Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, Nhà giáo Tiến sĩ Phạm Hồng Danh - Trưởng bộ môn Toán Cơ bản của Đại học Kinh tế TP.HCM ra mắt tập truyện ngắn Tuyệt vọng và bất tử trong lần tái bản thứ 15 để ghi lại dấu ấn 40 năm đứng trên bục giảng. Điều bất ngờ là tập truyện ngắn của “ông tiến sĩ toán học” nhưng lại mang đậm chất văn chương, vừa nhẹ nhàng lãng mạn cùng với những suy niệm góc nhìn sâu sắc về cuộc sống và triết lý nhân sinh. Chính với những yếu tố đó mà tác phẩm của ông đã “giữ chân bạn đọc” trong suốt 20 năm qua.
Nhận xét về tác phẩm của nhà giáo Phạm Hồng Danh, nhà thơ - nhà báo Trần Hoàng Nhân viết: “Thầy Danh dạy môn toán ở bậc đại học với rất nhiều phép tính phức tạp, nhưng khi viết văn làm thơ thì thầy chỉ dùng một phép chia đơn giản. Chia cũng có nghĩa là cho, mà trong một lúc nào đó cho đi cũng đồng nghĩa là nhận về dưới một hình thức, trạng thái khác… 5 năm, 10 năm hay 15 năm chỉ là những con số ước định vì khi mở ra một cuốn sách chúng ta gặp lại và có thể kết bạn với những tiền bối cách ta nhiều thế kỷ. Tập truyện ngắn “Tuyệt vọng và bất tử” của thầy Danh ra đời đã 20 năm, tái bản nhiều lần, có bổ sung thêm bớt không ít, nhưng tựu trung là đề cao tính thiện lương của con người”.
Phạm Hồng Danh theo ngành toán, rồi thành giảng viên đại học, cuộc đời của ông gần như gắn liền với phấn trắng bảng đen và những công thức và các con số phức tạp. Để trở lại với khoảng lặng của chính mình, ông làm thơ, viết truyện diễn tả những cảm xúc buồn vui, những trải nghiệm về cuộc sống của mình như là một cách để người đọc thấy một góc khác trong đời sống của một giảng viên môn toán.
"Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 1981, gần 40 năm hoạt động trong ngành giáo dục với nhiều trải nghiệm, với hàng ngàn học sinh đã đến và đi. Vui buồn không nhớ hết. Bao nhiêu lần vấp ngã cũng không đếm nổi. Năm 1985, với tâm trạng buồn bã của một người không hiểu nổi chính mình, luôn luôn lắng nghe nhưng không thấu hiểu, tôi đã viết bài thơ Người suốt đời tập nói, sau khi được đọc câu: "Người ta cần 2 năm để tập nói nhưng cần 60 năm để tập im lặng". Và từ đó, các câu chuyện được tôi viết ra như một sự chia sẻ, tìm kiếm những tâm hồn đồng cảm", thầy Danh chia sẻ.
Về con đường đến với văn chương của Phạm Hồng Danh, nhà văn Đoàn Thạch Biền tiết lộ một chi tiết cực kỳ thú vị. Năm đó Áo Trắng - một tập san nổi tiếng dành cho học sinh, sinh viên tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn mini, Phạm Hồng Danh đã tham gia và giành kết quả cao vì truyện ngắn của ông viết rất xuất sắc. Khi đến nhận giải BTC mới ngỡ ngàng nhận ra Phạm Hồng Danh không phải là sinh viên mà là giảng viên Toán của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
“Văn của Phạm Hồng Danh rất lạ. Anh thường đưa nhưng điều nghịch lý, những lời nguỵ biện để các nhân vật (và cả người đọc) lao vào với những bàn luận, tranh cãi xem ai trắng, ai đen? Và người thắng cuộc hiểu rằng Có hạnh phúc xen lẫn đau khổ, có đức hạnh xen lẫn lỗi lầm như trong triết lý của Kinh dịch: Âm trung hữu dương”, Nhà văn Đoàn Thạch Biền nhận xét.
40 năm đứng trên bục giảng, cùng với niềm đam mê của mình, thầy giáo Phạm Hồng Danh cũng cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn chương và các cuốn sách toán học chuyên ngành như Nha Trang thời lãng mạn (Thơ, NXB Văn Nghệ 2000); Một phận đời (Thơ, NXB Văn Nghệ 2002), trong đó nổi bật nhất là tập truyện Tuyệt vọng và bất tử được in lần đầu năm 1999 cho đến nay đã tái bản lần thứ 15.
Nhiều người biết đến Phạm Hồng Danh là giảng viên toán trường Đại học Kinh tế, hơn là một người thích làm thơ. Càng ít người biết, anh là tác giả của một số truyện ngắn. Với tập truyện này, chúng ta có thể gặp anh như một người có duyên nợ với văn chương.
Những năm tháng sống trong quân đội, gần 20 năm đứng trên giảng đường… anh luôn tự nhận mình là người mắc nợ. Nợ cuộc sống, nợ đồng đội, nợ bạn bè, nợ học sinh, sinh viên… Những quy tắc, nguyên lý và công thức toán học không đủ để anh giãi bày những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về những món nợ đời anh đã vương mang… Anh đã mượn những trang sách để phơi bày một phần “gan ruột” của mình. “Nếu không tha thiết yêu thương người thì làm sao anh viết nổi những dòng như thế”. Có lẽ anh đã biết yêu người một cách tha thiết. Đôi khi chúng ta bắt gặp ở anh một chút gì đó giống như là ảo tưởng: “Có người cố tình lầm lẫn lá là hoa. Nên hạnh phúc vì đời nhiều hoa quá”. Đôi khi là lời an ủi ngộ nghĩnh: “Chuyện đời thường, vẫn thường bất trắc. Điều trớ trêu, nghĩ cũng thường thôi”.
Những truyện ngắn trong tập sách này như lời tự sự của anh về cuộc đời. Ẩn sau những lý luận và triết lý là tâm huyết của anh gởi đến sinh viên, bè bạn và những người thân về “cái nghĩa”, “cái tình”, về một cung cách giản đơn và sâu sắc. Nguyễn Hoàng Năng - Nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM