Peter Handke vừa được tôn vinh tại giải thưởng Nobel Văn học 2019 vì một sự nghiệp mang tầm ảnh hưởng với ngôn ngữ trong sáng đã dò xét biên giới và đặc tính trải nghiệm nhân sinh.
Ông sinh năm 1942 tại ngôi làng Griffen ở niềm nam nước Áo. Ông là nhà văn, nhà soạn kịch và là chủ nhân của nhiều giải thưởng văn học danh giá như: Georg Buchner (1973), Vilenika International Literary (1987), Brothers Karie Award (2000), America Award (2002), Grober Literaturpreis der Bayerischen Akademie der Schonen Kunste (2008), Franz Kafka (2009), Mulheimer Dramatikerpreis (2012), International Ibsen Award (2014), Nestroy-Theaterpreis (2018)…
Tiểu thuyết đầu tay của ông có tựa Die Hornissen và được xuất bản năm 1966. Sau hơn 50 năm, ông đã có rất nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau và định hình được bản thân là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất tại châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Điều đặc biệt trong các tác phẩm của ông là ông luôn chú ý đến nét đẹp của phong cảch và sự hiện diện của vật chất hữu hình trong thế giới. Điện ảnh và tranh vẽ là hai trong số nhiều nguồn cảm hứng lớn nhất của ông.
Từ năm 1975, ông là thành viên Giải thưởng Văn học châu Âu Petrarca-Preis. Năm 2009, ông đoạt giải Franz Kafka. Hồi tháng 1, tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của Peter Handke (Nguỵ Hữu Tâm dịch) được ấn hành tại Việt Nam. Tác phẩm kể câu chuyện một dược sĩ sống ở Taxham (Áo) với sở thích đặc biệt là nghiên cứu các loại nấm, ghẻ lạnh vợ con và ngôi nhà nhỏ của ông.
Tuy có sự nghiệp đồ sộ nhưng chiến thắng của Peter Handke lại gây tranh cãi. Ông bị nhiều người trong giới, độc giả phản đối vì phát ngôn tự mãn và quan điểm chính trị đi ngược số đông.
Trước tin đoạt giải Nobel, Peter Handke cho biết thực sự kinh ngạc. “Đó là một quyết định dũng cảm của Viện Hàn lâm Thụy Điển”, ông nói. Bất chấp những tranh cãi, nhà văn cho biết sẽ có mặt ở Stockholm vào ngày 10.12 để nhận giải thưởng.
Dù vậy, 5 năm trước, Peter Handke từng chia sẻ với tờ Die Press của Áo: "Giải thưởng Nobel nên bị xóa bỏ". Ông nói Nobel Văn học chỉ mang lại cho những người chiến thắng "một khoảnh khắc được chú ý, sáu trang bài viết chân dung trên báo giấy". "Giải thưởng quấy nhiễu bạn, khiến bạn khó chịu bởi bạn sẽ ám ảnh về nó. Nó không xứng đáng với bạn, và bạn cũng chẳng xứng đáng với nó", Peter Handke nói.
Nhà văn 76 tuổi còn nổi tiếng là một trong những người bảo vệ nổi bật nhất của nhà chính trị quá cố - Slobodan Milosevic. Cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan bị cáo buộc 66 tội danh liên quan đến diệt chủng, tội ác chống loài người và tội phạm chiến tranh trong các cuộc xung đột đẫm máu ở Bosnia, Croatia và Kosovo những năm 1990. Theo New York Times, năm 2006, sau khi Slobodan Milosevic qua đời khi đang ngồi tù ở Hà Lan, Peter Handke đã xuất hiện cùng 20.000 người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Serbia và có bài phát biểu tại tang lễ nhân vật này.
Sự ủng hộ Peter Handke dành cho Slobodan Milosevic gây ra làn sóng phản đối dữ dội ở nhiều nước. Đề cử của ông cho giải thưởng văn học Heinrich Heine của Đức năm 2006 bị rút lại do quan điểm chính trị gây tranh cãi. Ông thanh minh mình không bênh vực bất kỳ vụ thảm sát nào ở Nam Tư. Thế nhưng, bóng đen quá khứ ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp và danh tiếng của ông.
Việc Peter Handke chiến thắng giải phim ảnh của Na Uy - International Ibsen - năm 2014 thậm chí tạo nên một cuộc biểu tình ở thủ đô nước này. Những người yêu hòa bình đã tụ tập ở lễ trao giải, cầm nhiều tấm biển phản đối với khẩu hiệu: "Đả đảo phát-xít". Trong thông báo về người đoạt giải năm nay, Ủy ban Nobel thừa nhận: "Đôi khi, ông gây ra những cuộc tranh cãi". Họ trao giải cho ông vì các tác phẩm nghệ thuật không liên quan đến quan điểm chính trị.
Tổ chức nhân quyền PEN America nói họ "chết lặng" khi nghe tin Peter Handke được vinh danh, "thất vọng với quyết định của Ủy ban Nobel về giải thưởng này". Trên Twitter, nữ tác giả Molly McKew mỉa mai: "Ủy ban Nobel quyết định tự thoát khỏi vụ bê bối tình dục năm ngoái bằng cách trao giải Nobel Văn học cho một nhà văn Áo, người bảo vệ Slobodan Milosevic và phủ nhận vụ thảm sát ở Serbia". Petrit Selimi, cựu ngoại trưởng Kosovo, viết trên Twitter. "Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Assad (Tổng thống đương nhiệm Syria) giành giải Nobel hòa bình?".
Đan Thùy