Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Phước – CEO Công ty First News Trí Việt, doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập Đoàn Xây Dựng Hòa Bình đã mua 3 ấn bản Muôn Kiếp Nhân Sinh phiên bản đặc biệt của GS John Vu - Nguyên Phong và chuyển cho First News - Trí Việt 100 triệu. Số tiền này được chuyển cho Soha.vn ngay hôm nay để mua máy thở cho các Bệnh viện tuyến đầu giúp đồng bào Tp.HCM.
Trước đó, ông Lê Viết Hải đã đấu giá thành công bức tranh sơn dầu "Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử" của hoạ sĩ Bùi Lệ Trang ngày 22/7/2015 do First News - Trí Việt và Chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức với giá cao nhất 1 tỷ 280 triệu để tặng toàn bộ số tiền đó cho các Gia đình 64 Liệt Sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 và các Cựu chiến binh bị Trung Quốc bắt trả về và các CCB Gạc Ma còn sống sót.
"8 LÀ CON SỐ GẮN VỚI SỐ MỆNH CỦA TÔI"
3 cuốn Muôn kiếp nhân sinh mà ông mua mang con số 235, 358 và 555. Những con số này có gì đặc biệt khiến ông lựa chọn?
Lâu nay, tôi vẫn đồng hành với Trí Việt và First News trong công tác thiện nguyện và những hoạt động vì xã hội, cộng đồng. Tôi thấy anh Phước rất nhiệt tình trong những công việc đó mà tôi lại không có điều kiện để trực tiếp làm, nên mỗi khi họ có chương trình, tôi sẽ tham gia bằng cách chia sẻ ý kiến hoặc đóng góp một số hiện kim để tài trợ.
Về việc chọn mua 3 ấn bản MKNS mang con số 235, 358 và 555, thực ra chỉ có con số 555 là ấn bản đặc biệt mà anh Phước có đem đấu giá thôi, mà cũng chưa có ai lấy nên tôi đóng góp qua việc mua ấn bản đó.
Còn 235 và 358 tuy không phải là ấn bản mang con số đặc biệt đối với mọi người nhưng lại khá đặc biệt đối với tôi. 235 là con số địa chỉ của văn phòng gốc, văn phòng chính thức đăng ký của công ty (235 Võ Thị Sáu). 358 thì 58 là năm sinh của tôi, 35 tổng là số 8 nên tính vào thành 2 con số 8.
Con số 8 là con số gắn với số mệnh của tôi. Rất nhiều sự trùng hợp khó lý giải được về con số đó.
Trước hết, ngày sinh tháng đẻ của cả gia đình gồm tôi, vợ tôi và hai đứa con đều liên quan đến con số 8, tính kiểu nào đi nữa thì cũng có con số 8 nằm trong ngày sinh. Thứ 2 là trong số chứng minh nhân dân, số xe, số nhà đều liên quan đến con số 8 bằng cách này hay cách khác.
Tiếp nữa là hệ thống quản lý, nhận diện thương hiệu cũng liên quan đến con số này, nội dung về văn hóa doanh nghiệp của công ty tôi cũng nằm trong con số 8 và cả những cuốn sách tôi viết cũng liên quan đến con số 8 đó (sách Thập kỷ vàng trang sử mới).
Bộ sách Muôn kiếp nhân sinh được đấu giá để gây quỹ mua máy thở cho bệnh nhân F0.
Theo quan niệm dân gian, số 8 là con số phát. Ông có nghĩ mình sinh ra với một con số may mắn và trở thành người giàu có?
May mắn thì cũng có, nhưng sự giàu có theo tôi chỉ là phương tiện để mình có thể làm được những việc có ích cho đời và đảm bảo cuộc sống kinh tế gia đình để mình không phải lo lắng, từ đó làm được nhiều việc khác.
Cá nhân tôi, tôi ăn tiêu cho riêng cho mình cũng không khác gì một nhân viên có thu nhập bình thường. Nếu nói về những nhu cầu cá nhân, tôi không cần mua sắm những gì đắt tiền cả, nhu cầu cực kỳ đơn giản. Tôi chủ yếu xài đồ Việt Nam.
Được biết ông mua 3 ấn bản MKNS đặc biệt này để tặng cho 2 người con trai là Lê Viết Hiếu - CEO Tập đoàn Hòa Bình và Lê Viết Hòa - GĐ chiến lược của Tập đoàn Hoà Bình. Ông "chia" sách như thế nào đây?
Hiếu được quyển số 235, Hòa được quyển số 358. Anh số lớn, em số nhỏ.
Cuốn 555 thì tôi để trong tủ sách gia đình.
Lê Viết Hiếu trở thành CEO Tập đoàn Hòa Bình đúng vào thời điểm doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Ông có phải hỗ trợ nhiều không?
Hiếu lên làm Tổng giám đốc đúng thời điểm khó khăn nhưng cũng không cần phải động viên nhiều lắm, Hiếu rất bản lĩnh và chủ động, muốn tự giải quyết vấn đề trong phạm vi trách nhiệm của mình và cũng không muốn bố can thiệp nhiều đâu.
Đôi khi, Hiếu cũng có những cách làm khác với quan điểm của tôi nhưng cái chung vẫn làm vì công ty, vì cộng đồng, vì lợi ích chung chứ cũng không bao giờ nghĩ riêng về bản thân Hiếu.
Tôi vẫn cố gắng tư vấn cho con thêm, nhưng không muốn dẫm chân lên chức năng nhiệm vụ của con mà tôi làm đúng với vai trò Chủ tịch. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên theo dõi để khi Hiếu cần đến có thể đưa ra ý kiến đóng góp, đồng thời tôi vẫn tham dự họp và tham gia những công việc của ban điều hành khi cần thiết.
NHỮNG GÌ MÌNH LÀM, CON CHÁU MÌNH CHỊU, QUỐC GIA LÀM, THẾ HỆ SAU GÁNH CHỊU
Ông chia sẻ với ông Phước rằng "Muôn kiếp nhân sinh" chứa những bài học về biến động tai ương từ dịch bệnh, liên quan đến nhân quả con người gây ra. Cụ thể, những bài học ấy là gì?
Tôi sinh ra trong một gia đình Phật tử, ba mẹ tôi là 2 người rất tôn sùng đạo Phật. Ba tôi là hiệu trưởng trường Bồ Đề (Huế), trường đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên hệ thống trường Bồ Đề chỉ tồn tại đến năm 1975, sau đó thì không còn nữa.
Hồi đó ba tôi là người đầu tiên xây dựng những nội dung chương trình học cũng như tổ chức một trường của Giáo hội, giúp đỡ cho Giáo hội xây dựng cả hệ thống trường Bồ Đề trên toàn quốc.
Theo đó, tôi đã được thấm nhuần luật nhân quả từ nhỏ. Khi đọc MKNS, tôi hiểu những câu chuyện đó, tuy cũng có đôi chút hư cấu nhưng thực ra vẫn có sự thật. Nhân quả luân hồi thì không phải là phổ biến mà rất hiếm hoi mà người ta nhận ra được quy luật đấy.
Đối với tôi, phải hiểu rất sâu bản chất của luật đó để vận dụng trong đời sống chứ không chỉ hiểu một cách đơn giản. Ví dụ như những việc mình làm, con cháu mình nhận hoặc quốc gia làm thì những thế hệ sau gánh chịu.
"COVID-19 là minh chứng rõ ràng nhất cho luật nhân quả bởi chính con người gây ra kết quả này khi tàn phá sự cân bằng sinh thái của tự nhiên"
COVID-19 là minh chứng rõ ràng nhất cho luật nhân quả bởi chính con người gây ra kết quả này khi tàn phá sự cân bằng sinh thái của tự nhiên. Trong một thời gian quá ngắn, loài người phát triển tạo ra sự thay đổi quá nhanh, làm mất đi trạng thái cân bằng vốn đã tồn tại hàng triệu năm của Trái đất này.
Đây chỉ là một trong những hậu quả của sự phát triển chưa phù hợp khi nhu cầu hưởng thụ của con người quá lớn, lẽ ra con người cần phải kiềm chế hơn, chứ không phải tiêu thụ hàng hóa một cách vô tội vạ.
Một người mỗi năm có thể mua hàng chục đôi giày hàng trăm bộ quần áo để làm gì? Trong khi mình phải tiêu thụ bao nhiêu nguyên liệu hóa thạch đã hình thành trong hàng triệu hàng tỷ năm mới ra, thậm chí chỉ trong một trăm năm cuộc đời mà mình đã dùng gần hết rồi. Một thế giới phát triển trên nền tảng khai thác quá mức nhu cầu hưởng thụ của con người, đó là hiểm họa cho Trái đất này.
Là một người làm kinh tế, lẽ thường, ông nên mong muốn người ta tiêu thụ càng nhiều hàng hóa càng tốt. Tại sao ông có suy nghĩ ngược lại như vậy?
Những nhà sản xuất, những nhà kinh doanh phải khai thác như vậy, nhưng việc khai thác nhu cầu của con người mà không kiểm soát được việc biến đổi về môi trường cũng như quản lý được tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hiện tại.
Lâu nay người ta đã nhận thức ra phải chuyển sang phát triển bền vững và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhận ra vấn đề nhưng đã quá trễ rồi.
Khi người ta đã đi theo hướng như trên, bằng mọi giá họ phải tiếp tục đáp ứng được nhu cầu của con người và phải tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên, tiếp tục hủy hoại môi trường để đảm bảo được sự phát triển kinh tế và thế là không duy trì được sự cân bằng sinh thái.
"Muốn thay đổi thế giới này, chỉ có một cách hiệu quả nhưng cần thời gian, đó là giáo dục cho thế hệ mới một nhận thức rõ ràng hơn, đúng đắn hơn về thế giới mình đang sống"
Theo ông, điều gì sẽ xảy ra?
Nó sẽ dẫn đến một nguy cơ rất lớn đó là chiến tranh.
Bởi khi người ta tranh giành, xâu xé nhau tài nguyên, thị trường, quyền lực,... và không có đủ để đáp ứng cho các bên thì một bên nào đó muốn chiếm ưu thế, sẽ phải dùng đến vũ lực.
Theo tôi, nguy cơ đó không đến ngay đâu mà có thể xảy ra trong khoảng 1-2 thập kỷ nữa khi nguồn tài nguyên đến mức thiếu hụt trầm trọng và sự tranh giành đến tầm sống còn giữa những thế lực lớn trên thế giới.
Vậy chúng ta cần làm gì?
Để ngăn chặn thì rất khó vì mình đâu thể khuyên nhủ được ông lớn này, ông lớn kia.
Muốn thay đổi thế giới này, chỉ có một cách hiệu quả nhưng cần thời gian, đó là giáo dục cho thế hệ mới một nhận thức rõ ràng hơn, đúng đắn hơn về thế giới mình đang sống và làm cho họ nhận ra sai lầm của thế hệ đi trước.
Những nhận thức cần phải thay đổi đó là thứ nhất, tất cả dân tộc trên thế giới này phải nhận ra một điều rằng chúng ta đều cùng một loài, có thể lấy nhau và sinh con đẻ cái được. Không nên phân biệt chủng tộc, màu da, địa phương mà tất cả loài người trên thế giới này phải xem Trái đất là quê hương của mình và phải chia nhau trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ cho quê hương mình.
Bởi nếu mình không biết cách bảo vệ thì nguy cơ Trái đất này trở thành nơi không thể sống được nữa. Nếu loài người không sống được trên thế giới này thì dân tộc làm gì còn, quốc gia làm gì còn?
Với vai trò là một doanh nhân và trong phạm vi một doanh nghiệp như Xây dựng Hòa Bình, ông đã làm gì để thay đổi những vấn đề đang diễn ra và bảo vệ cuộc sống mà ông nhắc đến?
Tôi đang xây dựng một doanh nghiệp mang tên Hòa Bình, lấy hòa bình làm cái gốc, cái nền cho sự phát triển, không gây ra những cuộc chiến trong kinh doanh mà phát triển kinh doanh bằng cách hợp tác, chia sẻ với nhau sứ mệnh là đem đến lợi ích cho cộng đồng.
Trong cuốn sách "Thập kỷ vàng trang sử mới" tôi cũng đề cập tới đề tài hòa bình một chút và tôi đã suy nghĩ về đề tài này sâu hơn khi đúng vào ngày làm lễ ra mắt cuốn sách thì xảy ra một việc tình cờ. Trên tờ lịch có một thông điệp trùng hợp với những điều tôi diễn đạt trong sách. Điều này càng khiến tôi chắc chắn con đường đó là con đường đúng đắn nhất để có thể đạt được những mục đích mình đặt ra.
Thông điệp đó là: "Hòa bình là điều mà con người ai cũng muốn và hòa bình có thể đến với nhân loại thông qua trẻ nhỏ".
Đó chính là chìa khoa, làm tôi phải suy nghĩ sâu hơn về đề tài hòa bình. Tôi cũng nảy ra ý định phải viết cuốn sách về đề tài hòa bình để mình sử dụng chìa khóa đó một cách hiệu quả.
TRẬN CHIẾN VỚI COVID CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Khi nhắc đến bất kỳ khó khăn gì ông cũng đều nói: Đó là điều bình thường trong kinh doanh, trong cuộc sống. Ông chỉ thừa nhận khó khăn lớn nhất là tai nạn lao động trên công trường. Hiện nay dịch bệnh cũng gây ra cho công nhân của ông những vấn đề về sức khỏe. Đó có phải là nỗi đau của ông lúc này? Và ông dự tính sẽ làm những gì để vượt qua?
Đó đúng là vấn đề làm tôi khó ngủ nhiều đêm và tôi nóng ruột vì nhận ra mình chưa có phương án nào tối ưu cho việc phòng và chống dịch. Lẽ ra mình có thể kiểm soát tốt hơn bằng những giải pháp hiệu quả hơn chứ không phải để tình trạng trở nên bi đát như thế này.
Mặc dù vừa rồi tôi không trúng cử đại biểu Quốc hội nhưng tôi nghĩ những vấn đề quốc gia mình vẫn phải có trách nhiệm vì "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", mình phải đóng góp giải pháp chứ không phê phán, nhưng giải pháp gì thì cũng phải rất cụ thể và thực sự mang đến hiệu quả.
Đó là lý do tôi viết công thức "7K + 3T". Công thức này tôi đã cùng đội ngũ của mình viết ra và Hòa Bình đã áp dụng công thức này thành công. Có những nhân viên mà gia đình có 5 người thì 4 người F0, họ đã thành công trong cách tự cách ly, tự chăm sóc rồi.
Trong đó 7K bao gồm : "Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế - Không khí trong lành – Khỏe mạnh" và 3T là "Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự điều trị".
Công thức 7K + 3T không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả.
Song song với việc áp dụng "công thức 7K+3T", chúng ta cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu. Trong bối cảnh hiện nay chỉ có đẩy mạnh tiêm phòng thì mới có thể nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được mục tiêu kép.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Doanh nghiệp và Tiếp thị