ câu chuyện với nhiều người đồng đạo. Ở đó, học sinh cũng cởi mở hơn, mọi người thẳng thắn chia sẻ, góp ý chứ không có văn hóa ‘trò sợ thầy’ như Việt Nam", Hoàng chia sẻ.

Đến nay, ngoài dạy học, Hoàng còn nhận viết thuê cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu. Chàng trai 9x tiết lộ đã từng viết cho những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Hermes, Gucci hay YSL trong các sự kiện truyền thông, giới thiệu sản phẩm. Gần đây nhất, Hoàng nhận hợp tác với Crane, thương hiệu trăm năm tuổi về in ấn thiệp tại Mỹ.

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 7.

Điểm đặc biệt là tất cả những bức viết nghệ thuật đều được Hoàng thực hiện bằng cây bút do chính cậu sản xuất ra, đúng như câu nói trong tiếng Anh "A penman makes his own pen".

Thời gian đầu theo học calligraphy, Hoàng mua bút bên ngoài về tập viết. Tuy nhiên mức giá gần 1 triệu đồng/cây bút gỗ quá cao nếu so với thu nhập một sinh viên năm 2, năm 3, và Hoàng nảy ra ý định tự sản xuất bút. Cậu tìm mua một chiếc máy tiện, rồi ra làng nghề mua gỗ, sau đó lên Youtube tự học các quy trình.

Đó là những ngày tháng mà căn phòng trọ nhỏ ngày đêm bụi mù trong mạt gỗ, hàng xóm liên tục than phiền vì ồn ào, còn những cây bút thô sơ chỉ được sơn bóng bằng dầu Olive.

Tuy nhiên theo thời gian, Hoàng trang bị thêm nhiều loại máy móc khác như máy mài, máy đánh bóng... Cậu cũng nghiên cứu, học hỏi các kỹ thuật đặc biệt trong quá trình sản xuất bút như sơn mài, khảm trai... Kết quả là thời gian sản xuất giảm xuống còn chất lượng sản phẩm ngày một tăng lên. Trong những lần đi dạy nước ngoài, nhiều học viên, đối tác đã đề nghị mua bút do Hoàng chế tạo. Dần dần, đây trở thành một trong những nguồn thu chính của cậu.

"Hơi thực dụng một chút nhưng làm bút vừa giúp mình kiếm tiền, vừa thỏa mãn đam mê. Bút do mình sản xuất ra nên mình hiểu rõ công cụ trong tay hơn, nét chữ cũng có thần hơn. Nhiều khi bút chỉ khác nhau một chút chỗ tay cầm nhưng cảm giác viết đã rất khác, giống như đi xe đạp vậy đó, yên xe cao thấp khác nhau thôi là đã khác rồi", Hoàng chia sẻ.

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 8.

Đến nay, Hoàng ước tính đã sản xuất trên dưới 4.000 cây bút, trong đó mẫu đắt nhất đến tay khách hàng là 450 USD (khoảng 10 triệu đồng). Những mẫu như vậy thường có thiết kế khảm trai, sơn mài, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian nên giá bán cao hơn. Còn những mẫu bình thường, sẽ có giá từ 100 - 200 USD.

Với phong cách phối màu gỗ theo kiểu tương phản, các sản phẩm của cậu được cộng đồng calligraphy đón nhận nhiệt tình.Theo tiết lộ, trung bình một ngày, Hoàng bán được 1 cây bút, và cả tháng là khoảng 30 cây bút. Cậu sẽ bán cho khách nước ngoài qua các website riêng và sàn thương mại điện tử, còn khách Việt Nam thường đến mua tận nơi để được tư vấn trực tiếp.

Nhưng Hoàng là một người bán hàng khá kén khách, nếu không nói là "chảnh". Hoàng thích bán cho những người có hiểu biết về bút, nghĩa là họ biết mình muốn gì và cần gì, hơn là những khách hàng mới. Bởi theo Hoàng giải thích, chưa chắc khách hàng mới đã thật sự hiểu hết về bút mà nhiều khi chỉ muốn người thợ làm ra một tác phẩm theo ý thích của họ.

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 9.
 
 

"Mình nghĩ mỗi cây bút nên có những phần trăm nhất định dành cho sự sáng tạo của người thợ. Và khi tác phẩm đến tay người dùng, họ sẽ thật sự trân trọng công sức của người thợ đó. Nếu chỉ coi thợ là người gia công theo yêu cầu thì mình sẽ từ chối. Mình rất hay từ chối khách luôn. Mình nghĩ nguồn thu đến từ khách hàng thực sự thấu hiểu sẽ bền hơn nguồn thu từ những khách hàng nhất thời", Hoàng chia sẻ.

Dù không tiết lộ chi tiết con số thu nhập nhưng Hoàng cho biết cậu đã có thể sống thoải mái từ niềm đam mê của mình mà không quá bận tâm chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, Hoàng không mua nhà, mua xe hay các loại bất động sản. Thay vào đó, cậu liên tục tái đầu tư vào các khóa học mới, tích cực ra nước ngoài tìm kiếm thầy giỏi để không ngừng nâng cao trình độ và kiến thức của bản thân với bộ môn calligraphy.

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 11.

Tính từ thời điểm năm nhất đại học đến nay, Đào Huy Hoàng đã có gần một thập kỷ theo đuổi nghiệp viết chữ, làm bút. Có thể kể đến những thành tựu đáng nể của chàng trai này như 3 năm liên tiếp dành học bổng calligraphy của Mỹ (học bổng 1 tuần, được đài thọ chi phí máy bay, ăn ở), trở thành nhân vật trên các tạp chí quốc tế uy tín như Pen Work, Type..., được mệnh danh là bậc thầy calligraphy tại Việt Nam.

Năm 2019 là năm Hoàng tiếp tục hoạt động mạnh với việc mở triển lãm solo đầu tiên tại Hà Nội, làm talkshow trong TPHCM, đi dạy tại Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ và mở các triển lãm ngắn hạn tại những quốc gia này.

Năm nay, vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hoàng chỉ có thể dạy online và tiếp tục làm bút. Thu nhập của cậu cũng giảm từ 30-50% nhưng theo tiết lộ là vẫn đủ sống và dư ra một khoản riêng để trau dồi kiến thức.

Bù lại, Hoàng có thời gian để chuẩn bị tác phẩm cho triển lãm kỷ niệm 10 năm sự nghiệp, dự kiến tổ chức vào 2021, và hoàn thiện các cuốn sách liên quan tới calligraphy.

"Thành tựu khiến mình tự hào nhất? Chắc là đi dạy. Mình thích dạy lắm vì mình thuộc tuýp nghệ sĩ thích truyền tải kiến thức chứ không phải người ham sáng tác".

Sống bằng đam mê: Cựu sinh viên FTU rẽ ngang sang nghề viết chữ, đến nay thành nghệ nhân calligraphy số 1 Việt Nam - Ảnh 12.

"Học sinh của mình có người theo học 6-7 năm nay. Dĩ nhiên không phải liên tục vì cũng có những quãng nghỉ ngắn nhưng mình thấy ở họ sự tiến bộ và cố gắng. Cuối cùng họ cũng viết rất tốt, đủ điều kiện để nhận viết cho các nhãn hàng. Thấy học sinh tiến bộ và đi lên là mình tự hào nhất", Hoàng bộc bạch.

Trong năm tới, bên cạnh dự định tổ chức triển lãm 10 năm, chàng trai 9x mong muốn có thể học thêm nghệ thuật sơn mài Nhật Bản để nâng cao tay nghề làm bút. Dài hơi hơn, Hoàng kỳ vọng sẽ xuất bản một vài cuốn sách hướng dẫn viết calligraphy, gây dựng chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng calligraphy quốc tế và đem bộ môn nghệ thuật này tiếp cận với nhiều lớp khản giả hơn nữa.

Hồng Nhung
Duy Anh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024