Mạng xã hội đang chia sẻ hình ảnh được cho là đăng trên một tờ lịch ngày 29 Tết, trong đó có câu được chú thích rõ ràng là tục ngữ in trang trọng bên dưới: "Giao thừa vợ nấu cháo lươn/ Chồng ăn chồng…, vợ trườn ra sân". Hình ảnh tờ lịch nhanh chóng gây "bão", thu hút lượng lớn bình luận và những tranh cãi trái chiều.
Nhiều người bày tỏ bất ngờ vì lần đầu được nghe câu tục ngữ phồn thực với nhiều từ ngữ nhạy cảm nhất là lại được in trên một tờ lịch Tết.
"Tục ngữ, ca dao Việt Nam thường đúc rút những bài học kinh nghiệm cuộc sống, gửi gắm những ý nghĩa tốt đẹp của ông cha, câu này chẳng có ý nghĩa gì. Không hiểu sao người biên soạn lại chọn in trên lịch Tết được?", người dùng có tên Minh Anh viết.
"Câu này vừa tục vừa vô nghĩa, chẳng có ý nghĩa gì? Đến người lớn đọc còn đỏ mặt huống chi trẻ con đọc được thì nguy hại thế nào?", tài khoản Khoa Lan bức xúc.
Thậm chí không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là sản phẩm của photoshop, chứ "không ai dại gì lại lấy một câu vô nghĩa để in trên một trang lịch Tết trang trọng".
Trong khi đó, một số người khác lại bình luận: Tục ngữ, ca dao Việt Nam không thiếu nhưng câu "tục", mang nghĩa phồn thực.
"Câu tục ngữ này mang ý nghĩa đùa vui, diễn tả tình cảm vợ chồng không chỉ về tinh thần mà còn về ý nghĩa đời sống quan hệ vợ chồng. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng không hiếm những câu có những ngôn từ phồn thực như thế này", độc giả Hải Bình đưa quan điểm.
Pv Dân trí đã thử tìm hiểu, xác minh nguồn gốc của tấm lịch gây tranh cãi trên nhưng không thể tìm ra đơn vị in ấn, nhà xuất bản phụ trách.
Thực tế, đây không phải là lần đầu những tấm lịch Tết gây tranh cãi vì in những câu nói vô nghĩa, khó hiểu thậm chí là tục tĩu.
Trước đó, một số người dùng cũng chia sẻ tờ lịch của một doanh nghiệp in số lượng lớn tặng khách hàng, trong đó có trích dẫn câu được chú thích là ca dao tục ngữ: "Cô Ba cô Bốn lấy chồng/ Cô Năm ở lại giật mồng tăng tăng".
Chia sẻ với Pv Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, ca dao, tục ngữ được đúc kết từ trí tuệ dân gian dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, có vần nên dễ nhớ, dễ thuộc. Nội dung ca dao, tục ngữ phản ánh lăng kính cảm thụ về văn hóa dân tộc, chứa đựng nhiều giá trị của ông cha.
"Các tờ lịch đưa những câu ca dao, tục ngữ là việc quen thuộc và rất có ý nghĩa nếu những câu này phù hợp với thuần phong mỹ tục và đảm bảo được các chức năng: giáo dục, đạo đức, nhận thức và định hướng xã hội", TS Ánh Hồng nói.
Trước câu nói in trên tờ lịch Tết đang gây tranh cãi, bà Hồng cho biết "khó có thể xác định được đây có phải tục ngữ, ca dao" hay không. Bởi lẽ, tục ngữ, ca dao là văn hóa truyền miệng và có rất nhiều dị bản, người ta không biết đâu là thành ngữ, tục ngữ chính gốc đâu là biến tướng.
"Cho dù là nguyên gốc hay biến tướng thì những câu nói vô nghĩa, gây tranh cãi, tác động xấu với dư luận không nên đưa vào in trên lịch Tết. Tục ngữ, thành ngữ phải đảm bảo được các chức năng giáo dục và phù hợp với văn hóa đại chúng.
Câu nói được cho là ca dao, thành ngữ trên cũng giống như con hổ "biến tướng" ở khu du lịch Thanh Hóa gây xôn xao dư luận. Khi đã là biến tướng, không phù hợp với văn hóa đại chúng, không đáp ứng được các chức năng giáo dục, nhân văn thì nên loại bỏ, càng không nên lựa chọn in ấn vào lịch Tết", bà Hồng bình luận.
Chuyên gia văn hóa này cũng cho biết, thực tế, ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có một số câu sử dụng những từ ngữ "suồng sã", một số câu tục mang ý hài hước thậm chí còn dùng cả từ chỉ bộ phận sinh dục của con người. Tuy nhiên, vì "đúc kết" trí tuệ dân gian nên "suồng sã" nhưng trí tuệ, thâm sâu chứ không phải là những câu nói tục vô nghĩa, thô thiển.