"Sống đẹp như những con thiên nga của Tchaikovsky"
Việc sản xuất các clip với nội dung giải trí, hài hước để đăng tải lên MXH ngày càng trở nên phổ biến. Đáng chú ý cái thời gian gần đây, nổi lên cái tên 1977 Vlog.
Chỉ cần 3 clip quay bằng ipad, kênh của 3 chàng trai đã "ẵm" nút vàng Youtube và tạo nên loạt câu nói viral mạnh mẽ. Điều khiến những clip của kênh Youtube 1977 Vlog gây "bão" mạng xã hội chính là họ dựng vlog với các chủ đề về tác phẩm văn học xây dựng dưới dạng phim xưa.
Bên cạnh ý tưởng hay, kênh 1977 Vlog còn hút người xem những câu "cà khịa" đầy hoa mỹ, nhân văn thay cho những từ ngữ kém duyên.
"Sa chào cô chú đi con"
Cậu bé để kiểu đầu nấm huyền thoại, đôi mắt đen thông minh gắn liền với caption "Sa chào cô chú đi con!" là con trai của YouTuber Quỳnh Trần -JP, một phụ nữ Việt lấy chồng Nhật và đang sống tại Nhật Bản.
Kênh của "bà Quỳnh" (cách YouTuber tự xưng) có hơn 1 triệu lượt đăng ký kênh và đã nhận được nút vàng YouTube. Bé Sa đã cùng mẹ xuất hiện xuyên suốt trong gần 400 vlog về ăn uống và cuộc sống tại Nhật.
Mỗi lần xuất hiện, "bà Quỳnh" nhắc con chào mọi người đang xem vlog bằng 1 câu huyền thoại là: "Sa chào cô chú đi con".... 400 lần như 1.
Với những biểu cảm vô cùng "bất hợp tác" với mẹ trong video, "bé Sa" bỗng nổi như cồn. Từng cái ngáp dài, cái liếc mắt của cậu bé này đều dễ dàng đốn tim các khán giả xem livestream của Quỳnh Trần JP.
"Thấy mà tức á!"
Xuất hiện vào khoảng 1-2 tháng gần đây, câu nói 'Tao thấy mà tao tức á' xuất hiện lần đầu tiên từ ảnh chế một chú chó đang cuốn lô vào tai và mặt mũi có vẻ không hài lòng. Ngay sau đó rất nhiều bức ảnh chế đã xuất hiện lồng ghép câu nói này với nhiều hình dạng khác nhau, chủ yếu là ảnh chế các con vật.
Cư dân mạng đã nhanh chóng lấy cảm hứng từ chú chó này biến tấu câu nói thành 'trend' để biểu thị sự ức chế, khó chịu, bực dọc về một vấn đề gì đó.
"Thế tại sao mình phải trả lời bạn?"
Chiều 21/10, tài khoản Facebook Robert Chen đăng dòng trạng thái bức xúc lên trang cá nhân. Theo chia sẻ từ người này, một cô gái không quen đã inbox hỏi mình về việc mua mèo cưng ở đâu.
Đáp lại câu hỏi khá chừng mực của cô gái, Robert Chen viết: "Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn". Người này còn chụp màn hình đoạn tin nhắn kèm nhận xét cô gái kia "không biết cách đặt câu hỏi".
Sau ít giờ được đăng tải, câu chuyện hỏi mua mèo nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác từ dân mạng. Phần lớn đều thả "phẫn nộ" và cho rằng chủ nhân bài viết mới chính là người cư xử thiếu lịch sự.
Sau "bão comment" từ dân mạng, Robert Chen đã khóa phần bình luận của bài viết gây tranh cãi. Tuy nhiên, câu nói "thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn" vẫn được lan truyền "chóng mặt" khắp mạng xã hội - từ status, bình luận tới ảnh chế.
"Độ ta không độ nàng"
Trào lưu này được bắt nguồn từ bài hát “Độ ta, không độ nàng”, do tác giả Độc Cô Thi Nhân viết theo Trung Quốc phong, phối Pop với lối hát khá mềm mại, nhẹ nhàng và không có rap. Ca khúc là cảm hứng của anh khi nhớ về thời thơ ấu làm đệ tử ở chùa Thiếu Lâm.
Sau một thời gian “làm mưa làm gió” ở Trung Quốc, một số người dùng mạng Việt Nam đăng tải video vietsub “Độ ta, không độ nàng” lên mạng YouTube để những ai yêu thích ca khúc này hiểu được ý nghĩa.
Từ đó, những sản phẩm ăn theo “Độ ta, không độ nàng” như phim ngắn bản kiếm hiệp, tiên hiệp; chụp ảnh cosplay; kể chuyện tranh cát… đang diễn ra rầm rộ, tạo nên bộ mặt phong phú cho trào lưu này
"Lúc đi hết mình, lúc về hết buồn"
Tối 28/8, MV Đi Đu Đưa Đi của ca sĩ Bích Phương ra mắt nhanh chóng đạt hơn 5 triệu lượt xem sau 2 ngày công chiếu. Ngoài việc được dân mạng khen MV có nội dung hài hước, giai điệu vui tươi, loạt câu hát như "Đu đưa không phải là hư, đu đưa là để lắc lư hết buồn" hay "Lúc đi hết mình, lúc về hết buồn" cũng trở thành trào lưu trên mạng.
Cư dân mạng đã nhanh chóng “chế biến” các câu hát này thành nhiều phiên bản để hợp với câu chuyện của riêng mình, như “Lúc đi hết mình, lúc về hết tiền”, hay “lúc đi hết mình, lúc về hết hồn”...
"Chủ tịch thử lòng và cái kết"
Xuất hiện vào đầu năm 2019, trào lưu "Chủ tịch giả... và cái kết" nhanh chóng "gây bão", khiến dân mạng nhiệt tình hưởng ứng. Bất kể bài viết hay trường hợp nào, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hàng loạt câu nói như "Chủ tịch giả nghèo để thử lòng bạn gái và cái kết", "Chủ tịch giả danh bảo vệ để thử lòng và cái kết", "Vợ chủ tịch giả nghèo họp lớp và cái kết"...
Trào lưu này được xuất phát từ loạt clip trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc), do các diễn viên hài đóng. Sau đó được một số kênh YouTube Việt remake lại và khiến nó trở thành phổ biến trên diễn đàn.
"Em muốn uống tà tưa"
Câu nói có phần độc đáo này đã lan rộng khắp mạng xã hội nhờ "nữ hoàng nhạc chế" Hậu Hoàng sau khi bài nhạc này được đưa vào clip "Chuyện Xóm Trọ" đã ra mắt vào ngày 18/08 vừa qua.
Trong đoạn clip này đã có phân cảnh của Hậu Hoàng đã dẫn người yêu về phòng và bày đồ ăn vặt, nước uống la liệt khắp phòng, kèm theo đó là một loạt những cử chỉ nũng nịu với người bạn trai của mình “Này ăn iu, em mún uống tà tữa. Oke em iu há miệng ra. Ăn iu em nhìu hông? Ăn iu em to như này này” (Này anh yêu em muốn uống trà sữa/OK em yêu há miệng ra/Anh yêu em nhiều không/Anh yêu em to như này này).
Chỉ từ một cụm từ "tà tưa" mà gần như đã khiến cho rất nhiều những tín đồ của trà sữa gần như phát cuồng và lan rộng cụm từ này khắp tất cả các mạng xã hội, được rất nhiều những bạn trẻ cover lại, ngoài ra cụm từ "tà tưa" cũng nhanh chóng xuất hiện trên những bình luận và được giới trẻ tiếp cận như một trào lưu mới.
"Siêu to khổng lồ"
Năm vừa qua, trên khắp các mạng xã hội, giới trẻ đua nhau chia sẻ những đoạn video từ kênh YouTube “Bà Tân Vlog”. Thực tế, những video của Bà Tân Vlog hoàn toàn không có gì quá cao siêu, chủ yếu về các chủ đề làm đồ ăn.
Điểm đặc biệt, thu hút sự chú ý của kênh YouTube này đó là những món đồ mà bà Tân làm đều là những món ăn khổng lồ với số lượng “khủng” như: “Cốc trà sữa khổng lồ”; “Nồi lẩu siêu cay khổng lồ”; “Đĩa cá viên chiên khổng lồ”; “Đĩa cơm sườn siêu cay khổng lồ”…
Bên cạnh đó, Bà Tân Vlog còn được nhiều người yêu thích bởi cách nói chuyện hồn nhiên, mộc mạc. Trong các video, bà Tân đều gây ấn tượng mạnh với người xem bằng câu chào “Bà chào các cháu nhá”, “Các cháu có thấy bà ngầu không?”, “Cuộc đời bà gần 60 nồi bánh chưng rồi”…
Những lời chia sẻ giản dị này của bà Tân đã dần dần “ngấm” vào cách nói chuyện, hội thoại, bình luận của nhiều bạn trẻ hiện nay một cách rất tự nhiên.
"I love you 3000"
"I love you 3000" (Con yêu bố 3000) có lẽ là câu nói được chia sẻ nhiều nhất sau khi "Avengers: Endgame" chính thức công chiếu. Trong cuộc trò truyện, con gái của Tony Stark - Morgan (Alexanda Rabe đóng) nói với bố: “Con yêu bố 3000” (I love you 3000).
Sau khi nghe được câu nói đầy tình cảm của con, siêu anh hùng đã rất hạnh phúc và hãnh diện khoe với vợ: "Con bé yêu anh 3000, còn em chỉ ở đâu đó khoảng từ 600 đến 900 thôi!". Câu nói này cũng được Tony Star nhắc lại lúc anh quay đoạn video cuối cùng để nói lời từ biệt với vợ con trước cuộc chiến định mệnh với Thanos.
Khoảnh khắc ấy đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả ngồi trước màn ảnh rộng vì sự ra đi của siêu anh hùng mà họ yêu thích suốt hơn thập kỷ qua.
Sau khi "Avengers: Endgame" được công chiếu, câu nói "I love you 3000" được nhiều người dùng làm memes/ bình luận trên mạng xã hội nhiều hơn. Nhiều người cũng cho rằng đây là những lời mà Marvel muốn gửi đến các fan: "We Love You 3000" (Chúng tôi yêu các bạn 3000).
"Cục xì lầu ông bê lắp"
“Cục xì lầu ông bê lắp” khởi nguồn từ những clip được phát trên mạng xã hội. Một ca khúc nước ngoài với giai điệu sôi động được người dùng lấy làm nhạc nền nhưng họ không biết đó là bài hát gì nên đành “nghe như nào dịch đại thế ấy”. Vậy là “cục xì lầu ông bê lắp” ra đời và làm chao đảo mạng xã hội.
“Cục xì lầu ông bê lắp” được “Việt hóa” từ câu hát “Don't you know, pump it up” theo đúng chuẩn “phiên âm” nói của giới trẻ, nằm trong ca khúc Pump It Up của ca sĩ Danzel, phát hành năm 2004.
Hồng Minh