Đoàn nhà nước nhường giờ vàng cho tư nhân
Khi lệnh mở cửa được ban hành, ngay lập tức nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lên sàn tập cùng lúc các vở gồm Người yêu của đảo chúa, Đứa con họ Triệu, Tiếng trống Mê Linh và gần đây thêm vở Ngược gió (tác giả Tiết Duy Hòa, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương). Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang quản lý luôn rạp Hưng Đạo (136 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM), nơi được xem là “thánh địa” cải lương Sài Gòn, nên có rất nhiều lợi thế so với các đoàn xã hội hóa không có nhà hát.
Vậy nhưng, ban giám đốc đã quyết định nhường giờ vàng cho các đoàn tư nhân thuê rạp tại đây, và Trần Hữu Trang cũng lên kế hoạch diễn tránh sự trùng lịch.
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, “giờ vàng” của khán giả xem cải lương mùa tết tại Sài Gòn, vào khoảng 10 năm trở lại đây, được tính từ mồng 6 tết cho đến hết tháng Giêng. Từ ngày mồng 1 đến mồng 5, mọi người đi thăm viếng họ hàng và đi chơi. Đến ngày mồng 6 bắt đầu mua vé vô rạp xem hát.
Cụ thể vào đêm mồng 8 tết tức 8.2.2022, đoàn cải lương xã hội hóa Vũ Luân diễn vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Đêm mồng 9 tết tức 9.2.2022 đoàn xã hội hóa Vũ Luân tiếp tục diễn vở Dương Quý Phi. Mồng 7 tết tức 7.2.2022 không có đoàn tư nhân nào diễn nên Nhà hát Trần Hữu Trang phục vụ vở Đứa con họ Triệu của soạn giả Hoàng Song Việt. Mồng 12 tết tức 12.2.2022 đoàn 1 Trần Hữu Trang diễn vở Tiếng trống Mê Linh.
Hiện tại, ban giám đốc nhà hát đang thương lượng lịch diễn với ông bầu NSƯT Lê Nguyên Đạt của sân khấu Sen Việt, và lịch diễn cho các đoàn khác vẫn còn đang bàn bạc và để ngỏ cho đến sát tết. Thay vào đó, đoàn 1 nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ trình diễn chương trình ca cảnh Nghệ sỹ mừng xuân có sự tham gia của NSƯT Trọng Phúc và NSƯT Thanh Ngân cùng tập thể nghệ sĩ nhà hát vào ngày mồng 3 tết tức 3.2.2022.
Giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, ông Phan Quốc Kiệt chia sẻ: “Chúng tôi nhờ có nguồn kinh phí nhà nước, dù không nhiều, và có nhà hát nên thuận lợi hơn nhiều so với các đoàn bạn thuộc tư nhân, không có nguồn tài chính lớn và nhà hát. Chúng tôi hiểu rõ khó khăn mà anh chị em nghệ sĩ tự do đã và đang đối mặt nên chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế hỗ trợ, tạo động lực để khối nghệ thuật cải lương xã hội hóa phát triển. Vì vậy, chúng tôi ưu tiên lịch diễn tốt cho các ông bà bầu tư nhân muốn thuê rạp, chúng tôi diễn sau cũng không sao. Cũng đã lâu rồi các bạn không được trình diễn trong các tuồng có đầu tư hoàn chỉnh nên đã quá nhớ nghề. Giờ là lúc để các bạn tái ngộ khán giả thân thương. Nói thật lòng, việc cho thuê rạp cũng là nguồn thu của nhà hát trong thời điểm khó khăn. Chúng tôi nhường giờ đẹp cũng là cách phục vụ tốt vậy”.
Không chắc có đông khán giả
Sân khấu Chí Linh – Vân Hà cũng muốn được diễn tại rạp Hưng Đạo nhưng vì sân khấu này diễn trùng vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài với sân khấu của NSƯT Vũ Luân nên cuối cùng phải dời qua nhà hát Thành phố, vào mồng 12 tết âm lịch tức ngày 12.2.2022. Thực ra vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài đã được ông bầu nghệ sĩ Chí Linh chuẩn bị từ đầu năm 2021 với sự tham gia của hai vai chính là Võ Minh Lâm và NSƯT Tú Sương.
NSƯT Vũ Linh biết tin cũng đã quyết định tham gia cùng ekip. Sự xuất hiện của anh đã tạo cú hích mạnh để các fan hâm mộ mua vé. Nhưng dịch bệnh COVID-19 tấn công khiến Sài Gòn tê liệt, kế hoạch diễn phải dời đi đời lại nhiều lần. Lúc đầu, ký hợp đồng diễn tại nhà hát thành phố vào mồng 7 tết tức ngày 7.6.2021 nhưng vì lệnh giãn cách đã phải dời qua ngày 12 tháng Giêng âm lịch năm 2022, tức là sau Tết âm lịch.
Năm qua, sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long gặp nỗi đau rất lớn khi người cầm trịch là đạo diễn, soạn giả Bạch Mai qua đời cùng với hai người em nghệ sĩ của mình. Trách nhiệm gánh vác đoàn hát có tuổi đời gần trăm năm đã dồn lên đôi vai bé nhỏ của Bình Tinh, con gái của soạn giả Bạch Mai, hậu duệ đời thứ năm. Nữ nghệ sĩ trẻ này cũng xoay sở hết mức có thể nhưng mất đi cùng lúc quá nhiều người quan trọng của đoàn cũng khiến cho việc đầu tư vở tuồng lớn gặp nhiều khó khăn.
Sau cùng, NSƯT Hữu Quốc, người xem cố nghệ sĩ Bạch Mai như người thầy đáng kính đã tự nguyện về phục dựng vở Tái sanh duyên tức Mạnh Lệ Quân kỳ nữ. Được biết, NSƯT Hữu Quốc sẽ giữ lại hồn cốt của bản dựng rất thành công của cố nghệ sĩ Bạch Mai, nếu có điểm gì mới, thì đó chỉ là những tình tiết nhỏ. Sự tham gia của NSƯT Vũ Linh và NSƯT Thoại Mỹ cũng là nhân tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho vở diễn mang màu sắc hương xa này. Tái sanh duyên sẽ công diễn ngày mồng 8 và mồng 9 tết tức ngày 8 và 9.2.2022 tại rạp Hồng Liên cũ, giờ là Trung tâm văn hóa Hậu Giang, 259 Hậu Giang, phường 5, quận 6.
Được biết, đoàn cải lương Đại Việt cũng có ý định công diễn vở Nàng Xê – đa nhưng ông bầu Hoàng Song Việt vốn cũng là người của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tán thành ý kiến nhường lịch diễn cho các đoàn bạn. Anh lý giải rằng số lượng khán giả chịu bỏ tiền ra mua vé đến rạp xem ủng hộ nghệ sĩ không nhiều.
Ở các suất hát của các đoàn khác nhau, cũng chỉ chừng đó những gương mặt khán giả. Trong khi đó, các đoàn diễn trùng ngày hoặc lịch diễn quá sát nhau khiến cho việc bán vé trở thành một bài toán khó. Hơn nữa, dư âm dịch bệnh vẫn còn quanh quẩn khiến nhiều người e ngại việc đến chốn đông người, nên đoàn Đại Việt quyết định dời lịch diễn Nàng xê – đa sang tháng 2 âm lịch, tức sau Tết.
Sàn diễn kịch, vở cũ mà mới
Trước khi liên hoan sân khấu kịch toàn quốc diễn ra, các ông bà bầu không nghĩ đến việc diễn tết. Sau khi Liên hoan đi qua nửa chặng đường, các sân khấu đã phát đi tín hiệu sẽ mở cửa phục vụ mùa kịch Tết. Bà bầu Tracey Thúy Nguyễn, bà xã của ông bầu Trần Đại của sân khấu Thế giới trẻ chia sẻ: “Chúng tôi đóng cửa phòng vé suốt năm, đến khi Liên hoan diễn ra, chúng tôi mở cửa phòng vé lại, nhiều khán giả ghé vào hỏi thăm, mua vé. Chúng tôi nhận ra rằng có nhiều người mê kịch vẫn đang mong chờ được xem thể loại mà họ yêu thích. Điều này có tác động đến quyết định của chúng tôi”.
Tracey Thúy Nguyễn nói thêm: “Trước đây, trong bài toán kinh doanh, nếu nhà nước cho sân khấu sáng đèn mà bắt buộc tuân thủ giãn cách xã hội, ngồi cách một ghế, chúng tôi chỉ bán được 50% số vé. Chắc chắn lỗ vốn. Không chỉ vậy, ngay cả việc cho mở cửa mà tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng, chúng tôi không dám mạo hiểm. May mắn là vào đầu tháng 1.2022, Liên hoan kịch gần kết thúc thì số lượng người nhiễm bệnh COVID-19 tại TP.HCM giảm từ vài ngàn xuống còn vài trăm người trong ngày. Hơn nữa, thành phố cho phép chúng tôi bán vé hết công suất. Tất cả các yếu tố này cộng lại khiến chúng tôi mở cửa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng: yếu tố an toàn sức khỏe là quan trọng nhất”.
Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 tại TP.HCM (đợt 2), số lượng đơn vị nghệ thuật đăng ký tham dự lên đến 21, số lượng kịch mục lên đến 26 vở, thế nhưng phần lớn đơn vị diễn kịch mục cũ. Có một số vở dựng mới hoàn toàn, dành riêng cho liên hoan, ví dụ như Blouse trắng, Lạc giữa biển người, Chuyện làng, Mảnh vở, Mưa bóng mây, Câu hò đất mẹ, Thành phố tình yêu, Hành trình tìm bức chân dung... Vở Lạc giữa biển người đánh dấu sự trở lại của NSƯT Hoài Linh sau một năm gặp nhiều sức ép từ công chúng vì chuyện từ thiện.
Trong số này, theo dự kiến, Lạc giữa biển người sẽ công diễn vào dịp Tết tại Nhà hát thành phố (chưa xác định ngày), Chuyện làng sẽ công diễn vào các ngày Mồng 4 và Mồng 5 tết tại sân khấu Sen Việt, tầng 1 của sân khấu 5B Võ Văn Tần.
Các vở còn lại sẽ diễn phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc các tỉnh theo hợp đồng, ngay cả dịp Tết. Còn lại, từ mồng 1 tết các sân khấu Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ sẽ trình diễn lại kịch mục đã chuẩn bị từ mùa Tết năm 2021 nhưng chưa được diễn vì lệnh giãn cách xã hội. Riêng 5B của bà bầu NSƯT Mỹ Uyên công diễn chum hài kịch vui và mới.