Các vị khách nước ngoài đến Nga vào thế kỷ 17 đã kinh ngạc trước số lượng phòng tắm công cộng và tư nhân ở Nga cũng như tần suất tắm của người Nga. Có phải người châu Âu tắm ít hơn người Nga?
Người Nga tắm nhiều hơn người châu Âu?
Thế kỷ 13 - 16 là thời hoàng kim của văn hóa tắm ở châu Âu. Mỗi thành phố có hàng chục phòng tắm công cộng. Năm 1334, Vienna có 26 phòng tắm công cộng, Frankfurt - 29, Paris - 30… Nhưng đến thế kỷ 15 - 16, hầu hết phòng tắm công cộng bị đóng cửa, và người châu Âu tắm ngày càng ít hơn, trong đó có cả giới quý tộc và các thành viên hoàng gia.
Có nhiều lý do đối với chuyện này. Đầu tiên, trong thế kỷ 14 và sau đó, cái Chết Đen (dịch hạch) đã làm giảm một nửa dân số châu Âu. Sau nhiều thập niên chết chóc, những người sống sót không còn muốn đến các phòng tắm công cộng nữa. Thứ hai, quan điểm tôn giáo Tin lành cấm nam và nữ tắm chung và lên án việc khỏa thân nơi công cộng là một tội ác. Và cuối cùng, lý do quan trọng nhất - thời kỳ Tiểu Băng Hà, kéo dài từ thế kỷ 14 - 19. Vì lạnh, các khu rừng của châu Âu giảm một cách đáng kể - mọi người đều cần củi để sưởi ấm cho ngôi nhà của họ. Giá củi tăng vọt, khiến cho chuyện tắm trở thành một trò tiêu khiển đắt đỏ.
Bồn tắm bằng gỗ của Sa hoàng đã được tái cấu trúc
Nhưng điều này không đúng đối với người Nga vì Nga có những cánh rừng bao la và rất nhiều củi. Vì thế, người Nga tắm nhiều như họ muốn - thường không dưới 1 lần/tuần.
Dung dịch kiềm cho Sa hoàng
Bất cứ cung điện nào của Sa hoàng cũng đều có các phòng tắm. Trong cung điện, có các phòng tắm riêng trong khu vực nam và nữ. Phòng tắm của Sa hoàng là một nơi rộng rãi. Phòng đợi (khu vực trước khi bước vào phòng tắm) được dùng để nghỉ ngơi trước và sau khi tắm. Sàn được phủ cỏ khô thơm mát, và những chiếc gối rải xung quanh nhồi bằng cỏ khô.
Bên trong phòng tắm là một cái bếp lò Nga, nơi những viên đá được làm nóng. Nước được làm nóng bằng cách bỏ những viên đá vào trong cái bồn lớn nơi Sa hoàng ngồi vào sau đó. Bạn có thể tham quan một phòng tắm của Sa hoàng được tái xây dựng trong cung điện của Sa hoàng Alexey Mikhailovich ở Kolomenskoe, Moscow.
Những khúc gỗ bạch dương lớn được dùng để đốt lò, còn những cành bạch dương nhỏ được dùng để mát xa - bạch dương chứa nhiều hắc ín, vì thế các phòng tắm của Nga an toàn và kích thích hệ miễn dịch.
Phòng tắm của Hoàng hậu Alexandra Fyodorovna
Đôi khi Sa hoàng tắm với xà bông, nhưng vào thế kỷ 17, dung dịch kiềm đơn giản (một hydroxit kim loại truyền thống thu được bằng cách lọc tro) được dùng để tắm, và nước hoa hồng (hoặc đôi khi nước tầm xuân) được dùng để gội đầu. Thói quen tắm của Sa hoàng giống như tất cả người Nga khác.
Các hoàng đế Nga: Tắm như một nghi thức
Theo truyền thống châu Âu của thế kỷ 18, việc tắm của hoàng gia là một nghi thức hoành tráng. Nhưng ở Cung điện Mùa Đông của các hoàng đế Nga, một phòng tắm truyền thống của Nga đã được kết hợp với các phòng tắm kiểu châu Âu.
Peter Đại Đế cho xây các phòng tắm “phong cách kết hợp” như thế trong Cung điện Monplaisire của ông (tọa lạc ở Peterhof, bên ngoài Saint Petersburg). Giờ đây, phòng tắm này mở cửa cho khách tham quan, nhưng nó được tái xây dựng vào năm 1866.
Con gái của Peter Đại Đế, Elizabeth của Nga, có các phòng tắm mang đẳng cấp vua chúa, với những bức tranh trên trần được nghệ sĩ Ý Antonio Perezinotti thiết kế. Trong phòng tắm của Hoàng đế Alexander I, các bức tường của tất cả các phòng đều được trang trí bằng tranh tường. Nó cũng có một phòng làm việc với một cái bàn làm việc và đồ đạc khác.
Phòng tắm của Hoàng hậu Alexandra, vợ của Nicholas I, được trang trí theo phong cách Mauritius, rộng 40m2. Chi phí của nó khoảng 42,000 rúp - bằng mức lương của Bộ trường Hoàng gia trong 20 năm. Năm 1834, nghe nói hoàng hậu có một bữa tiệc chiêu đãi trong phòng tắm.
Chồng bà, Nicholas I, không thích tắm lắm: ví dụ, năm 1833, ông tắm trong phòng tắm riêng 11 lần và đến phòng tắm hơi 4 lần. Nhưng có lẽ ông là người đàn ông đầu tiên ở Nga dùng vòi sen. Những năm 1840, trong phòng tắm của ông có một cái “tủ” cao 3m với “thiết bị máy móc phun mưa”, các tài liệu lịch sử ghi lại. “Tủ” có 10 vòi sen bên trong, ở phía trên và 2 bên - giống như vòi sen đương đại với chức năng bể sục jacuzzi. Ông mượn ý tưởng này ở Anh trong một chuyến đi Anh năm 1844.
Các phòng tắm của Cung điện Mùa Đông thường được sửa sang, vì các hoàng đế khác nhau có những thói quen tắm khác nhau. Các phòng tắm nam thường ở tầng hầm, và các phòng tắm dành cho phụ nữ hoàng gia - ở tầng trệt. Alexander III, người luôn nhấn mạnh về nguồn gốc và thói quen Nga của ông, thích tắm với bạn bè và cộng sự. Con trai ông Nicholas II đã ra lệnh xây một hồ bơi bằng đá cẩm thạch. Nó được kết nối bằng cầu thang từ phòng làm việc của ông, và nước cho hồ bơi đi qua các bộ lọc. “Tôi thích tắm trong phòng tắm của mình, và sau khi uống cà phê, tôi bắt đầu làm việc với những bức điện tín chán ngắt”, Nicholas viết trong nhật ký của mình vào ngày 1.1.1896.
Mê Linh