Theo kế hoạch, Pfizer/BioNTech sẽ chuyển những liều vắc xin đầu tiên đến các đoàn tham gia Thế vận hội Olympic Tokyo trong tháng 5 này để đảm bảo các đoàn nhận được liều vắc xin thứ 2 trước khi đến Tokyo.
Đại diện của Pfizer/BioNTech cũng cho biết việc cung cấp miễn phí vắc xin ngừa COVID-19 không nằm trong những thỏa thuận mà liên doanh này ký kết với các quốc gia trên toàn thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết “việc Pfizer/BioNTech cung cấp vắc xin miễn phí cho các đoàn tham gia Thế vận hội là một trong những giải pháp quan trọng giúp Thế vận hội Tokyo 2020 được tổ chức an toàn cho tất cả người tham gia”.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla và Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cho biết họ tự hào việc cung cấp vắc xin COVID-19 cho Thế vận hội. Ông Bourla nói: “Sự trở lại của Thế vận hội Olympic và Paralympic biểu trưng cho khoảnh khắc tuyệt vời của sự thống nhất và hòa bình thế giới sau một năm bị cô lập và tàn phá mệt mỏi”.
Dự kiến sẽ có hơn 11.000 vận động viên tham gia các môn thi đấu tại Thế vận hội, diễn ra từ ngày 23.7 - 8.8, nhưng trong số đó nhiều người đã được tiêm vắc xin tại quê nhà.
Trong nhiều tháng qua, IOC đã hứa hẹn đảm bảo an toàn cho Thế vận hội ngay cả khi không có tiêm chủng rộng rãi, nhờ vào một loạt các biện pháp phòng ngừa y tế. Trước đó, IOC từng tuyên bố sẽ cung cấp vắc xin COVID-19 mua từ Trung Quốc cho các đoàn thể thao.
Ngay sau lời đề nghị này, Chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã nhóm họp và đánh giá cao thiện chí của Pfizer/BioNTech.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp, vốn đang được áp đặt ở thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nước này cũng đã quyết định cấm khán giả nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban tổ chức Seiko Hashimoto hôm 30.4 cũng xác nhận rằng lần đầu tiên trong lịch sử, Thế vận hội có thể được tổ chức mà không có khán giả.