Nếu như bạn cảm thấy mình hầu như đã thuộc nằm lòng các lợi ích của việc đọc, thì hôm nay hãy xem ở một phương thức khác - việc nghe - có gì đặc biệt và bạn có thể sử dụng như thế nào. Nên nhớ là trước khi ngành in phát triển vào mấy thế kỷ trước, loài người chúng ta đã học bằng hình thức truyền miệng trong khoảng 10 ngàn năm. Liệu có lợi ích nào từ việc nghe mà chúng ta đã bỏ quên ở quá khứ hay không, và thời đại công nghệ đã giúp sách nói trở nên phổ biến và tiện lợi như thế nào?
Dưới đây là 9 điểm mạnh của sách nói mà bạn có thể tham khảo:
“Bận quá không có thời gian đọc” có lẽ là lý do phổ biến nhất mà chúng ta thường dùng sau khi đã bỏ bê việc đọc trong một khoảng thời gian. Nhưng chúng ta cũng biết nếu không thể sắp xếp cuộc sống của mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thời gian cho việc đọc sách.
Trong bài viết “8 cách để những người bận rộn trở thành người ham đọc” trên tạp chí Entrepreneur cho giới kinh doanh và khởi nghiệp, sách nói chính là gợi ý đầu tiên. Lợi ích rõ ràng nhất và cũng là lý do khiến nhiều người chọn sách nói đó là nó không bắt chúng ta dán mắt vào một nơi hay phải cầm cuốn sách trong suốt thời gian đó, thay vào đó chúng ta được rảnh tay để làm những công việc nhẹ nhàng khác trong khi tai thì nghe. Có rất nhiều công việc hàng ngày mà chúng ta có thể vừa làm vừa nghe sách nói, ví dụ như khi lái ô tô, dọn nhà, nấu ăn, khi tỉa cây, đi bộ, hoặc đi kèm với những thú vui khác như đan len, tô màu… Với những công việc cần bạn luôn tay luôn chân nhưng tâm trí thì thoải mái, hãy coi đó như thời gian rảnh của não bộ và thử nghe vài cuốn sách nói xem.
“Người nào nói rằng bản thân không có thời gian rảnh rỗi để học, thì dù có thời gian rảnh rỗi họ cũng chẳng dùng để học đâu”
Hoài Nam Tử
Đâu ai muốn cuộc sống của mình bận rộn đến mức không có thời gian cho một thú vui tao nhã và bổ ích như đọc sách, nhưng nhịp sống nhanh và cạnh tranh đôi lúc buộc chúng ta phải hy sinh nhiều thời gian hơn để có được thành công. Mà việc đọc một khi đã ngắt quãng, trong vài tháng, hoặc vài năm, rất khó để chúng ta quay trở lại thói quen đọc ban đầu, chưa kể đến sức cám dỗ của các loại hình giải trí thu hút hơn ngày càng nhiều. Lời khuyên trong trường hợp này là hãy tận dụng sách như một hình thức đọc tiết kiệm thời gian hơn, nhất là lúc việc đọc đang bị ngắt quãng. Điều quan trọng là duy trì niềm hứng khởi mỗi khi học được điều mới, và giữ một tinh thần ham học.
Quá trình học hỏi của con người thường được thực hiện qua hai kênh: nghe và đọc, trong đó một kênh sẽ trội hơn kênh còn lại. Chính vì sự khác biệt này mà ta thấy có người có thể cắm mặt vào trang giấy cả ngày, trong khi người khác cảm thấy mình học tốt hơn qua việc nghe hoặc xem video. Nếu biết được kênh tiếp thu nào của mình trội hơn, chúng ta có thể dễ dàng phân bổ hoạt động học sao cho hiệu quả. Và trong một môi trường mà tri thức đi liền với việc đọc, chẳng có gì phải cảm thấy xấu hổ nếu lỡ như ta không thích nghe nhiều hơn đọc, bởi đó đơn giản chỉ là 2 cách học khác nhau, luân phiên hoạt động để giúp chúng ta học hiệu quả nhất có thể.
Sách nói không hoàn toàn là lựa chọn thay thế trong trường hợp không có hoặc không thể đọc sách giấy hay ebook. Bản thân sách nói cũng có những ưu điểm riêng mà các các loại hình khác không có, đó chính là giọng đọc.
“Đối với những người nói rằng nghe sách nói không phải là "đọc", tôi thực lòng không đồng ý. Đó chỉ đơn giản là một cách khác để tiêu thụ chúng. Và khi một người kể chuyện tuyệt vời đọc một câu chuyện hấp dẫn, đó là một trải nghiệm văn học thậm chí còn phong phú hơn.” - Deborah L. Jacobs, một nhà báo, doanh nhân bày tỏ trên tạp chí kinh doanh Forbes.
Một giọng đọc hay, chuẩn xác và truyền cảm không chỉ thu hút người nghe đến gần với nội dung cuốn sách hơn, mà nó còn ảnh hưởng đến quá trình truyền tải thông tin. Theo Daniel Willingham - giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia, người nghe có thể thu được rất nhiều thông tin từ nội dung hoặc ngữ điệu của người nói. Những nội dung châm biếm được truyền đạt qua âm thanh dễ dàng hơn nhiều so với văn bản. Và những người nghe tác phẩm của Shakespeare có xu hướng thu thập được rất nhiều ý nghĩa từ lời nói của người đọc.
Nghe có vẻ là một lý do keo kiệt nhưng nó vẫn khá thực tế. Công việc ngày nay đòi hỏi chúng ta làm việc với màn hình máy tính và điện thoại nhiều, với một số công việc như viết, thống kê, thiết kế, chỉnh sửa ảnh, video… còn buộc người làm phải căng mắt ra nhìn màn hình cả ngày. Thế nên không phải chúng ta tiếc vài giờ để đọc một cuốn sách, việc có những cuốn sách nói chất lượng với thiết bị nghe tiện dụng trên tay, chúng có thể giúp mắt được nghỉ ngơi trong khi vẫn có thể tiếp thu nội dung cuốn sách. Một nghiên cứu năm 2016 cho kết luận rằng “nếu bạn đọc hoặc nghe sách nói để giải trí – không phải vì công việc hay nghiên cứu – sự khác biệt là rất ít”.
Hơn nữa, đối với những người người có thần kinh thị giác yếu không thể tập trung đọc, những người mắc chứng khó đọc hoặc người cao tuổi, sách nói có thể là một người lựa chọn lý tưởng.
Theo Psychology Today, sách là một liều thuốc tốt để giải tỏa căng thẳng, với sách nói thì lợi ích này càng được khuếch đại vì âm thanh là một kênh thông tin mang lại cảm giác thân thiết - người nghe được kết nối với người kể chuyện và tác giả để tạo ra những bức tranh về các tình huống và nhân vật. “Được nghe người khác đọc giúp chúng ta bình tĩnh và tự xoa dịu bản thân, đó là một phần sức hấp dẫn của âm thanh, cho phép chúng ta trở lại làm trẻ con một cách an toàn và có kiểm soát.”
Những lợi ích sức khỏe của sách nói còn được thể hiện rõ hơn ở những người cao niên. Theo một nghiên cứu năm 2017, nghe sách nói có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm, lo âu, ám ảnh cưỡng chế và nhiều triệu chứng khác ở người lớn tuổi.
Trong cuốn sách Don’t Unplug: How Technology Saved My Life and Can Save Yours Too (tạm dịch: Đừng ngắt: Công nghệ đã cứu rỗi cuộc đời tôi và cũng có thể cứu bạn), tác giả Chris Dancy đã viết về cách anh đánh lừa giấc ngủ và sự chú ý của mình bằng cách sử dụng sách nói.
“Sách nói có một khả năng kỳ diệu trong việc thay đổi tốc độ nói. Tại sao cần thay đổi tốc độ của sách nói? Bởi vì, nếu bạn đang phải vật lộn với chứng mất ngủ, việc nghe một cuốn sách ở tốc độ ¾ bình thường sẽ giúp đầu óc bạn chậm lại trước khi ngủ. Với vấn đề ở hướng ngược lại, tức là khi bạn không thể tập trung vào một cuốn sách vì não bạn đang cố thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, trong trường hợp đó, tôi sẽ tăng tốc độ đọc sách gấp đôi. Điều đó khiến não tôi phải tập trung lắng nghe từng từ để theo kịp tốc độ đọc.”
Việc tìm tính năng tăng - giảm tốc độ phát trên các thiết bị hiện nay không khó. Ví dụ như ứng dụng sách nói Voiz FM có tới 6 mức để người nghe lựa chọn. Dựa theo sở thích và tình trạng của bản thân, bạn có thể thử từng mức để biết được đâu là tốc độ phù hợp với mình nhất.
Nếu như việc đọc sách cần một khoảng không gian riêng tư, thì nghe sách nói lại là cơ hội để các thành viên trong gia đình và bạn bè đến gần nhau hơn. Và việc thưởng thức sách nói như một nhóm sẽ mang lại gấp đôi phần thưởng: quá trình nghe và niềm vui nảy sinh trong quá trình đó. Như Hiệp hội các Nhà xuất bản Sách nói - APA đã chỉ ra, là “bàn đạp cho cuộc trò chuyện liên quan đến cuốn sách” sau khi câu chuyện kết thúc.
Với những cuốn sách hay và sâu sắc, đọc một lần chưa bao giờ là đủ. Thế nên không cần phải quá phân vân nếu như bạn lỡ mua một cuốn sách mà chưa có thời gian đọc, hoặc muốn đọc lại cuốn sách cũ nhưng lại sợ phí thời gian. Bạn có thể tranh thủ nghe bản sách nói trước và đọc lại khi có thời gian, hoặc nghe lại tác phẩm yêu thích dưới dạng sách nói để tiết kiệm thời gian và khám phá những chi tiết có thể đã bị bỏ qua khi đọc. Như đã phân tích ở trên, hai hình thức này không chỉ có thể thay thế cho nhau mà còn tạo ra những trải nghiệm riêng biệt về mặt cảm xúc lẫn thông tin.
Nói tóm lại, ngoài những lợi ích đến từ dạng thức nghe - hiểu, việc sách nói quay trở lại và tham gia vào cuộc đua công nghệ số cũng tạo ra vô số các thế mạnh khác. Ở Việt Nam, những tựa sách nổi bật cũng đã và đang được Voiz FM số hoá bằng những bản ghi âm chất lượng và có thể stream thoải mái qua app, mang đến 1 trải nghiệm như thu gọn thư viện hàng nghìn tựa sách vào điện thoại di động để đem theo mọi lúc mọi nơi. Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, sách nói sẽ trở thành thị trường sôi nổi không kém gì các loại hình khác, giúp tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong thói quen của chúng ta.