Bị dìm khi ra rạp?
Sau khi xin rút khỏi rạp chỉ sau 6 ngày công chiếu và lỗ gần 24 tỉ đồng vì bị xếp 3 suất chiếu/ngày vào các giờ sáng sớm hoặc tối khuya, nhà sản xuất Thái Bá Dũng và đạo diễn Bá Cường của phim Võ sinh đại chiến cho rằng tác phẩm “bị nhà phát hành, chủ rạp đánh giá thấp bởi một số lý do ngoài nội dung, chất lượng phim”. Đó là ê kíp đạo diễn, diễn viên là những cái tên còn quá mới, chưa có tên tuổi hút khách. Vì những yếu tố đó, các chủ rạp nhìn nhận Võ sinh đại chiến như một bộ phim độc lập khi không có nhà phát hành nào đầu tư, như các phim Việt chiếu cùng thời điểm là Chị Mười Ba phần 2 (Thu Trang hùn vốn với Galaxy), Người cần quên phải nhớ (ê kíp nhà sản xuất Charlie Nguyễn được Lotte Entertaiment góp một phần kinh phí)... “Nếu trong cùng một thời điểm có nhiều phim ra mắt thì nhà phát hành tất nhiên sẽ ưu tiên cho phim họ có góp tiền đầu tư. Còn với phim độc lập như chúng tôi, nếu phim chết, nhà phát hành chẳng mất gì vì họ đã lấy phí marketing và phí phát hành rồi”, ông Dũng nói.
Thời buổi này người ra rạp xem phim ít, không như trước mùa dịch COVID-19; và vì kinh tế đã khác nên họ chỉ chọn xem một phim muốn xem nhất, chứ không xem hết tất cả phim đang chiếu tại rạp nữa
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Chính điều này đặt ra nguy cơ khó khăn lớn cho các bộ phim độc lập trong thời gian tới khi dòng phim này sẽ khó có cửa “chinh chiến” ở các rạp khi phải đụng ngày chiếu với các phim lớn của điện ảnh Việt, chứ chưa nói phải cạnh tranh dữ dội với các bom tấn ngoại. Đạo diễn Bá Cường chia sẻ, anh mong có thêm nhiều cơ hội và niềm tin cho các nhà làm phim trẻ theo đuổi giấc mơ điện ảnh, chứ tình trạng gặp phải như Võ sinh đại chiến thì “phim chết không kịp ngáp”.
Ở thời điểm khoảng tháng 9.2020, những tưởng đường đi cho phim độc lập Việt đã sáng hơn khi các đơn vị phát hành, chủ rạp bắt đầu quan tâm hơn đến những nhà làm phim trẻ có năng lực, như bộ phim độc lập Ròm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy được xếp lịch chiếu dày ở rất nhiều rạp, giúp phim gặt hái gần 60 tỉ đồng doanh thu. Tuy không giòn giã nhưng thắng lợi của Ròm là một bước ngoặt lớn của phim độc lập Việt khi thu hút sự chú ý, chiếu ra có lãi, chứng tỏ khán giả cũng đang dần cởi mở hơn với những tác phẩm độc lập mới. Sau Ròm, có cả một làn sóng phim độc lập Việt trỗi dậy như Sài Gòn trong cơn mưa, Hoa Phong Nguyệt Vũ... cùng sự hứa hẹn sắp ra mắt nhiều phim mang tiếng nói cá nhân của tác giả và chú trọng thêm các yếu tố hấp dẫn để thu hút người xem, như Song song (sau lần dời lịch 25.9.2020 vì sợ yếu thế khi ra rạp, nay quyết chọn lịch chiếu ngày 26.2.2021), Vô diện sát nhân (không thể giữ lịch chiếu hồi tháng 4.2020 và hiện chưa có ngày chiếu mới), Di vật của ác thần, Gu em, Đại...
“Chết” vì COVID-19
Thị trường phim ảnh, phòng vé Việt trong mùa dịch COVID-19 đã hoàn toàn khác trước: khán giả vắng hơn, nhiều rạp đóng cửa (hiện CGV đã dừng hoạt động ít nhất 3 cụm rạp tại TP.HCM). Nhiều khán giả cho biết không còn dành nhiều thời gian và tiền bạc để xem hết phim này phim kia tại rạp. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng nhận định: “Khán giả chỉ chọn xem phim bom tấn có sự đầu tư lớn, được đánh giá có chất lượng bởi thời buổi này người ra rạp xem phim ít, không như trước mùa dịch Covid-19; và vì kinh tế đã khác nên họ chỉ chọn xem một phim muốn xem nhất, chứ không xem hết tất cả phim đang chiếu tại rạp nữa”. Chính những điều này khiến phim độc lập Việt vốn đã gặp nhiều khó khăn nay càng hẹp cửa hơn nữa.
Ròm thu hút khán giả vì sự tò mò muốn thưởng thức tác phẩm “made in VN” đầu tiên giành giải thưởng cao nhất tại LHP Busan 2019 của Hàn Quốc, cũng như thông điệp phim nhân văn từ xóm lao động nghèo, sự kỳ công của ê kíp thực hiện mất tới hơn 8 năm mới hoàn thành phim... Trước đó, một hiện thực không hề sáng sủa về doanh thu phòng vé của phim độc lập Việt khi Nhắm mắt thấy mùa hè của đạo diễn Cao Thúy Nhi, Song Lang của đạo diễn Leon Lê, Thưa mẹ con đi của Trịnh Đình Lê Minh… dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng đều thua lỗ. Thậm chí, ê kíp phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi phải kêu cứu trên mạng xã hội: “Trời ơi, phim chưa muốn chết” và mong mỏi 150.000 người trẻ “tiếp sức để phim được sống” vì nếu không có đủ lượng khán giả đến rạp thì phim sẽ phải nhường suất cho phim mới khác. Các phim độc lập mới chiếu trong năm 2020 cũng không khả quan hơn khi doanh thu thất bát đến thảm hại (chưa chia 50 - 60% cho chủ rạp): Đỉnh mù sương - 893 triệu đồng, Hoa Phong Nguyệt Vũ - 757 triệu đồng, Thang máy - 1,5 tỉ đồng, Sài Gòn trong cơn mưa - 2,9 tỉ đồng...
Hiện tại, ngay cả đạo diễn Lý Hải với 4 phần phim Lật mặt có lượng khán giả trung thành riêng và đều ăn khách với doanh thu toàn trên dưới 100 tỉ đồng, khi chuẩn bị chiếu Lật mặt 5: 48H, cũng cho biết: “Tôi chỉ cầu mong phim được hoàn vốn”. Quả là tình hình nan giải khi phim lớn đã có “thương hiệu” trước như Lật mặt 5 còn phải lo lắng, thấp thỏm không biết mùa dịch COVID-19 này khán giả có ra rạp ủng hộ không, thì chuyện các bộ phim độc lập được làm với kinh phí nhỏ, diễn viên mới, không có ngôi sao nổi tiếng thì làm sao thu hút được khán giả?
Bên cạnh đó, chính các phim Việt có kinh phí lớn còn phải cạnh tranh với nhau và chưa biết phim nào thắng - thua khi khởi chiếu cùng ngày 12.2 tới như trường hợp Lật mặt 5, Gái già lắm chiêu 5, Bố già, Trạng Tí bởi phim nào không được khán giả chọn đổ vào xem sẽ bị cắt suất. Nếu tình hình hiện đã như vậy thì liệu còn có cửa nào cho phim độc lập kinh phí nhỏ?