Nền âm nhạc hải ngoại nói riêng và nhạc xưa nói chung đã ghi dấu nhiều tên tuổi lớn, từ những bậc huyền thoại như Thái Thanh, Khánh Ly tới đại danh ca như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Giao Linh… Tất cả họ đều là ca sĩ thuần Việt, mang đậm chất Việt Nam từ giọng hát tới phong cách, ngoại hình.
Họ đã cùng nhau định hình âm nhạc suốt một chặng đường dài, in dấu tiếng hát ở rất nhiều ca khúc bất hủ. Chính tiếng hát, lối hát của họ đã ảnh hưởng sâu sắc, trở thành tiềm thức, ăn sâu vào thói quen thưởng thức của khán thính giả.
Nói cách khác, khán giả nghe nhạc hải ngoại khó lòng chấp nhận những tiếng hát mới mẻ, lạ lẫm, đi sau tượng đài trong lòng họ.
Bởi vậy, để một ca sĩ đàn em có thể kế thừa và phát huy di sản của những danh ca đi trước là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt, với một ca sĩ xuất thân là con lai, với gương mặt không thuần Việt như Thanh Hà, điều đó lại càng khó khăn hơn.
Bản thân Thanh Hà cũng không phải con nhà nòi, được sinh ra trong môi trường nghệ thuật hay được trải thảm đỏ để bước vào sân khấu. Thế nhưng, bằng tài năng riêng có và sự nỗ lực của mình, nữ ca sĩ mang vẻ đẹp lai này đã thành công và đứng vững trên sân khấu hải ngoại suốt 30 năm qua.
Sự khác biệt với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và những cơ hội đầu tiên trên đất hải ngoại
Không như nhiều ca sĩ khác, Thanh Hà sinh ra trong một gia đình lao động bình dân, không có ai theo nghệ thuật. Bản thân cô từng trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, khi không biết mặt bố ruột, cũng không được sống chung với mẹ ruột, lại phải chịu nhiều phân biệt đối xử vì là con lai.
"Lúc đó, tôi không được bạn bè cùng lứa chấp nhận. Kể cả người lớn cũng tỏ thái độ kỳ thị, ghét bỏ tôi", Thanh Hà chia sẻ.
Nhưng những khó khăn đó không ngăn được bản năng ca hát bộc phát rất sớm trong Thanh Hà. Ngay từ thưở nhỏ, cô đã tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và được hát trên đài Phát thanh Đà Nẵng. Cô tâm sự:
"Tôi cũng không nhớ rõ mình thích hát từ khi nào. Giữa những buồn tủi trong cuộc sống của một đứa con lai, âm nhạc chính là nguồn động lực giúp tôi vượt lên. Có lẽ vì thế mà ngay từ nhỏ tôi đã mê ca hát rồi".
Ngày đó, khán giả chưa quen với hình ảnh một cô gái lai tóc vàng, mắt xanh, da trắng nên không muốn xem Thanh Hà biểu diễn. Nhưng tiếng hát của cô lại khiến mọi người thích thú. Ai cũng muốn nghe cô hát.
Trong khi những ca sĩ khác ở tuổi chớm nở đều được người trong nghề phát hiện tài năng để đào tạo, lăng xê thì Thanh Hà phải làm việc cật lực để kiếm sống, suốt từ Việt Nam ra hải ngoại. Cô sống một cách lặng lẽ, không có bất cứ mối quan hệ nào với giới nghệ sĩ để được dìu dắt, nâng đỡ.
"Tôi đã từng trải qua 13 nghề nghiệp khác nhau trước khi trở thành một ca sĩ, từ những nghề phổ thông tay chân như phụ bếp, sản xuất bật lửa, đến công việc tại một hãng kính áp tròng.
Tôi phải đi phụ việc bếp trong các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald, Burger King…
Thời đó, những người con lai có khả năng sẽ được đi học. Nhưng phải đến 80-90% trong số đó phải nghỉ học đi làm. Tôi cũng nằm trong số đó, không thể tiếp tục đi học vì gia đình quá nghèo khổ.
Mức lương tôi nhận được thời điểm đó chỉ 3,2 đô la một giờ. Nhưng đấy cũng là một khoản tiền lớn đối với tôi vào thời gian ấy", Thanh Hà chia sẻ.
Dẫu vậy, đam mê âm nhạc vẫn luôn cháy âm ỉ trong Thanh Hà. Không có điều kiện đến trường lớp, Thanh Hà nghe đủ mọi loại nhạc đang thịnh hành lúc bấy giờ, từ nhạc ngoại tới nhạc Việt.
Cô đặc biệt quan tâm tới dòng nhạc trữ tình, lãng mạn của Ngọc Lan, Vũ Khanh, Khánh Hà và "học lỏm" cách hát của các đàn anh, đàn chị theo bản năng vốn có. Đây là tiền đề giúp hình thành nên phong cách âm nhạc của Thanh Hà sau này.
Ngoài ra, Thanh Hà còn chịu khó nghe và học hỏi những danh ca quốc tế, để tiếp thu thẩm mỹ âm nhạc tiên tiến, kỹ thuật văn mình của họ. Cô nói: "Thời gian đầu đi hát, tôi chịu ảnh hưởng từ các Diva Âu Mỹ như Barbra Streisand, Celine Dion... Tôi từng cover các bản hit của họ như The power of love, Woman in love".
Về khả năng "học lỏm" của mình, Thanh Hà chia sẻ: "Giọng hát này của tôi là trời cho và cũng là trò chơi. Những ca sĩ như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung cùng thế hệ, ngang ngửa tuổi đời, tuổi nghề với tôi nhưng được đào tạo trong trường lớp. Họ được giảng viên đóng cho một cái mộc.
Bản thân tôi chưa bao giờ được vào trường để học như các ca sĩ đó nhưng cũng đi hát và nghe nhạc rất nhiều năm. Cái mộc của tôi được đóng từ chính khán giả. Khán giả đã đóng cho tôi một cái dấu và nhận tôi là ca sĩ.
Tôi học trên trường đời, bằng trải nghiệm nhiều năm qua của tôi. Chủ yếu tôi nghe ca sĩ khác hát và học lỏm".
Qua chia sẻ của Thanh Hà, có thể thấy, tiếng hát và cách hát của cô phần nhiều là bản năng, hình thành từ chính bản ngã và mài dũa theo năm tháng, kinh nghiệm, chứ không đi theo trường lớp nào.
Nhờ đó, Thanh Hà hát rất tự nhiên, cảm xúc, không bị gò bó trong lề lối kỹ thuật khuôn mẫu. Cô được khán giả yêu mến cũng vì tiếng hát tự nhiên này.
Cũng chính nhờ bản năng riêng có ấy, Thanh Hà sau này đã có cơ hội lọt vào mắt xanh của những người trong nghề. Sau nhiều ngày tháng làm việc miệt mài, cô được nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân chú ý và giúp đỡ để trở thành ca sĩ hát chính cho một vũ trường tại hải ngoại.
Thời gian đầu, Thanh Hà chấp nhận đi hát lót cho các ca sĩ nổi tiếng để có thêm cơ hội đứng trên sân khấu. Từ đó, cô được nhiều đàn anh, đàn chị chú ý. Danh ca Vũ Khanh và danh ca Chế Linh ngay từ khi nghe Thanh Hà cất giọng đã thích thú khen ngợi.
Họ thậm chí còn khuyến khích Thanh Hà thu đĩa CD đầu tiên và giới thiệu cô tới những chủ hãng đĩa thời đó. Tên tuổi của cô bắt đầu lan rộng trong giới nghệ sĩ, dù chưa hề ra sản phẩm nào.
Tới một ngày, Thanh Hà có cơ duyên gặp Linda Trang Đài, được đàn chị giới thiệu tới gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ngay từ lần gặp đầu tiên, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã bị thuyết phục bởi giọng hát Thanh Hà và mời cô về hát chính cho vũ trường của ông. Cô nói:
"Đây chính là cột mốc lớn, đánh dấu trang mới trong sự nghiệp của tôi. Từ đó, cát xê của tôi từ tăng từ 40 tới 50 đô la".
Tuy nhiên, sự nghiệp của Thanh Hà chỉ thực sự bắt đầu khi cô lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Lam Phương (cây đại thụ trong nền tân nhạc Việt Nam). Cô kể:
"Hơn 20 năm trước, khi vẫn còn là ca sĩ hát phòng trà, tôi có tham gia một buổi ra mắt sách. Buổi ra mắt này có sự xuất hiện của nhạc sĩ Lam Phương.
Chú Lam Phương đã giới thiệu tôi đến trung tâm Diễm xưa (một trung tâm ca nhạc lớn tại hải ngoại). Từ đó, sự nghiệp âm nhạc của tôi bắt đầu".
Qua những mẩu chuyện trên, có thể thấy, sự nghiệp của Thanh Hà không hề được trải hoa hồng hay được dìu dắt từ sớm.
Tuy nhiên, bằng tài năng, tiếng hát đặc biệt của mình, cô vẫn gây chú ý với giới chuyên môn và được trao cho những cơ hội vàng. Đây là cơ hội do chính cô tạo ra và chính cô đã biết nắm lấy nó một cách khéo léo.
Câu chuyện của Thanh Hà là minh chứng cho kết quả xứng đáng của sự nỗ lực và đam mê thực sự.
Thông tin chung về giọng hát Thanh Hà
- Loại giọng/Vocal type: Nữ trung trữ tình (Lirico Mezzo Soprano).
- Quãng giọn/Vocal range: 2 quãng tám 2 note (D3-F5). Trải từ quãng trầm D3 (trong Gửi người yêu cũ) tới trung cận cao C#5 (trong Gửi tháng năm bên nhau) và mixed voice F5 (trong Vì đó là em).
- Quãng hát được hỗ trợ kỹ thuật tối ưu/Support range: A3 tới A4.
- Long notes: 11 giây trong Gửi người yêu cũ và 15 giây trong Người đi qua đời tôi.Âm sắc giọng: Kim pha mộc (Tính kim nhiều hơn lúc trẻ, tính mộc nhiều hơn khi có tuổi).
Tiếng hát lai độc đáo, đậm chất đàn bà của người thần tượng khiến Trấn Thành mê mẩn
Xét trong dòng chảy nhạc Việt, Thanh Hà được xem là một tiếng hát độc đáo, mang hơi thở của hai dòng máu trong người.
Tính kim trong giọng hát Thanh Hà giúp cô hát linh hoạt, nhẹ nhàng, bay bổng, âm cữ cao, hát treo được trên quãng cao một cách dễ dàng. Nhờ những kỹ thuật thanh nhạc hiện đại học được từ giáo viên nước ngoài trong một thời gian ngắn, Thanh Hà sử dụng light mixed rất tốt.
Light mixed giúp Thanh Hà chuyển giọng linh hoạt, uyển chuyển và hát half voice rất mềm, sáng, bay. Cô có thể lên F5 một cách dễ dàng, nhẹ như không, khiến ít ai nhận ra.
Nhưng Thanh Hà lại là nữ trung chứ không phải nữ cao. Chính điều này khiến giọng hát của cô tuy cao mà đầy đặn, có độ dày nhất định, không bị chua chói, mỏng quá mức như một số nữ cao khác.
Đặc biệt, tính mộc giúp giọng Thanh Hà trở nên rất soft, êm ái, có độ xốp và airy voice bẩm sinh rất độc đáo. Bản thân Thanh Hà cũng phát huy rất tốt chất mộc vốn có này, giúp cô hát rất tình tứ, ngọt ngào, ấm áp và đậm chất trữ tình, lãng mạn nhưng không hề điệu đà, sến súa.
Có thể ví tiếng hát Thanh Hà như một làn hơi cà phê sữa, nhẹ tựa khói mây, bay lơ đãng trong không gian, mang theo một hương vị ngọt ngào khó quên. Đây là tiếng hát giàu trải nghiệm, tinh tế và thăng hoa cảm xúc, nên hát bất cứ ca khúc nào cũng sâu sắc dù nhạc xưa hay nhạc trẻ.
Tiếng hát ấy đậm chất đàn bà, hát với bản năng giới tính nữ mãnh liệt, đầy đam mê, tình ái, cháy bỏng nhưng âm ỉ, du dương, chiêm nghiệm, chứ không quá dữ dội, bốc lửa, đúng như MC Trấn Thành nói:
"Chị Thanh Hà hát nhạc trẻ mặn mà, đàn bà một cách kinh khủng. Phụ nữ hát nhạc trẻ chỉ là phụ nữ, còn đàn bà hát nhạc trẻ mới là đàn bà, mới đầm, nghe mới phê".
Như đã nói, tuy Thanh Hà không trải qua trường lớp, nhưng lại rất chăm học hỏi các đàn anh đàn chị đi trước, chịu khó nghe nhạc và cảm nhận. Bản thân cô cũng từng có thời gian tìm đến một giảng viên uy tín người nước ngoài để học thanh nhạc. Cô nói:
"Sự thật là mãi đến sau này, khi bước vào trung tâm ca nhạc lớn, tôi mới gặp được một giảng viên thanh nhạc thực thụ. Trước đó, tôi toàn hát bằng bản năng của mình.
Đầu tiên, tôi bắt chước những người đi trước, rồi sau đó điều chỉnh lại theo cảm xúc riêng của mình.
Tôi nhớ lúc đó, tôi đang tập chương trình thì một giảng viên thanh nhạc của các anh chị ca sĩ khác trong trung tâm tới xem và gợi ý tôi nên theo cô ấy để trau dồi thêm về giọng hát. Cô ấy cho rằng tôi có tố chất và sẵn sàng hướng dẫn tôi.
Nhưng thời đó cuộc sống không như bây giờ, còn rất nhiều khó khăn. Nhà cô giáo ở xa tôi, trong khi tôi không quen lái xe xa.
Mỗi lần đi học, tôi cứ phải nhờ người này người kia lái xe chở mình đi. Thành thử, tôi phải mất hẳn một ngày cho một buổi học, do đường xa, tôi tắc đường. Không những đi lại khó khăn, học phí cũng đắt.
Vì thế, tôi chỉ cố gắng học được chừng vài tháng rồi cũng phải nghỉ. Tôi có xin phép cô cho ghi âm vào băng cassette những bài giảng của cô và đem về tự luyện".
Chính quãng thời gian tầm sư học đạo này đã giúp Thanh Hà có được những kỹ thuật hát nhạc nhẹ văn minh, tinh tế, không bị lạm dụng lối hát cổ điển, truyền thống như nhiều ca sĩ trong nước đi học tại trường lớp. Dù sao đi nữa, việc được học giảng viên nước ngoài cũng có nhiều giá trị hơn.
Điều quan trọng nhất Thanh Hà làm được trong ca hát là hiểu và làm chủ được giọng hát của mình, không bị lạm dụng phô diễn (dù nội lực của một ca sĩ con lai là rất lớn).
Bản thân Thanh Hà từng belt B4 với âm lượng khá lớn trong một lần hát live, nhưng cô ít khi belt dài như vậy.
Thanh Hà thường phát huy tối đa chất airy riêng có trong giọng hát pha mộc của mình, tạo độ khàn nhẹ (nhưng giữ cột hơi vững nên rất bắt mic), kết hợp với lối hát vocal break, giúp cô tạo ra sự nức nở, khắc khoải, sexy độc đáo và đầy cảm xúc khi hát trung trầm.
Có thể thấy, Thanh Hà chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đàn chị Khánh Hà, từ kỹ thuật hát đến cách nhả chữ.
Kỹ thuật light mixed tốt cho phép Thanh Hà lên quãng trung cao B4, C5, C#5 thoải mái mà ko bị shouty. Âm sắc tạo ra nghe ấm, tròn, không bị chua gắt như các giọng thuần kim. Cô thường vuốt đuôi các chữ từ forte về piano trong một làn hơi mà không bị sượng hay phải thay đổi vị trí.
Thanh Hà phát âm, nhả chữ rất Tây phương, có màu R&B, nhưng vẫn tròn vành rõ chữ, mang đậm nét trữ tình xưa, không bị lơ lớ như nhiều ca sĩ trẻ ngày nay.
Là một nữ trung nên Thanh Hà hát quãng trầm khá tốt (từ D3 đổ lên). Quãng trung của cô phát triển từ E4 tới B4, lên trên C5 vẫn đầy đặn, không bị chua chói, mất đà hay strain quá nhiều. Tuy nhiên, vì chạm tới giới hạn của giọng hát nên Thanh Hà không lên được cao hơn.
Nhờ âm sắc giọng pha mộc nên Thanh Hà belt quãng trung tầm A4, Bb4, B4 ở các âm ê dựng có lực, phát ra độ tỏa rền (dù không cộng minh), lại khàn khàn hơi giống ca sĩ da màu. Cô rung vibrato khá đẹp và đều .
Làn hơi của Thanh Hà được kiểm soát khá tốt giúp cô xử lý dynamic hiệu quả từ trầm sang cao, âm lượng được giữ đều. Đặc biệt, cô không hề bị chênh phô khi hát legato nhiều line của lyric trong một làn hơi. Light mixed giúp cô khép rung đuôi khá mềm mại trữ tình.
Chất giọng như Thanh Hà có thể thấy ở một số nữ ca sĩ USUK, tương đồng với Loren Allred ở độ mộc pha kim và belt tỏa khi lên cao. Cô xử lý luyến láy cũng khá văn minh, Tây phương, có thể chạy run/riff tới 5 note trên một giây. Tuy nhiên, Thanh Hà biết chạy note chừng mực, không lạm dụng như một số ca sĩ trong nước.
Rõ ràng, Thanh Hà hát bản năng nhưng lại rất kỹ thuật, khiến Trấn Thành phải thốt lên: "Tuy chị Thanh Hà không học qua trường lớp, nhưng nghe chị hát ai cũng nghĩ chị phải học hành dữ lắm".
Trong tiến trình âm nhạc, Thanh Hà là một ca sĩ khá độc đáo, đi tiên phong, mở màn cho những ca sĩ con lai hát nhạc Việt sau này, đặc biệt ở mảng trữ tình, nhạc xưa. Đó là một đóng góp lớn của cô. Cô được rất nhiều nghệ sĩ trong nước như Trấn Thành, Hồ Ngọc Hà yêu thích.
"Thần tượng lớn nhất của tôi là chị Khánh Hà, đứng sau đó là chị Thanh Hà. Chị Thanh Hà cũng là người thần tượng của tôi. Tôi nghe chị Thanh Hà rất nhiều và mê chị ấy hát nhạc trẻ còn hơn nhạc xưa", Trấn Thành nói.