Phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng vừa được khai mạc tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Đây là dự án nghệ thuật công cộng (public art) nhằm tôn vinh, gìn giữ vẻ đẹp của Dốc Nhà Làng cũng như của Đà Lạt thông qua các tác phẩm tranh tường, nghệ thuật đường phố.
Phố bên đồi là dự án được chung tay bởi các nghệ sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia đến từ các tỉnh thành trên cả nước và quốc tế. Chương trình nghệ thuật công cộng này được mở cửa tự do và miễn phí cho người dân và du khách từ ngày 19.12.2019.
Phố bên đồi 2019 tại Dốc Nhà Làng (đường Nguyễn Biểu, phường 1, TP.Đà Lạt) trưng bày 30 tác phẩm nghệ thuật và đồ họa đương đại của các nghệ sĩ tham gia. Không gian nghệ thuật nơi đây là những gam màu tươi tắn, sống động, tràn đầy cảm hứng và năng lượng tích cực được vẽ lên từng mảng tường, góc phố với bố cục màu sắc hài hòa với cảnh quan và kiến trúc sẵn có của các hộ dân.
Một góc không gian Phố bên đồi tại Dốc Nhà Làng
Với hoa cỏ, sương mù, thiên nhiên, con người, không gian nghệ thuật ở Dốc Nhà Làng được ví như là một gallery ngoài trời đầu tiên Việt Nam. Du khách có thể thưởng ngoạn cả chiều rộng lẫn chiều sâu của Đà Lạt trong quá khứ cũng như hiện tại.
Ngoài nỗ lực tạo một không gian nghệ thuật công cộng có tính chất của nghệ thuật thực địa (land art), Phố bên đồi 2019 còn tổ chức triển lãm các tác phẩm tranh ký họa, màu nước từ các thành viên của tổ chức ký hoạ đô thị Việt Nam (Urban sketchers Vietnam), các buổi hội thảo về bảo tồn di sản và chương trình âm nhạc đường phố.
Một góc không gian Phố bên đồi tại Dốc Nhà Làng
Về lý do BTC Phố bên đồi 2019 chọn Dốc Nhà Làng cho hoạt động năm nay, Giám đốc quy hoạch dự án, kiến trúc sư Đoàn Anh Khoa cho biết: “Khi nói đến Đà Lạt, người ta thường nghĩ về kiến trúc với vẻ đẹp của những dinh thự, biệt thự, nhà thờ... Trong khi đó, Đà Lạt còn có vẻ đẹp của tự nhiên với những con dốc, triền đồi, bờ ta luy, các bậc thang… gắn liền với đời sống của người dân Đà Lạt, nhưng dần bị lãng quên. Dốc Nhà Làng đẹp từ kiến trúc đến những hoạt động thường ngày, toát lên sự sống động xen lẫn sự hoài niệm, là một bản sắc rất riêng của Đà Lạt”.
Tác phẩm Đà Lạt trong mắt ai của Đinh Việt Anh
“Tiếp nối những giá trị của những năm trước, chương trình Phố bên đồi năm nay sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của Đà Lạt, đồng thời định vị hình ảnh của Đà Lạt như một điểm đến văn hóa mới của Đông Nam Á”, anh Nguyễn Trung Hiền, nhà sáng lập của Phố bên đồi cho biết.
Dốc Nhà Làng, với tên gọi ngày nay là đường Nguyễn Biểu thuộc địa phận phường 1, nằm ngay trong lòng trung tâm Đà Lạt. Thuở xưa nơi này có một Nhà Cộng Đồng (còn được gọi là Nhà Làng), và vì những con dốc bao quanh đó đều hướng về Nhà Làng, nên cái tên Dốc Nhà Làng hình thành từ đó. Theo lời kể của một vài người cao tuổi sống tại Dốc Nhà Làng, ban đầu khu vực giáp đường Hàm Nghi (đường Trương Công Định) và Cầu Quẹo (đường Phan Đình Phùng) được gọi là Dốc Nhà Làng, vì ở vị trí đình An Hòa ngày nay có trụ sở của Hội đồng Hương chính (Nhà Làng), tương tự hội trường, là khu vực để lý trưởng và các thành viên họp bàn việc làng, phân xử một số vụ việc xảy ra trong các vấn đề đất đai nội quy khu vực dân cư. Cũng có một số nhân chứng cho rằng ở khu vực đầu đoạn hẻm sát đường Hàm Nghi bấy giờ có một ngôi nhà gỗ nhỏ để làm việc của hương chức. Nhưng qua thời gian ngôi nhà cũ này xuống cấp và theo quy hoạch mới, vị trí của Nhà Làng mới được đặt gần đình An Hòa như ngày nay. Từ năm 1953, Dốc Nhà Làng được đổi tên là đường Nguyễn Biểu, nhưng dân cư xung quanh và khách du lịch vẫn quen gọi tên cũ là Nhà Làng.
Tiểu Vũ