UNESCO cho biết, khu vực rộng lớn san hô hình hoa hồng nằm sâu dưới nước dường như không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nó trải dài tới 3 km và rộng khoảng 85 m, nằm trong vùng nước ở độ sâu từ 30-65 m ngoài khơi Tahiti - hòn đảo lớn nhất của Polynésie thuộc Pháp. Theo UNESCO, đây là một trong những rạn san hô khỏe mạnh lớn nhất được ghi nhận.
Laetitia Hedouin, nhà sinh vật biển tại Cơ quan nghiên cứu Pháp (CNRS), cho biết: “Việc phát hiện ra rạn san hô này trong tình trạng nguyên sơ là một tin tốt và có thể truyền cảm hứng cho việc bảo tồn trong tương lai. Chúng tôi nghĩ rằng các rạn san hô ở vùng nước sâu hơn có thể được bảo vệ tốt hơn khỏi sự nóng lên toàn cầu”.
Hầu hết các rạn san hô được biết đến trên thế giới được tìm thấy ở độ sâu không quá 25 m so với bề mặt nước biển. Cơ quan di sản của Liên Hợp Quốc cho biết rạn san hô ở Tahiti là một phát hiện “rất bất thường” và gợi ý rằng có thể có nhiều khu vực san hô khỏe mạnh hơn ở vùng nước sâu của đại dương.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nói: “Chúng ta biết về bề mặt của Mặt trăng còn nhiều hơn cả đại dương sâu thẳm. Đến nay mới chỉ có 20% đáy biển trên thế giới đã được lập bản đồ. Khám phá ở Tahiti là công trình đáng kinh ngạc của các nhà khoa học, với sự hỗ trợ của UNESCO, nâng cao tầm hiểu biết về những gì ở sâu dưới đại dương”.
Polynésie thuộc Pháp từng hứng chịu một sự kiện tẩy trắng lớn vào năm 2019, nhưng rạn san hô mới không hề có dấu hiệu căng thẳng hay bệnh tật. Đây là dấu hiệu tích cực, có thể truyền cảm hứng cho nỗ lực bảo tồn san hô trong tương lai.
Hedouin nói với AFP: “Thật kỳ diệu khi chứng kiến những san hô hình hoa hồng có đường kính lên đến 2 m. Nó đẹp như một tác phẩm nghệ thuật”.
Tẩy trắng xảy ra khi san hô khỏe mạnh bị căng thẳng do nhiệt độ đại dương tăng đột biến, khiến chúng trục xuất tảo sống trong mô. Quá trình này sẽ để lại những “nghĩa địa” san hô bị tẩy trắng, nơi hệ sinh thái sôi động từng phát triển mạnh.