Bài 1: 'Bạn đang ngịch gì với đời mình?' Cuốn sách truyền cảm hứng sống đầy trí tuệ
Sự thay đổi trong xã hội chỉ có thể thật sự diễn ra một cách bền bỉ khi những cá thể hợp thành xã hội đã trải qua một sự thay đổi tâm lý triệt để. Sự thay đổi ấy làm phát triển ý thức phê phán thông qua việc tự giáo dục. Đó là điều mà cả nhà sư phạm người Ý nổi tiếng Maria Montessori (1870 - 1952) cùng nhà hiền triết Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) đều nhận ra.
Jiddu Krishnamurti là bậc hiền nhân, một triết gia, nhà tư tưởng, nhà giáo lãng du, nhà khoa học và nhà tâm lý học đột phá, song ông còn được xưng tụng là “người bài trừ thần tượng”, thậm chí được gọi là… “kẻ nổi loạn”. Bởi những lời dạy của ông luôn dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị khuôn định của con người, chứ không dựa trên những hiểu biết thuộc sách vở, hay kinh sách.
Những ý kiến mang tính nền tảng của Jiddu Krishnamurti được đề cập đến trong cuốn sách Bạn đang nghịch gì với đời mình?
Thách thức của Krishnamurti được trình bày không chỉ nhắm vào cấu trúc giáo dục, mà còn vào bản chất và chất lượng của tâm trí và cuộc sống của con người. Ông tiếp cận vấn đề bằng cách phá vỡ giới hạn của những văn hóa riêng biệt, và sáng tạo những giá trị hoàn toàn mới, vì vậy có thể sáng tạo một văn minh mới mẻ, và một xã hội mới mẻ.
Những ý kiến mang tính nền tảng của ông về giáo dục lại xuất hiện từ sớm trong những tác phẩm xuất bản trước đó, như Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, mà cuốn Bạn đang nghịch gì với đời mình? đã dẫn lại - cả hai cuốn sách này đều được dịch và xuất bản gần đây ở Việt Nam.
Đáng chú ý là cuốn Bạn đang nghịch gì với đời mình?, vì các ý kiến về giáo dục của Krishnamurti đã được chọn lọc hoàn toàn phù hợp với cái mạch truy vấn về bản ngã và gợi ý về tự do tâm lý khỏi cái tôi của mỗi bạn đọc của sách, bất kể đó là ai, ở quốc gia nào.
Mời các bạn cùng suy ngẫm với chín ý kiến tiêu biểu của ông về giáo dục:
1. Xã hội của chúng ta, môi trường sống của chúng ta là do thế hệ đi trước tạo nên, và rồi chúng ta mặc nhiên chấp nhận nó, chỉ vì nó duy trì lòng tham, tính chiếm hữu, và những ảo tưởng của chúng ta.
Người lớn nói với bạn rằng họ kỳ vọng bạn, thế hệ tiếp nối, sẽ tạo nên một thế giới khác biệt. Thật ra, điều họ muốn thì hoàn toàn ngược lại với lời nói: họ nỗ lực thiết lập nên cái gọi là “nền giáo dục” để uốn nắn bạn tuân theo những kiểu mẫu xưa cũ, với chỉ chút ít điều chỉnh.
Jiddu Krishnamurti cho rằng, dù ở độ tuổi nào thì hầu hết chúng ta đều có xu hướng tuân phục, nghe theo và sao chép hành vi của số đông.
2. Trước hết, hãy nhìn thật rõ vào thực tại: đừng trông mong gì các nhà giáo, hay các bậc làm cha mẹ, bận tâm đến việc giáo dục bạn một cách đúng đắn; vì nếu vậy thì thế giới đã trở nên hoàn toàn khác so với hiện tại, đã chẳng còn những cuộc chiến tranh nữa rồi. Thế nên chỉ bạn mới có thể mang lại sự giáo dục đúng đắn cho chính mình, rồi sau đó con cái bạn cũng sẽ được thừa hưởng nền giáo dục thích đáng đó.
3. Dù ở độ tuổi nào thì hầu hết chúng ta đều có xu hướng tuân phục, nghe theo và sao chép hành vi của số đông, bởi sâu thẳm bên trong chúng ta đầy sợ hãi và bất an.
Chúng ta muốn được ổn định cả về tài chánh lẫn đời sống, chúng ta muốn mình luôn được chấp nhận. Chúng ta muốn ở vào địa vị an toàn và vững chắc, muốn được bao bọc và tránh đối đầu với mọi khó khăn, đau đớn, khổ sở. Chính nỗi lo sợ bị trừng phạt đã ngăn cản chúng ta làm bất kỳ việc gì trái ngược với mong muốn của người khác.
Một người bị vướng kẹt trong khuôn khổ của sự nể trọng, đàn áp, bắt chước, tuân thủ thì không thật sự sống; tất cả những gì anh ta học được và thu nhận được đều chỉ là một biến thể của cái khuôn mẫu nào đó, chính cái thứ kỷ luật mà anh ta tuân theo đã hủy hoại anh ta.
4. Cái được gọi là nền giáo dục hiện nay chỉ nhào nặn bạn trở nên phù hợp với xã hội này, chỉ phát triển những khả năng giúp bạn tồn tại trong mô hình sống sẵn có.
Cái hiện nay chúng ta gọi là giáo dục chẳng qua là sự tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở, điều mà bất kỳ người biết đọc nào cũng có thể làm được. Kiểu giáo dục như vậy chỉ cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi; và giống như mọi kiểu đào thoát khác, nó chắc chắn gây ra tình cảnh khốn khó ngày một chất chồng.
5. Giáo dục không nên khuyến khích cá nhân tuân phục theo xã hội hay hòa hợp một cách tiêu cực với nó, mà nên giúp cá nhân đó khám phá những giá trị đích thực vốn luôn song hành với sự tìm tòi và ý thức về chính mình một cách trung thực, không mảy may định kiến.
6. Giáo dục phải đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thỏa mãn việc tự khẳng định bản thân.
Để tự giáo dục một cách đúng đắn, bạn phải hiểu về bản thân và không ngừng đào sâu hiểu biết về chính mình.
7. Cá nhân là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải hệ thống; và chừng nào cá nhân còn chưa hiểu rõ toàn bộ diễn trình của chính mình, thì không một hệ thống nào, dù là cánh tả hay cánh hữu, có thể mang lại trật tự ổn định và hòa bình vững bền cho thế giới.
8. Bạn không phải là một loại đất sét hay một loại bột dẻo để nhào nặn vào chiếc khuôn đúc.
Hành động đúng đắn không phải là sự tuân phục.
Để giải quyết vấn đề và hành động đúng đắn, hãy lắng nghe sự thay đổi của cuộc sống, đừng tin vào những nguyên tắc sáo rỗng.
Sách vở, giáo viên, gia đình và cả xã hội xung quanh đều quy định điều chúng ta nên nghĩ, họ chẳng bao giờ giúp ta tư duy.
Để tư duy đúng cách thì không quá khó khăn, nhưng chúng ta luôn gặp vấn đề với điều đó, vì từ thuở nhỏ, tâm trí chúng ta đã luôn bị quy định bởi những từ ngữ, câu từ, những quan điểm sẵn có bên cạnh những định kiến. Tôi không biết liệu bạn có để ý rằng suy nghĩ của hầu hết người lớn đều rất bảo thủ; thật khó để lay chuyển tâm tưởng họ về bất kỳ chủ đề gì.
9. Tự do là điều cần được tìm kiếm - tự do khỏi những người cứu giúp, giáo viên, các nhà lãnh đạo; tự do khỏi những bức tường định kiến về điều gì đó tốt hay xấu; tự do khỏi thẩm quyền và sự bắt chước; tự do khỏi cái tôi, vốn là nguyên nhân của tình trạng xung đột, đau đớn...
Đón đọc kỳ 3: Cái tôi, tình yêu và tình dục
Mời các bạn suy ngẫm với những soi chiếu của nhà hiền triết Jiddu Krishnamurti về cái sự thật tâm lý trần trụi của tình dục, tình yêu và hôn nhân, dưới sự thống trị của tâm trí, của cái tôi nơi con người hiện đại.
Osho, một bậc thầy tâm linh người Ấn Độ (1931-1990), cũng từng nhấn mạnh trong tác phẩm Âm thanh của im lặng: Kim cương trong hoa sen của ông:
“… Trẻ con là hồn nhiên. Chúng tới thế giới nầy mà không có ý tưởng về điều gì sẽ xảy ra. Một cách tự nhiên, thấy mọi người bao quanh bản thân mình, chúng bắt đầu bắt chước họ. Đó là cách học của chúng. Nhưng trong chính tiến trình bắt chước và học hỏi ấy đã xảy ra sai lầm lớn mà nhà khoa học Julian Huxley cho là di truyền. Nó không phải là di truyền, nó là văn hoá. Nó là vì sự trưởng thành. Đứa trẻ không có cách khác: nó phải học từ những người ốm yếu. Và những người ốm yếu nầy sẽ không dung thứ cho bất kỳ ai không ốm yếu.
Bất kỳ ai mạnh khoẻ, bất kỳ ai lành mạnh đều sẽ bị ghét, đều sẽ bị đầu độc, đều sẽ bị ném đá đến chết, bởi vì đám đông phải chọn giữa hai điều: hoặc là riêng cá nhân là đúng – thế thì toàn thể đám đông và toàn thể lịch sử của nó là sai. Hoặc nếu toàn thể đám đông và quá khứ lâu dài của nó, mà nó gọi là “quá khứ vàng son”, là đúng, thế thì người nầy phải bị xoá đi, bằng không đó sẽ là dấu hỏi thường xuyên…”
Nhựt Minh