“Quyền lực mới”: Yếu tố đứng sau câu chuyện thành công của Airbnb và phong trào #MeToo

26/03/2019 08:30
“Quyền lực mới”: Yếu tố đứng sau câu chuyện thành công của Airbnb và phong trào #MeToo

Bằng cách nào Trump đã bất ngờ chiến thắng cuộc bầu cử? Bằng cách nào phong trào #MeToo đã lan truyền rất nhanh? Và làm sao một công ty không hề nắm giữ bất động sản như Airbnb giờ đây lại có giá trị cao hơn tập đoàn lâu đời Hilton?

Câu trả lời là họ biết cách khơi thông quyền lực mới.

Quyền lực số đông

Cuốn sách "Quyền lực mới" (New Power) của hai tác giả Jeremy Heimans và Henry Timms bàn về sự dịch chuyển từ "quyền lực cũ" sang "quyền lực mới". Sự dịch chuyển này là điều mà tỷ phú Richard Branson – người bắt đầu khởi nghiệp cách đây nửa thế kỷ - đã chứng kiến.

"Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong suốt 50 năm mà tôi dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh, và quyền lực chắc chắn cũng đã có sự dịch chuyển. Công nghệ ngày một tiến bộ hơn và hành vi của chúng ta cũng theo đó mà thay đổi. Nó ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng tôi rất lạc quan rằng sự dịch chuyển quyền lực đó có thể giúp xây dựng nên một xã hội mạnh mẽ hơn cho tất cả chúng ta. Nó có thể khuếch đại các phong trào và giúp thúc đẩy những thay đổi tích cực," Richard Branson chia sẻ.

Sự xuất hiện của Internet cho phép thông tin được lan truyền một cách rộng rãi thông qua cộng đồng cư dân mạng, mọi người có khả năng tương tác cao, chia sẻ không giới hạn và góp phần định hình thế giới. Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng.

“Quyền lực mới”: Yếu tố đứng sau câu chuyện thành công của Airbnb và phong trào #MeToo - Ảnh 1.

Những giấc mơ đầu tiên về cuộc cách mạng công nghệ chưa thể trở thành hiện thực. Đôi khi, quyền lực dường như chỉ được phân phối qua lại trong một nhóm các tổ chức dẫn đầu như Amazon, Facebook, Spotify. Tuy nhiên, dường như đâu đó vẫn liên tục xuất hiện những đổi thay mới. Chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của những mạng lưới xã hội chưa từng tồn tại trước đây như: Airbnb, Esty, Black Lives Matter, #MeToo, Blockchain.

Tác giả Heimans là giám đốc điều hành của Purpose , một tổ chức thúc đẩy các phong trào vận động xã hội trên toàn thế giới. Trong khi đó, Timms là giám đốc điều hành tại 92nd Street Y, một tổ chức 144 năm tuổi có trụ sở ở New York; anh cũng là một trong những người khởi tạo nên chiến dịch Giving Tuesday (Ngày thứ Ba từ thiện), một phong trào đại diện cho quyền lực mới điển hình.

Khi chủ nghĩa tiêu dùng được đón nhận nhiệt tình và rộng rãi qua các ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday) và ngày Thứ Hai điện tử (Cyber Monday), Timms đã nảy ra ý tưởng về một ngày mà mọi người cùng có cơ hội thể hiện lòng nhân ái và trao đi những điều tốt đẹp đến với cộng đồng xung quanh. Thông thường, những chiến dịch như thế này sẽ đi kèm với logo của 92nd Street Y và các hoạt động từ thiện sẽ xoay quanh hình ảnh của tổ chức này.

Tuy nhiên, Timms và đội ngũ của mình đã không làm như vậy. Họ chỉ thiết kế một trào lưu mạng (meme), một website giới thiệu về chiến dịch và một vài công cụ để giúp cho bất cứ ai muốn tổ chức những hoạt động tương tự có thể sử dụng nó. Họ cho phép mọi người được tự do triển khai chiến dịch theo cách của riêng mình. Timms gọi cách làm này là "thương hiệu không có chủ sở hữu."

Giờ đây, chiến dịch Giving Tuesday và các chiến dịch từ thiện tương tự được tổ chức và tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực trên hơn 100 quốc gia khác nhau. Những người tổ chức tại các địa phương làm việc trực tiếp cùng nhau và điều chỉnh ý tưởng sao cho phù hợp với đất nước của họ nhất.

Dịch chuyển quyền lực, xây dựng thế giới công bằng hơn

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh công nghệ, chiến dịch Giving Tuesday đã làm thay đổi định kiến của mọi người về quyền lực. Nếu như trước đây, mọi người thường không tin tưởng vào "quyền lực", thì nay khi mọi người có cơ hội chung tay thực hiện, niềm tin này đã thay đổi. Những phong trào nào được ủng hộ và góp sức của nhiều người thường sẽ nhận được sự tin tưởng và lan truyền mạnh mẽ. Điều này cũng tương tự như triết lý của thương hiệu Ikea: Mọi người sẽ trân trọng hơn những gì họ tự tay xây dựng.

Rất nhiều tổ chức được gán với khái niệm "Quyền lực mới" đang thực sự triển khai sự phân quyền trong tổ chức. Tuy nhiên, cũng chính họ đang phải vật lộn với những thách thức của sự phân quyền. Làm thế nào để tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh có nhiều quan điểm khác nhau? Làm thế nào để duy trì những chuẩn mực cao dưới áp lực của dân chủ hóa? Làm thế nào để những con người không mấy thân thiết với nhau lại có thể cam kết lâu dài với một điều gì đó được vạch ra trong kế hoạch của bạn, như cách mà "Thử Thách Dội Nước Đá Lên Đầu" (Ice Bucket Challenge) đã làm được?

Heimans và Timms nhấn mạnh rằng những tổ chức xuất sắc sẽ biết cách dung hòa và phối hợp các cấu trúc của quyền lực cũ và quyền lực mới lại với nhau. Một trong những ví dụ điển hình cho sự chuyển hướng và dung hòa thành công này là thương hiệu huyền thoại Lego.

"Quyền lực cũ" hoạt động như một loại tiền tệ và được nắm giữ bởi một số ít người. Một khi nắm được quyền lực, nó sẽ được bảo vệ thận trọng. Quyền lực cũ mang tính khép kín, không thể tiếp cận, và bị định hướng bởi người đứng đầu.

Trong khi đó, "quyền lực mới" hoạt động theo một cách khác hẳn, như một dòng chảy được tạo ra bởi nhiều người. Nó mang tính rộng mở, tiếp nhận sự tham gia và theo định hướng ngang hàng. Quyền lực mới được truyền từ dưới lên trên, và được phân phối rộng khắp. Mục tiêu của quyền lực mới không phải là tích trữ, mà là truyền tải.

'Họa từ miệng mà ra' của Dolce & Gabana và chuyện 'chết vì cái thái độ' của các thương hiệu lớn

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận