Bảo quản gạo không cẩn thận
Việc bảo quản gạo cũng rất quan trọng, nếu gạo bị ẩm, mốc sẽ dẫn đến biến chất gây hại sức khỏe. Chính vì vậy, bạn nên để gạo ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt cũng như không để gạo tiếp xúc với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao.
Thích ăn gạo trắng tinh
Hạt gạo trắng nhìn rất đẹp mã nhưng chưa chắc đã ngon hơn. Trên thực tế những hạt gạo quá trắng là do được xay xát quá kỹ khiến cho lớp cám bao bên ngoài - vốn chứa những thành phần dinh dưỡng tốt nhất của gạo cũng bị lấy đi. Nếu ăn loại gạo này thường xuyên bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất lớn.
Nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard (ở Boston, Mỹ) đã đưa ra: Ăn gạo trắng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người ăn ba bữa gạo trắng mỗi ngày dễ mắc bệnh tiểu đường loại hai hơn những người ăn 2 bữa/tuần.
Vo gạo quá kỹ
Nhiều người có thói quen vo gạo thật kỹ để loại bỏ bụi bẩn hoặc hóa chất có trong gạo. Tuy nhiên, điều này không hề tốt như bạn tưởng vì nó chỉ khiến gạo mất đi những dưỡng chất vốn có trong loại thực phẩm này.
Bên cạnh đó, việc chà xát gạo quá mạnh có thể khiến glucid, protein, lipid, chất khoáng, vitamin B1, B2, B6... nhanh chóng “bốc hơi”. Tốt nhất, bạn chỉ nên vo sơ để vừa loại bỏ bụi bẩn, vừa bảo toàn dưỡng chất vốn có.
Không rửa tay sạch khi vo gạo
Đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất, và ít được các bà nội trợ quan tâm. Tuy nhiên, hàng ngày đôi tay của chúng ta tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn, chất bẩn.
Thậm chí, theo một nghiên cứu tại Mỹ, trung bình có tới 1.500 con vi khuẩn trú ngụ trên lòng bàn tay. Vì thế, việc không rửa sạch tay hoàn toàn có thể là con đường bạn truyền vi khuẩn vào cơ thể thông qua nồi cơm.
Nấu cơm bằng nước lạnh
Nhiều gia đình khi nấu cơm thường dùng nước lạnh để nấu trực tiếp. Điều này sẽ khiến hạt gạo trương lên và các chất dinh dưỡng đồng thời cũng tan ra trong nước.
Nếu nấu cơm bằng nước nóng, lớp ngoài của hạt gạo sẽ co nhanh lại và tạo thành lớp màng bảo vệ giúp hạt gạo không bị vỡ nứt, từ đó các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại. Việc nấu cơm bằng nước sôi, đậy vung để giữ nhiệt và tránh cho gạo tiếp xúc với không khí mà lượng vitamin B1 sẽ được giữ lại nhiều hơn 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.
Nhấn nút cook nhiều lần
Nên hạn chế tối đa việc phải nhấn nút "Cook" nhiều lần mỗi khi sử dụng nồi cơm điện, vì khi muốn hâm nóng cơm, tạo cơm cháy, nhiều người nhấn nút "Cook" nhiều lần để nồi đạt mức nhiệt như ý... Việc này dễ khiến rơ le nhiệt nồi cơm bị nhảy nút quá sớm dẫn đếm cơm sống hoặc bị khê cơm. Nếu cố tình lấy cháy ở đáy nồi, dùng những vật cứng, kim loại sẽ dễ bị bong lớp chống dính khiến nồi nhanh hỏng, lâu dần sẽ nguy hại đến sức khỏe.
Để cơm chín quá lâu mới ăn
Cơm sau khi nấu nên ăn ngay vì nếu để cơm chín quá lâu, phần cơm sẽ bị khô, cứng, mất đi vị ngọt có trong cơm, đồng thời lượng dưỡng chất cũng giảm thiểu đáng kể. Tốt nhất, bạn nên ăn cơm sau khi bật nút ủ khoảng 10 - 15 phút.
An Khuê (t/h)